Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ghi nhận những kết quả của ngành Thanh tra

Thứ sáu, 20/11/2015 - 15:22

(Thanh tra)- Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) kịp thời làm dân yên lòng; tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra tăng; khuôn khổ pháp luật không ngừng được hoàn thiện góp phần “bịt” các lỗ hổng dễ nảy sinh tham nhũng… Đó là những ghi nhận của cử tri, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) về kết quả hoạt động của ngành Thanh tra trong thời gian qua.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trao đổi với ĐBQH bên hành lang QH. Ảnh: TN

Nỗ lực tiếp dân, giải quyết KN,TC

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và chính quyền một số địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết KN,TC của công dân, nhất là đối với những vụ KN, TC phức tạp, kéo dài”.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) cho biết: Cùng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH làm việc tại các tỉnh, thành, tôi thấy nhiều vụ KN,TC của công dân đã được quan tâm giải quyết dứt điểm. Nhân dân đánh giá rất cao khi Tổng Thanh tra, rồi Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng trực tiếp tiếp dân, giải quyết KN,TC.

Nhưng vẫn còn những việc kéo dài 10, 20 năm, gây bức xúc trong nhân dân. Theo ĐB Tiếp, nguyên nhân là do cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh chứng cứ, tham mưu báo cáo trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định luôn thay đổi, lúc thì chấp nhận, lúc lại bác bỏ yêu cầu, mà không căn cứ vào chứng cứ, quy định của pháp luật, nhất là các vụ liên quan đến đất đai.

“Cần tiếp tục quan tâm rà soát các vụ KN,TC kéo dài, các quyết định giải quyết có nhiều sai sót về nội dung, không đúng thẩm quyền, sai về thủ tục. Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người tham ô, người ký quyết định sai để củng cố niềm tin với nhân dân”, ĐB Tiếp nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ, chúng ta thấy rất đau lòng khi KN,TC còn đông người, phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội. “Tôi hi vọng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng sắp xếp cán bộ, công chức ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao, có quan hệ trực tiếp với công dân, tổ chức và cá nhân. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền pháp luật, nhất là pháp luật về KN, TC đến người dân”.

Qua thanh tra “xử” tham nhũng, vi phạm tăng

Các ĐBQH cũng nhấn mạnh, công tác thanh tra năm nay đã đạt được kết quả quan trọng, có hiệu quả hơn so với năm 2014, số lượng vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra xử lý tăng. Qua thanh tra, giải quyết KN,TC, nhũng nhiễu, tham nhũng, vi phạm đã được xử lý. ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nói: “Một số vụ vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện dự án, trong quy hoạch treo có nơi đến 12 năm làm khổ dân, gây bất bình vừa rồi Tổng Thanh tra đã giải quyết”.

Nhiều văn bản pháp luật quan trọng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, góp phần bịt các lỗ hổng, sơ hở, dễ làm nảy sinh tham nhũng đã được Thanh tra Chính phủ trình ban hành và ban hành.

“Thanh tra Chính phủ đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và tiến hành thanh tra việc công khai, minh bạch hoạt động, sử dụng tài sản đối với một số bộ, ngành, địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ĐBQH TP Hà Nội) chia sẻ, tham nhũng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, là 1 nguy cơ cần phải tiếp tục có giải pháp mạnh hơn nữa để hạn chế, đẩy lùi. Quốc hội, cử tri đều đặt ra vấn đề này. Qua thanh tra đã phát hiện được nhiều vụ tham nhũng. Chúng ta cũng tập trung xét xử được một số vụ án lớn, được cử tri đánh giá cao.

“Phải công nhận một điều, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị nói chung, Thanh tra Chính phủ nói riêng. Vấn đề làm làm thế nào để đưa ra những giải pháp từ quy định pháp luật đến tổ chức thực hiện để người ta không dám, không thể và không cần tham nhũng”, ĐB Thảo nói.

Các ĐBQH bày tỏ, ngành Thanh tra cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa, để tiếp tục phát huy được những kết quả đã đạt được trong cuộc chống tham nhũng, khắc phục được những mặt còn tồn tại. “Các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, gây bất bình trong nhân dân như xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản, quy hoạch treo... cần tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, để tiết kiệm cho con cháu sau này”, ĐB Tiến nhắn gửi.

TN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm