Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Chủ nhật, 06/04/2025 - 16:29
(Thanh tra) - Bên cạnh chỉ đạo chuẩn bị phương án đàm phán cụ thể với Mỹ để gỡ thuế, xây dựng gói kích cầu tiêu dùng, mở rộng diện miễn thị thực vào Việt Nam, Thủ tướng đồng thời yêu cầu, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025.
Các yêu cầu về chuẩn bị kỹ phương án đàm phán cụ thể với Mỹ để gỡ thuế, xây dựng gói kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ vướng mắc dự án chống ngập 10.000 tỷ hoàn thành chậm nhất trong quý II được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ khi phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, sáng 6/4
Coi bị áp thuế là cơ hội vươn mình, cơ cấu lại nền kinh tế
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý I tốt hơn cùng kỳ năm trước.
Bày tỏ quan điểm đồng tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý còn những khó khăn, thách thức khi bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhất là lãi suất, tỷ giá còn cao; cầu tiêu dùng tăng chậm; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn…
Sau khi phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi. “Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân”, Thủ tướng nói.
Ông yêu cầu, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Song song là chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ khi ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Mỹ. "Cần coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu", ông nói.
Ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế đối ứng của Mỹ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình. Ảnh: N.Bắc
Theo Thủ tướng, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng không phải là thị trường duy nhất.
Do đó, chúng ta rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Mỹ và tiến hành đàm phán với Mỹ theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác.
Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Mỹ.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn được giao chỉ đạo tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, có kế hoạch, phương án và triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, công việc cụ thể trên các lĩnh vực và kết nối chặt chẽ với đoàn công tác đàm phán.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Mỹ nói riêng; chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả… theo yêu cầu của Thủ tướng.
Xây dựng Quỹ Đầu tư quốc gia, gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ
Nhiệm vụ trọng tâm nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Mỹ. Ảnh: N.Bắc
Ông đồng thời quán triệt từng bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Mục tiêu trong năm 2025 là giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng gói chính sách kích cầu tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng… trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4.
Bộ Công Thương chủ trì đề xuất các giải pháp cụ thể kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp.
Về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì đôn đốc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quốc tế; xây dựng khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số, quỹ đầu tư quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng khẩn trương trình đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; Quảng Ninh khẩn trương xây dựng đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB.
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí; lưu ý triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị định số 76 về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xử lý các dự án tồn đọng kéo dài còn lại.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 này.
Các địa phương cam kết duy trì đà tăng trưởng
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương khẳng định quyết tâm duy trì đà tăng trưởng, thúc đẩy cải cách, hoàn thiện hạ tầng và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong quý I, kinh tế Hà Nội tăng trưởng 7,35%, vượt kịch bản đề ra (7,21%) và đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đến hết tháng 3, giải ngân đầu tư công của TP đạt 8.000 tỷ đồng, tương đương 10% kế hoạch năm.
Theo ông Thanh, Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất thời gian khởi công 3 dự án cầu qua sông Hồng gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi. “Đây là các dự án then chốt trong kết nối hạ tầng phía Bắc”, ông Thanh kiến nghị, Thủ tướng sớm chốt phương án thời điểm triển khai để TP siết chặt quy trình đầu tư, sớm khởi công các dự án.
Với TP Hồ Chí Minh, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Chủ tịch Nguyễn Văn Được cho biết, địa phương này đã đề ra 4 “tăng tốc” gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chương trình kích cầu và hỗ trợ lãi vay; thúc đẩy tiêu dùng nội địa; phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc.
Còn Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh thông tin, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn, với nguồn vốn cam kết gần 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện chính sách cho các động lực mới như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính, theo ông Chinh, thời gian tới, TP sẽ khởi công hàng loạt dự án với tổng vốn hơn 100.000 tỷ đồng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các công trình trọng điểm, phấn đấu đạt tăng trưởng trên 10% trong quý II.
Cho biết tăng trưởng của TP Hải Phòng đạt 11,07%, mức tăng cao nhất trong các quý I nhiều năm qua, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Thủ tướng sớm điều chỉnh kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bổ sung thêm 2.000 MW điện gió và 4.800 MW điện khí.
Về việc thoái vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước, lượng vốn hiện nay đối với các doanh nghiệp cổ phần còn khoảng 2000 tỷ đồng. TP Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng phân cấp cho các địa phương chủ động quyết việc thoái vốn hoặc không thoái vốn đối với các doanh nghiệp này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 12/4, Hội nghị Trung ương 11 khoá XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị.
Báo Thanh tra
(Thanh tra) - “Nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn. Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Minh Tân
Trung Hà
Báo Thanh tra
Hương Giang
Quang Dân
PV
Hương Giang
Trà Vân
Hà Anh
Hương Giang
Trần Kiên
Nguyễn Điểm
PV
Hải Hiếu