Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đề bạt, xử lý cán bộ

Hương Giang

Thứ hai, 24/04/2023 - 22:29

(Thanh tra) - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Đ.X

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ Công tác số 1 nhấn mạnh điều này tại cuộc họp với 5 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (TP HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng) ngày 24/4.

Kế hoạch vốn của 5 tỉnh, TP rất lớn với hơn 92 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của 5 địa phương này trong quý I/2023 lại thấp hơn bình quân chung.

Rõ nguyên nhân, không dài dòng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, có những nguyên nhân nêu trong báo cáo là “cho có chứ không sát thực”.

Chẳng hạn: “Địa phương gặp khó khăn vì không thể chủ động quyết định việc nâng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương theo khả năng thu thực tế, dẫn đến không thể chủ động bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án mới để làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm”.

Theo lãnh đạo Chính phủ, Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch đầu công trung hạn 5 năm Quốc hội đã phê duyệt danh mục cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư. Phần việc còn lại về mặt thủ tục phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu… là của địa phương.

Từ phân tích này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân phải rõ ràng, không dài dòng và phải trúng; phải đưa ra được những nguyên nhân thực chất, xác thực, để tránh mất thời gian bàn đi, bàn lại

“Tiền có rồi, kế hoạch có rồi mà không giải ngân được, để tồn đọng vốn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tăng trưởng và thanh khoản của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình đủ thủ tục, không bao giờ tôi để chậm. Trong vòng 3-4 ngày ký để báo cáo hoàn thiện thủ tục cho các đồng chí làm”.

Ông cũng đặt vấn đề, tại sao cùng một môi trường pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo công bằng, công khai, minh bạch, “không ưu ái riêng 1 địa phương nào” mà có địa phương giải ngân tốt, thậm chí thiếu tiền xin thêm không được, trong khi đó, nhiều địa phương lại thấp hơn mặt bằng chung? Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Địa phương nhận trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn: Giải ngân vốn đầu tư công tại TPHCM chậm thuộc về “UBND TPHCM và của tôi là Chủ tịch UBND TPHCM".

Theo ông Mãi, vướng mắc chủ quan của TP nằm ở khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong thực hiện có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp. Việc này, TP đã chấn chỉnh, thành lập 13 tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với 5 địa phương (TP HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng) có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh: Trần Mạnh

Ông Mãi cho rằng dù đẩy mạnh giải ngân là cần thiết, nhưng cũng cần có thời gian để chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật… đúng quy định.

“Tinh thần là chúng ta phải tập trung, nhưng cũng phải có thời gian, đủ ngày, đủ tháng”, ông Mãi cam kết sẽ nỗ lực giải ngân, thực hiện giao ban hàng tuần để kiểm tra, giám sát và đôn đốc.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh khác cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và cam kết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ nỗ lực cao nhất để giải ngân đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Chủ tịch tỉnh, thành phải trực tiếp phụ trách

Trả lời các vướng mắc của địa phương liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn; triển khai công tác giải phóng mặt bằng; định mức lập dự án, hướng dẫn về trình tự, thủ tục… Phó Thủ tướng cho rằng việc chuẩn bị đầu tư phải thực hiện sớm vì đây là khâu khó nhất, nên cần phải lường trước các vấn đề, sát sao chỉ đạo từng vấn đề.

Theo đó, ông yêu cầu địa phương phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ…

Trong bối cảnh có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, thì cần phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, Phó Thủ tướng lưu ý và nhấn manh, thành bại là ở cán bộ.

Bên cạnh đó, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. “Ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc được triển khai hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa; trực tiếp phụ trách, đôn đốc triển khai các nhóm dự án cụ thể, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; phân loại các dự án để có các giải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Theo báo cáo các địa phương, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 92 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ chi tiết là trên 25 nghìn tỷ đồng (đạt 98,8% kế hoạch Thủ tướng giao).

Trong đó, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang đã giao đủ 100% số vốn, còn TP HCM chưa giao 296 tỷ đồng (1,93% tổng vốn Thủ tướng giao) từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã, do đến nay chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng số giải ngân của 5 địa phương đến hết tháng 3/2023 là hơn 2.553 tỷ đồng, đạt 2,74% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước (10,35%). Trong số này, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang giải ngân trên 5%, riêng TP HCM giải ngân rất thấp, chỉ đạt 0,89%.

TP HCM, An Giang, Sóc Trăng đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023 được giao. Tỉnh Trà Vinh cam kết giải ngân trên 98% kế hoạch và Vĩnh Long cam kết giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 100% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương là 95% kế hoạch. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm