Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

12 lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước đã luân chuyển làm quản lý doanh nghiệp

Hương Giang

Thứ tư, 19/07/2023 - 16:40

(Thanh tra) - 12 lãnh đạo cấp vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước được luân chuyển sang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: Đ.X

Thông tin này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, sơ kết 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ngày 19/7.

Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển cán bộ từ Ngân hàng Nhà nước sang giữ chức vụ chủ chốt tại ngân hàng thương mại Nhà nước.

Một số cán bộ lãnh đạo có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng được điều động về giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tham mưu tại một số vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước.

Nêu con số cụ thể, ông Tú cho hay, kể từ khi Quy định số 98 năm 2017 của Bộ Chính trị được ban hành, có 4 cán bộ luân chuyển từ các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước về giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý cấp vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương tại các đơn vị, vụ, cục thuộc Ngân hàng Trung ương.

12 lãnh đạo cấp vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương ở các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được luân chuyển sang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước.

14 cán bộ được luân chuyển giữa các đơn vị, vụ, cục thuộc Ngân hàng Nhà nước và 9 cán bộ được luân chuyển từ ngân hàng thương mại Nhà nước sang giữ các chức vụ giám đốc, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

“Việc luân chuyển này vừa giúp cho các vụ, cục chuyên môn nâng cao được năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách cũng như chất lượng tham mưu, xử lý công việc; vừa từng bước đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ cán bộ tiềm năng thông qua việc tạo điều kiện để cán bộ trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm thực tế”, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

81 cán bộ, công chức, viên chức được vào quy hoạch đào tạo chuyên gia

Ông Tú cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và triển khai đề án đào tạo chuyên gia qua nhiều giai đoạn. Với đoạn 2013 - 2020, cơ quan này đã có 40 cán bộ, công chức, viên chức được công nhận hoàn thành chương trình đào tạo chuyên gia.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó 81 cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn đưa vào quy hoạch đào tạo chuyên gia.

Cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành “sơ đồ vị trí việc làm và bản mô tả công việc”.

Theo ông Tú, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nằm trong số 5/20 bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; nằm trong số 4/15 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Đến trung tâm y tế đổi… giấy phép lái xe

Cũng tại phiên họp, nhiều mô hình, cách làm hay đã được địa phương báo cáo với Thủ tướng. Một trong những mô hình đột phá là ở Đà Nẵng khi địa phương này đã tập trung nguồn lực và trang thiết bị triển khai thủ tục “3 trong 1” liên quan đến khai sinh (cấp giấy khai sinh, cấp thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế) và khai tử (khai tử - xoá đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí) từ ngày 10/7/2023.

Đáng chú ý, Đà Nẵng đã thực hiện mô hình đột phá trong chuyển đổi số “đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe”. Người dân chỉ cần một bước đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, cung cấp thông tin, giấy phép lái xe cũ sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục và trả giấy phép mới tại nhà cho công dân.

Còn ở Cà Mau, theo Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt, tỉnh này đã triển khai tiếp nhận giải quyết thủ tục theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Cụ thể, UBND tỉnh lựa chọn 83 thủ tục (lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công thương...) người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thường xuyên thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện để giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận.

Theo đó, người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của huyện, thành phố hoặc tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 có 1.240 hồ sơ.

Tiếp đó, Chủ tịch tỉnh Cà Mau đã quyết định triển khai thực hiện thí điểm mô hình giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới theo hướng ngược lại. Cụ thể, Chủ tịch tỉnh quyết định chọn 7 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành tỉnh giao cho UBND cấp huyện tiếp nhận.

Cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn, nộp hồ sơ tại bất kỳ bộ phận một cửa của đơn vị cấp huyện nào, không nhất thiết phải nộp hồ sơ tại đơn vị có thẩm quyền giải quyết… Đến nay, đã tiếp nhận 160 hồ sơ. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm