Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ưu tiên rà soát 3 nhiệm vụ trong cải cách hành chính, tăng cường thanh tra công vụ

Hương Giang

Thứ tư, 19/07/2023 - 17:00

(Thanh tra) - Nêu rõ cải cách hành chính là một tiêu chí đánh giá cán bộ, Thủ tướng nêu rõ 3 ưu tiên rà soát: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ công chức để có biện pháp xử lý phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Công tác cải cách hành chính gồm 6 nội dung chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Cải cách hành chính là tiêu chí đánh giá cán bộ

Kết luận phiên họp, ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Ông đặc biệt yêu cầu 3 nhiệm vụ ưu tiên rà soát.

Đầu tiên là rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để “xem nội dung nào vướng mắc, ở đâu, ai giải quyết, thời hạn giải quyết bao lâu”.

Đi cùng với đó, rà soát các thủ tục hành chính ở các cấp, ngành, tập trung vào thủ tục liên quan đến các vấn đề như nhà ở, tiếp cận tín dụng, đất đai, thuế… để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.

“Phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó và làm đến cùng, thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, Thủ tướng nói và quán triệt cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà.

Nhiệm vụ ưu tiên thứ ba là phải rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, những ai vi phạm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì phải xử lý theo quy định; những người làm tốt, vì dân, vì nước thì khen thưởng, động viên kịp thời.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, cần phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát về công vụ. Sau cuộc họp này, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức quán triệt triển khai xuống tận cơ sở.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các cấp được yêu cầu phải coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ.

Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại, đổi mới cách làm; khẩn trương triển khai các quy định về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy.

“Tăng cường quản lý công chức, công vụ, khuyến khích những người làm tốt, xử lý những người làm sai, động viên khen thưởng kịp thời”, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại.

Đổi mới cách làm, tăng cường đối thoại

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ Nội vụ phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quy định về việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Với Bộ Tư pháp, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất xử lý chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: N.Bắc

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc ban hành nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước đề ra các quy định giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Vấn đề gì còn băn khoăn, vướng mắc thì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhất là các hiệp hội đang gặp khó khăn như gỗ, thuỷ sản, điện tử… để tìm cách giải quyết, theo Thủ tướng.

Yêu cầu tổ chức đối thoại cũng được người đứng đầu Chính phủ lưu ý với Bộ Tài chính. Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng giao giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếp cận vốn, giảm lãi suất, thủ tục xuất nhập khẩu … trên tinh “thần đổi mới cách làm, chân thành, đặt địa vị của mình vào địa vị người khác để xử lý”.

Còn cán bộ sợ trách nhiệm, cải cách thủ tục chậm

Trước đó, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; kinh nghiệm trong thực hiện cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, TP đang tiến hành đánh giá việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP này, trong đó có việc không tổ chức HĐND cấp phường.

TP Hà Nội đã quyết định chuyển công chức cấp xã ở phường sang công chức Nhà nước, báo cáo Bộ Nội vụ giao bổ sung 2.625 biên chế công chức tại 175 phường thành công chức cấp quận quản lý, hoạt động theo cơ chế quản lý mới. Kết quả, đã giảm 125 biên chế so với khi chưa thực hiện thí điểm.

Thực tế cho thấy mô hình này là phù hợp. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn hơn, tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận và thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt.

“Cơ quan hành chính phường đã chủ động trong điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn, đặc biệt là những nhiệm vụ mang tính đột xuất, yêu cầu cấp bách phải giải quyết ngay”, theo ông Thanh.

Hà Nội kiến nghị điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường theo số lượng dân cư và diện tích tăng thêm hoặc tăng thêm các chế độ, chính sách đối với công chức ở những phường có số lượng dân cư đông…

Với Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc, Đào Minh Tú cho biết, đã ban hành “sơ đồ vị trí việc làm và bản mô tả công việc”. Cơ quan này cũng rất quan tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển cán bộ.

Cụ thể là luân chuyển cán bộ từ Ngân hàng Nhà nước sang giữ chức vụ chủ chốt tại ngân hàng thương mại Nhà nước. Ngược lại, một số cán bộ lãnh đạo có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước được điều đồng về giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại một số vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Tú cho rằng, luận chuyển cán bộ như vậy vừa giúp nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách, xử lý công việc, vừa từng bước đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá tại phiên họp, còn tình trạng sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cải cách thủ tục hành chính còn chậm; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm