Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sơn La: Du lịch cao nguyên xanh “đẻ trứng vàng”

Thứ năm, 22/12/2016 - 10:23

(Thanh tra) - Năm 2010, Mộc Châu (Sơn La) đón 288.000 lượt khách. Năm 2013 đón 600.000 lượt khách. Năm 2015 đón 750.000 lượt khách. Năm 2016 đón 1,050 triệu lượt khách. Doanh thu từ du dịch năm 2015 đạt hơn 500 tỷ đồng, năm 2016 ước đạt 950 tỷ đồng.

Lễ hội đường phố Mộc Châu. Ảnh: HB

Mục tiêu năm 2020 đón 1,5 triệu lượt khách. Năm 2030 đón 3 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch năm dự koeesn 2020 đạt 1.500 tỷ đồng, năm dự kiến 2030 đạt 6.000 tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy, ngành “công nghiệp không khói” trên vùng đất cao nguyên xanh Mộc Châu đã và đang “đẻ trứng vàng”. 

Mộc Châu, mùa Xuân - mùa của ngàn hoa khoe sắc, mùa của lễ hội người Thái, người Mường, người Dao, người Sinh Mun, La Ha, Khơ Mú. Mùa tung “khèn” gọi bạn, “bắt” vợ của các chàng trai Mông. Ngày cũng như đêm, khắp các bản làng rộn rã âm thanh của vũ điệu xòe, của nhịp trống, nhịp cồng chiêng. Lửa trại bập bùng thâu đêm đến sáng. Già, trẻ, gái, trai cứ ngất ngây, tay nắm tay trong vòng xòe, chóe rượu cần. Tết ở vùng đất cao nguyên Mộc Châu là thế. Khí xuân, lòng người thật ấm áp.   

Phụ nữ Thái duyên dáng trong ngày hội Xuân. Ảnh: HB

Buổi sáng, từ thị trấn Mộc Châu, rong ruổi vào khu rừng thông bản Áng, Ngũ Động bản Ôn, vườn chè khu thị trấn nông trường Mộc Châu, leo đỉnh Pha Luông, lên thác Dải Yếm, vào khu du lịch cộng đồng Tân Lập. Xa nữa là khu trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập… Hai bên đường, trong các bản làng, những cây mận cổ thụ xòe tán như những cái ô khổng lồ, trắng muốt, tinh khôi. Cánh đào theo gió “trải” lên mặt đường “tấm thảm hoa” rực rỡ. 

Và, du khách sẽ lặng người khi ngắm nhìn cánh rừng ban, sản vật của núi rừng Tây Bắc, bồng bềnh trong sương sớm trên dãy núi Pha Luông hùng vĩ. Mùa Xuân, mùa hoa. Mộc Châu như một cô gái đẹp yêu kiều, quyến rũ. Mộc Châu, vùng đất cao nguyên xanh thực sự là “thiên đường”, một điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế của vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao huyện Mộc Châu tự hào cho biết: Mộc Châu cách Thủ đô Hà Nội 200km, nằm trên độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển. Do đặc thù của địa chất, địa hình đã tạo cho Mộc Châu một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, đặc biệt là vùng thảo nguyên rộng trên 50.000ha với đồi chè xanh mướt, cánh đồng hoa cải, vườn đào, mận ngút tầm mắt. Mộc Châu có nhiều điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nơi hội tụ của những lễ hội, nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Mông, Mường, Kinh, Thái, Dao, Sin Mun, Khơ Mú, Sa La... Đây là thế mạnh để Mộc Châu khai thác, phát triển du lịch. 

Và thực tế, trong những năm qua, Mộc Châu đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình, đưa ngành Du lịch trở thành ngành chính trong cơ cấu kinh tế.

Chàng trai Mông trổ tài thi giã bánh dày. Ảnh: HB

Hiện nay, Mộc Châu đã hình thành 3 loại hình du lịch. Đó là: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời phát triển các tour, tuyến du lịch như: Mộc Châu - Lào; Hà Nội - Mộc Châu - Lào - Thái Lan. Tuyến du lịch liên vùng kết nối Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu và tuyến nội vùng Mộc Châu - Hồ thủy điện Hòa Bình; Thị trấn Nông trường Mộc Châu - Thác Dải Yếm - Cửa khẩu Lóng Sập - Rừng thông bản Áng…

Các điểm tham quan danh thắng “hút” khách du lịch như Hang Dơi, Ngũ Động bản Ôn, rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông. Các địa danh di tích văn hóa, lịch sử: Tượng đài nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu, Tượng đài Tây Tiến, Đồn Mộc Lỵ… đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách và là điểm đến không thể quên của du khách mỗi lần đến Mộc Châu.

Cơ sở hạ tầng du lịch Mộc Châu không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Mộc Châu đã có 126 cơ sở lưu trú với 1.204 phòng. Định hướng đến năm 2020 có 1.840 phòng, năm 2030 có 5.390 phòng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Lễ Lập tịch của người Dao. Ảnh: HB

Thực tế chứng minh, số lượng du khách đến Mộc Châu trong những năm qua không ngừng tăng. Nếu năm 2010, Mộc Châu đón 288.000 lượt khách, năm 2014 tăng lên 850.000 lượt khách và năm 2016 số lượng du khách đên Mộc Châu đã tăng lên con số kỷ lục 1,050 triệu lượt người, doanh thu từ du lịch đạt trên 950 tỷ đồng. Đặc biệt trong các dịp lễ hội (Tết Độc lập 2/9, Tết Mông, ngày lễ 30/4 – 1/5), số lượng khách đến Mộc châu không dưới 50.000 người. Trong đó có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế lưu trú nhiều ngày.   

Điểm nhấn cho du lịch Mộc Châu, đó là ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 2050/QĐ-TTg về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tổng diện tích được phê duyệt là 206.150ha trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ, gồm 3 khu du lịch trung tâm và 7 phân khu, 7 điểm vệ tinh. Đây là động lực, cơ hội thu hút đầu tư phát triển kinh tế du lịch xứng với tiềm năng, lợi thế của cao nguyên Mộc Châu.

Để phát huy hiệu quả Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, UBND tỉnh Sơn La đã có định hướng thu hút các dự án trọng điểm vào Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gồm 9 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, 16 dự án đầu tư vào du lịch, dịch vụ.

Với nhiều cơ chế ưu đãi thông thoáng, tin rằng năm 2017 và các năm sau, du lịch Mộc Châu sẽ vươn lên xứng tầm Khu du lịch quốc gia. Ngành "công nghiệp không khói" trên cao nguyên Mộc Châu sẽ tiếp tục "đẻ trứng vàng".

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm