Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm người đứng đầu để phân bổ vốn đầu tư công chậm

Hương Giang

Thứ sáu, 19/05/2023 - 12:20

(Thanh tra) - Chậm phân bổ vốn đầu tư công cũng là lãng phí, Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu gây nên sự chậm trễ này.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Trần Văn Lâm. Ảnh: Đ.X

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết như vậy tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV, sáng 19/5.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Văn Lâm, Quốc hội đã giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của chương trình phục hồi trên trước ngày 31/3/2023.

“Quá trình triển khai chậm trễ nên sau 31/3 vẫn còn số vốn rất lớn chưa được phân bổ, theo nghị quyết thì sẽ không phân bổ tiếp”, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách trả lời báo chí.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều dự án đã chuẩn bị đủ điều kiện, nếu đưa vào dự phòng thì sẽ ảnh hưởng đến tăng cường giải ngân đầu tư công, nên cơ quan tham mưu đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban nhất trí trình Quốc hội xem xét.

Cụ thể là dự án nào đủ điều kiện thì cho phân bổ, còn lại sẽ đưa vào dự phòng. “Như thế không còn phải băn khoăn áy náy nữa”, ông Trần Văn Lâm nói.

Về tình hình phân bổ vốn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là 176.000 tỷ đồng, đã phân bổ gần 162.000 tỷ, còn lại hơn 14.100 tỷ đồng. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét để giao tiếp 13.000 tỷ đồng cho 45 dự án, còn lại hơn 700 tỷ đồng chưa đủ thủ tục, điều kiện thì hủy dự toán.

Còn vốn đầu tư công trung hạn số chưa phân bổ còn 279.000 tỷ đồng và phần lớn trong số này sẽ được tiếp tục xem xét phân bổ.

Về trách nhiệm, ông Lâm nhấn mạnh, quá trình thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã chỉ rõ việc chậm trễ như trên là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng. “Đây cũng là lãng phí”, ông Lâm nêu.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách trong báo cáo thẩm tra đã kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, đồng thời báo cáo Quốc hội từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Văn Lâm trả lời báo chí về Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo ông Lâm, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật là mức tuyệt đối.

Thực tế, kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, tăng trưởng kinh tế được chia cho từng người dân dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế lạc hậu.

"Đây là một trong số những vấn đề căn bản đặt ra cần xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc sửa đổi này cần được đánh giá một cách toàn diện, cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan”, ông Lâm nói.

Theo ông, trong chương trình toàn khóa, tổng thể, Quốc hội khóa XV đã đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào là một trong những nội dung sẽ được xem xét điều chỉnh, sửa đổi.

Tuy nhiên, ông Lâm cho hay, đến nay chưa xác định được cụ thể, chính xác sẽ đưa việc sửa đổi vào kỳ nào. Việc đưa vào sẽ phải căn cứ vào tổng kết, đánh giá luật... 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm