00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tập trung triển khai “bộ tứ chiến lược”, không lo sợ khi ứng phó thuế đối ứng của Mỹ

Hương Giang

Thứ ba, 08/04/2025 - 05:38

 (Thanh tra) - Nêu rõ cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong “bộ tứ chiến lược”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời nhấn mạnh tinh thần tăng cường đàm phán, không đối đầu, cũng không hoang mang, lo sợ khi ứng phó thuế đối ứng của Mỹ.

Yêu cầu tập trung triển khai “bộ tứ chiến lược”, không lo sợ khi ứng phó thuế đối ứng của Mỹ được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ khi phát biểu kết luận tại Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, chiều tối 7/4.

50 quốc gia đề nghị đàm phán với Mỹ, Việt Nam là nước phản ứng sớm nhất

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá phản ứng và biện pháp của các nước nhằm ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ, cả những giải pháp trước mắt và lâu dài để thích ứng với tình hình mới.

Các đại biểu cũng tập trung báo cáo tình hình, phân tích về cơ hội và thách thức đối với hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc làm sao để tận dụng, khai thác tốt hơn thị trường các nước.

Từ đó, kiến nghị giải pháp cụ thể về mở rộng thị trường thương mại, đầu tư, đồng thời, đưa ra những đề xuất để tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế. Ảnh: N.Bắc

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đến nay đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Mỹ, song Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.

Các đại biểu cho rằng, tình hình tới đây sẽ còn nhiều phức tạp, khó khăn và khó đoán định; không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các đối tác sẽ từng bước làm thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu, định hình lại các chuỗi cung ứng, nhất là các công nghệ cao và các mặt hàng chiến lược.

Theo các đại biểu, cạnh tranh chiến lược, xu thế bảo hộ thương mại, dịch chuyển đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao, gia tăng kiểm soát về công nghệ sẽ đẩy nhanh phân tách, phân mảng, đặc biệt về công nghệ.

Điều này đặt các nền kinh tế đang phát triển ở vị trí ngày càng khó khăn, chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn về thương mại và thu hút đầu tư, và tham gia cân bằng, hiệu quả vào các chuỗi cung ứng.

Cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong “bộ tứ chiến lược” theo các nghị quyết, chủ trương của Đảng.

“Bộ tứ chiến lược”, gồm: đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

“Đây là những nội dung có liên kết chặt chẽ với nhau, là việc khó mà chúng ta phải làm và tin chắc chúng ta sẽ thành công”, Thủ tướng nói.

Về tình hình mới trong thương mại quốc tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Thủ tướng cho rằng phải luôn đặt con người, sự vật trong vận động và phát triển; nhìn nhận mọi vấn đề từ góc nhìn tích cực, tích cực hóa tiêu cực.

Trong ứng phó, theo Thủ tướng, tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà càng khó khăn thách thức, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hóa của con người Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có nước ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

“Tình hình tuy có khó khăn, thách thức nhưng vẫn không khó khăn bằng những năm đầu đổi mới và càng không khó khăn bằng thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bị bao vây, cấm vận”, theo người đứng đầu Chính phủ

Mặt khác, theo Thủ tướng, đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tái cấu trúc thị trường, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, vươn lên mạnh mẽ hơn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Về chính sách thuế của Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường đối thoại, đàm phán, không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề, lựa chọn cách tiếp cận thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, cố gắng làm những việc có thể làm, lựa chọn phương án hiệu quả nhất, cân bằng, hài hòa lợi ích hai bên, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền, tự chủ, vị thế đất nước.

Ông nêu rõ các giải pháp phải gồm cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có diện rộng và trọng điểm…

Một lần nữa nhấn mạnh, Thủ tướng nhấn mạnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác như đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

“Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất”, theo Thủ tướng, chúng ta còn nhiều thị trường rất tiềm năng khác cần tận dụng hiệu quả hơn, nhất là khai thác 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới.

Tiếp tục đề xuất giảm thuế VAT, giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan sẽ tiếp tục tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước được giao phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Nhật Bắc

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát, nắm chắc tình hình, đề xuất các giải pháp, kết nối nền kinh tế nước ta với nước sở tại, khu vực sở tại, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp, đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, kết nối doanh nghiệp gồm kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn; thường xuyên trao đổi với các hiệp hội ngành hàng, địa phương trong nước.

Với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị phối hợp tốt với chính quyền, cơ quan đại diện ở nước ngoài, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tăng cường xúc tiến thương mại và hợp tác lẫn nhau, nâng cao tính tự lực, tự cường, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ… và hoạt động đúng luật

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà tạo lực, tạo thế để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm