00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thứ trưởng Bộ Công thương: Xuất khẩu sẽ gặp nhiều thách thức khi Mỹ áp thuế đối ứng

Hương Giang

Chủ nhật, 06/04/2025 - 18:59

(Thanh tra) - Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, khi Mỹ áp thuế đối ứng, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày… đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trả lời báo chí về tác động của mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và giải pháp ứng phó.

Một số mặt hàng chủ lực đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, mức thuế 46% của mà Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 9/4 có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Mức thuế đối ứng của Mỹ cũng tạo ra tác động không tốt với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển của một một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày…; phần sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trả lời báo chí về tác động của mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và giải pháp ứng phó. Ảnh: N.Bắc

“Khi tăng thuế, giá cả hàng hóa của Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên thì mức độ cạnh tranh với hàng hóa nước khác sẽ kém đi. Sức mua của người tiêu dùng Mỹ cũng suy giảm, cho nên hàng hóa Việt Nam sẽ giảm”, Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Điều này sẽ tác động đến đối tác hợp đồng chúng ta đã ký kết. Theo ông Hoài, các doanh nghiệp Mỹ sẽ xem xét với chính sách thuế như thế thì có tiếp tục hợp đồng hay không. Và các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn.

“Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Mỹ và có giải pháp làm sao hài hòa cho chúng ta”, Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin.

Nhân định xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, ông Hòa cho hay, các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra.

Theo đó, sẽ tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương; đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung đông, Mỹ Latin, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Khai mở thị trường tiềm năng mới, cảnh báo sớm nguy cơ vụ kiện

Giải pháp nữa là tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Song song là hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm, xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhật mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.

Với doanh nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Các doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới; nâng cao chất lượng sản phẩm, theo lời Thứ trưởng Bộ Công thương.

Ông Trương Thanh Hoài cũng lưu ý các doanh nghiệp chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng”, ông Hoài khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung. Ảnh: N.Bắc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cũng nhận định, chính sách thuế đối ứng của Mỹ  cũng là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh.

“Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Nhưng tôi tin với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Trung nói.

Nhận định dù khó khăn, ông Trung cho biết, Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài.  Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 38-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD.

Sau khi Tổng thống Mỹ công bố mức thuế đối ứng, sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Sau đó, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump, cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự với hàng nhập từ Việt Nam.

Thủ tướng cũng đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ, do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó Tổ công tác, thành viên là lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.

Lộ trình thì điểm sàn giao dịch tiền số

Về triển khai thí điểm sàn giao dịch tiền số, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa ngay trong tháng 3.

Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành triển khai thực hiện việc này với quan điểm, nguyên tắc là “triển khai thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia thị trường mã hóa”.

“Việc triển khai này sẽ thực hiện thí điểm trên thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa”, ông Trung nói, hứa hẹn sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, việc triển khai thí điểm thị trường cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa là công dân.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản như dự thảo nghị quyết của Chính phủ để gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Sau đó, sẽ hoàn thiện lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

“Hiện nay chúng tôi đang tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện nghị quyết trước khi báo cáo Chính phủ”, ông Trung thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm