Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị nói gì về phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng?

Minh Tân

Chủ nhật, 17/11/2024 - 15:34

(Thanh tra) - Việc phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Có địa phương triển khai, có địa phương vẫn chưa thực hiện và bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý, điều động, bổ nhiệm đối với chức danh này.

Hướng Hóa là địa phương hiếm hoi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đưa các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND huyện vào các chức danh do Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp quyết định. Ảnh: Minh Tân

Nơi quản lý, nơi không

Vừa qua, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Hướng Hóa đã ban hành Quy định số 11-QĐ/HU ngày 10/10/2024 quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Trong đó, tại Mục 1, Phụ lục 1 của Quy định này thì BTV Huyện ủy Hướng Hóa đã đưa các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND huyện vào các chức danh do BTV Huyện ủy trực tiếp quyết định.

Đồng thời BTV Huyện ủy có trách nhiệm và quyền hạn “Tuyển chọn; đánh giá; quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, phân công; bổ nhiệm, chỉ định; điều động, luân chuyển, biệt phái; bổ nhiệm lại; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ chính sách đối với các chức danh được quy định tại Mục 1, Phụ lục 1 của Quy định này”.

Theo Ban Tổ chức (BTC) Tỉnh ủy Quảng Trị, nếu đưa các chức danh này vào diện BTV cấp ủy cấp huyện quản lý thì có điều kiện để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, số lượng lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đông.

Trong khi, công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chính sách cán bộ… sẽ tạo áp lực khá lớn cho cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy. Vì vậy, BTV các huyện, thị xã, thành ủy căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để xem xét việc quản lý.

Đồng thời, theo BTC Tỉnh ủy Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh ngoài TP Đông Hà và huyện Hướng Hóa thì các địa phương còn lại đều giao UBND huyện quản lý và định kỳ báo cáo BTV Huyện ủy hoặc Thường trực Huyện ủy. BTV Huyện ủy thực hiện kiểm tra, giám sát đối với nội dung này và kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ theo quy định.

Ngoài ra, BTC Tỉnh ủy Quảng Trị cũng đã có ý kiến về việc xin chủ trương bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ở các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp huyện. Theo đó, BTC Tỉnh ủy đề nghị BTV các huyện, thị, thành ủy thực hiện đúng phương thức lãnh đạo của Đảng; thẩm quyền của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; thẩm quyền của tập thể lãnh đạo, cấp ủy trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định để quyết định, đảm bảo không trái với quy định của cấp trên và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

BTC Tỉnh ủy Quảng Trị cũng chỉ rõ: Ở cấp huyện, hầu hết các địa phương trong tỉnh Quảng Trị thực hiện theo phương án cấp ủy, tập thể lãnh đạo các phòng chuyên môn báo cáo xin ý kiến Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện trước khi trình BTV Huyện ủy xin chủ trương.

Có phù hợp các quy định?

Trong khi đó, tại địa phương huyện Hướng Hóa, các cơ quan, đơn vị đều thống nhất về phân cấp quản lý trong Đảng đối với chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND huyện.

Tuy nhiên, với việc phân cấp quản lý đã gặp phải những phản ứng của một số đơn vị khi còn nhiều bất cập trong việc quản lý, bổ nhiệm, điều động... Theo một số đơn vị, việc phân cấp này chưa phù hợp với quy định của Luật Giáo dục, Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Viên chức 2010...

Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 9 Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, nêu rõ: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của Chủ tịch UBND cấp huyện. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện “…công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập quy định tại Khoản 1 điều này...”.

Bên cạnh đó, tại các thông tư ban hành các Điều lệ Trường học thuộc UBND huyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đều quy định rõ: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm và phân cấp quản lý Nhà nước thuộc về UBND huyện.

Chưa kể, nếu đưa Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện vào các chức danh thuôc diện BTV Huyện ủy quản lí thì việc đánh giá cán bộ đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng là không đúng đối tượng và trái với và thẩm quyền đánh giá, xếp loại viên chức theo Luật Viên chức số 58/2010/QH12 và Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Theo quy định Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện là viên chức quản lý, vì vậy, việc đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng là đánh giá xếp loại viên chức quản lí được quy định tại Điều 43, Luật Viên chức 2010 và tại Khoản 3, Điều 16, Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Trong đó, trách nhiệm đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý: “Người có thẩm quyền bổ nhiệm chịu trách nhiệm đánh giá viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập”.

Điều đó, khiến cho việc quản lý, đào tạo, điều động, bổ nhiệm… đối với chức danh này gặp nhiều khó khăn, lúng túng, đặc biệt là kế hoạch điều động viên chức quản lý các đơn vị trường học thuộc UBND huyện theo từng năm học.

Trong khi đó, một cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, việc phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa có thống nhất. Điều đó dẫn đến chưa đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi của những Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng ở các địa phương khác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị nói gì về phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng?

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị nói gì về phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng?

(Thanh tra) - Việc phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Có địa phương triển khai, có địa phương vẫn chưa thực hiện và bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý, điều động, bổ nhiệm đối với chức danh này.

Minh Tân

15:34 17/11/2024
Trao tặng danh hiệu cho 1.188 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

Trao tặng danh hiệu cho 1.188 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

(Thanh tra) - Sáng nay (17/11), tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Phương Hiếu

15:29 17/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm