Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Kiểm soát giá vật liệu xây dựng, xử lý cán bộ làm chậm giải ngân vốn đầu tư công

Hương Giang

Thứ sáu, 24/03/2023 - 13:57

(Thanh tra) - Thủ tướng yêu cầu giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công; kiểm soát giá; xử lý nghiêm khắc tổ chức, cá nhân cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có Chỉ thị 08 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều hòa linh hoạt vốn, gỡ vướng giải ngân dự án sử dụng vốn ODA

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì tổng hợp các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý đối với số vốn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không thể giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định; trong đó ưu tiên điều chỉnh cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Bộ này cũng được giao phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu kịp thời tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn, giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài triển khai trong năm 2023 theo từng nhóm nhà tài trợ.

Cạnh đó, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, chính sách về thuế, phí… để giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xây dựng.

Bộ Tài chính phải chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán…

Giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi cho dự án đầu tư công, bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Bộ này cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông cửu Long, để có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

Bộ Xây dựng thì chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu, giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại; xác định vị trí, diện tích bãi đổ thải sử dụng cho các dự án.

Cùng với đó, kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Các địa phương cũng phải tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định đúng quy định, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh, trật tự.

Thay thế cán bộ yếu kém, trì trệ, gây nhũng nhiễu

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện.

Nhà thầu được lựa chọn phải có đủ năng lực thi công, hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá với hợp đồng trọn gói thi công.

“Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên… có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công”, chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ yêu cầu với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Theo báo cáo, tổng số vốn giải ngân năm 2022 cao hơn năm 2021 khoảng 103 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23%) và đạt gần 93,5% kế hoạch Thủ tướng giao.

Với năm 2023, quy mô đầu tư công tăng 23% so với năm 2022, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ và chất lượng cao. Trong khi, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, nhất là áp lực giá vật liệu xây dựng làm tăng chi phí đầu vào của hoạt động xây dựng.

Với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của chương trình, phương án đối với số tiền còn lại không sử dụng hết.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trước ngày 25/3 về cụ thể số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đề xuất phương án xử lý.

Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý vướng mắc về việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện các chương trình, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/3.

UBND các tỉnh, thành phải chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo các cấp; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm