00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thuế đối ứng 46% của Mỹ: Đâu là đường ra cho hàng hóa Việt?

Đông Hà

Thứ ba, 08/04/2025 - 20:36

(Thanh tra) - Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng mới, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phải chịu mức thuế cao nhất – lên đến 46%. Diễn biến này được giới chuyên gia đánh giá là cú “sốc” đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang gia tăng xuất siêu và ngày càng phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Chính sách thuế mới của Mỹ được xem là bài kiểm tra năng lực thích ứng của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Đ.H

Trong bối cảnh đó, câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra: Việt Nam nên làm gì để hạn chế tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump?

Cú “sốc” lớn với hàng xuất khẩu

Trao đổi với Báo Thanh tra, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính & Bất động sản toàn cầu cho rằng mức thuế đối ứng lên tới 46% mà Mỹ đang đề xuất áp dụng đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam là một bước đi chưa từng có tiền lệ trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Việc Mỹ gia tăng áp lực thông qua các biện pháp thuế quan không đơn thuần là phản ứng thương mại tức thời, mà phản ánh xu hướng siết chặt các tiêu chuẩn bảo hộ trong bối cảnh địa chính trị và cạnh tranh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong thời kỳ hậu đại dịch và xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, Việt Nam — với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thay thế — đang chịu sự giám sát ngày càng khắt khe từ các đối tác lớn.

“Mức thuế 46% là một con số rất lớn, có thể làm thay đổi toàn bộ cấu trúc chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại song phương hoặc không có lộ trình đàm phán hiệu quả trong thời gian tới, Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ dư thừa hàng hóa, đặc biệt là trong các ngành chủ lực như gỗ, thép, dệt may... và tăng trưởng kinh tế sẽ có nguy cơ chững lại do ảnh hưởng từ cầu suy giảm ở thị trường Mỹ”, TS Hiếu cảnh báo.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MBS cùng các cộng sự, đánh giá chính sách thuế mới của Mỹ sẽ tạo áp lực tiêu cực lên nhiều phương diện của nền kinh tế. Trước hết, thuế suất cao làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, dệt may, da giày… trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan lại phải chịu mức thuế thấp hơn nhiều. Điều này không chỉ khiến Việt Nam mất thị phần xuất khẩu vào Mỹ mà còn tạo ra thách thức lớn trong việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nói chung.

Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc Việt Nam là quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao nhất trong ASEAN có thể khiến dòng vốn FDI dịch chuyển theo chiến lược “Trung Quốc +1” chững lại, khi các nhà đầu tư xem xét lại hiệu quả chi phí sản xuất tại Việt Nam so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, việc buộc phải gia tăng nhập khẩu từ Mỹ để thu hẹp thặng dư thương mại cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái, nhất là trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu sụt giảm và dòng vốn đầu tư có xu hướng chậm lại.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, nhận định nếu chính sách thuế quan 46% được áp dụng, tác động tiêu cực sẽ lan rộng tới cả ba trụ cột tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó, xuất khẩu có nguy cơ suy giảm mạnh do thị trường Mỹ hiện đóng góp khoảng 28% vào GDP.

Khu vực đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Việt Nam không còn giữ được lợi thế cạnh tranh như trong giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trước đây. Từ đó kéo theo thu nhập người lao động trong các ngành xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng gián tiếp đến tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, áp lực tỷ giá sẽ hiện hữu do thiếu hụt nguồn ngoại tệ, trong khi mặt bằng lãi suất có thể đối diện sức ép tăng trở lại. Các chuyên gia dự báo tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm tới 10% trong ngắn hạn, do nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng tạm dừng giải ngân các dự án mới và cắt giảm sản lượng trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong dài hạn, Việt Nam cũng có nguy cơ đánh mất lợi thế trong cuộc đua thu hút FDI phục vụ xuất khẩu sang Mỹ, bởi mức thuế áp lên hàng hóa Việt cao hơn nhiều so với các quốc gia đối thủ như Ấn Độ, Indonesia, Philippines hay Malaysia.

Tuy vậy, triển vọng không hoàn toàn bi quan. Theo nhóm phân tích tại KB Việt Nam, Việt Nam vẫn có thể duy trì sức hút đối với dòng vốn FDI nhắm đến các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, nhờ lợi thế về lao động, vị trí địa lý và mạng lưới FTA rộng khắp. Các tập đoàn lớn như: Samsung, LG, Intel – vốn có thị trường xuất khẩu đa dạng – được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam. Dù có thể tạm hoãn mở rộng đầu tư do dư thừa công suất phục vụ thị trường Mỹ, các doanh nghiệp này vẫn xem Việt Nam là điểm đến chiến lược trong trung và dài hạn.

Trong bối cảnh rủi ro bên ngoài ngày càng gia tăng, việc Mỹ áp thuế 46% cần được nhìn nhận như một phép thử cho khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam. Thay vì chỉ tập trung vào đối phó ngắn hạn, đây là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu chuỗi sản xuất – xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm lệ thuộc vào một thị trường đơn lẻ và chủ động hơn trong thu hút FDI có chọn lọc. Nếu vượt qua được thách thức này, Việt Nam không chỉ củng cố được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tự chủ, linh hoạt và bền vững hơn.

Tìm cơ hội tiềm ẩn trong nguy cơ

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam tạo nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để kinh tế Việt Nam chuyển mình thành nền kinh tế chủ động, sáng tạo và bền vững. PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế – nhận định, nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, thì đây sẽ là một “cú sốc lớn” đối với nhiều ngành sản xuất – xuất khẩu chủ lực trong nước.

Theo ông Long, Mỹ hiện không chỉ là đối tác thương mại lớn thứ hai mà còn là thị trường xuất siêu số một của Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu trọng yếu, đồng thời là nhà đầu tư hàng đầu, nguồn cung thiết bị, máy móc, công nghệ và năng lượng quan trọng, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Do đó, bất kỳ biến động chính sách nào từ phía Mỹ – đặc biệt là các biện pháp mang tính bảo hộ thương mại như tăng thuế – đều có khả năng tạo ra những tác động sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong rủi ro luôn tiềm ẩn cơ hội. Việc Mỹ gia tăng rào cản thuế quan, xét ở một khía cạnh khác, là thời điểm vàng để Việt Nam nhìn lại toàn diện chiến lược xuất khẩu. Đây là cơ hội để tái cấu trúc theo hướng bền vững hơn, tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào gia công, và làm chủ tốt hơn các mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Long cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, việc tái cấu trúc hoạt động xuất khẩu không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu để tăng khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam không chỉ phản ứng kịp thời với các thay đổi chính sách từ bên ngoài, mà còn cần xây dựng nền tảng nội lực vững mạnh hơn thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo.

“Thách thức từ bên ngoài là phép thử cho năng lực chuyển mình từ bên trong. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến cú sốc này thành cơ hội để bứt phá”, ông Long nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Quang Huy, giảng viên Đại học Nguyễn Trãi, nhận định chính sách thuế mới của Mỹ không đơn thuần là một “rào cản thương mại”, mà thực chất là phép thử toàn diện đối với khả năng thích ứng, minh bạch và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Huy, trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phức tạp và biến động khó lường, việc Mỹ siết chặt các chính sách thuế không chỉ gây áp lực trực tiếp đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà còn đẩy các doanh nghiệp vào thế buộc phải nâng cao chuẩn mực vận hành. Nếu không theo kịp, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nguy cơ bị gạt ra khỏi các chuỗi giá trị quốc tế đang ngày một khắt khe hơn về quy chuẩn và yêu cầu tuân thủ.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các chính sách thuế đối ứng, ông Huy đề xuất một hệ giải pháp mang tính đồng bộ và lâu dài. Trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng nhằm tăng cường đối thoại cấp cao với phía Mỹ, từ đó nâng cao khả năng dự báo và ứng phó chính sách.

Bên cạnh đó, năng lực pháp lý và kỹ thuật trong xử lý các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại cần được nâng cao, tránh tình trạng bị động hoặc thua thiệt trong các tranh chấp. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ hiện đại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu – những yếu tố then chốt để duy trì vị thế và năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

“Chính sách thuế mới là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại, hoàn thiện và tái định vị lại chính mình trong bản đồ thương mại toàn cầu,” ông Huy nhấn mạnh.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực, TS Hiếu nhấn mạnh vai trò của chính sách đối ngoại kinh tế, trong đó Chính phủ cần chủ động xây dựng cơ chế đối thoại định kỳ với các cơ quan thương mại của Mỹ, đồng thời củng cố hệ thống cảnh báo sớm về rủi ro thương mại cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cơ cấu chuỗi cung ứng theo hướng minh bạch, bền vững hơn.

“Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của hội nhập, nơi không chỉ giá thành hay năng suất quyết định năng lực cạnh tranh, mà còn là khả năng thích ứng với các chuẩn mực toàn cầu khắt khe hơn. Chính sách thuế từ Mỹ là lời cảnh tỉnh sớm cho chiến lược phát triển dài hạn của chúng ta”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm