Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 21/02/2023 - 13:45
(Thanh tra) - TP HCM đã tiến hành xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm. Còn TP Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy mạnh đầu tư công.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh: N.Bắc
Sáng ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định rõ trách nhiệm
Từ điểm cầu TP HCM, ông Phan Văn Mãi nêu thực trạng về giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này.
Theo Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi, năm 2022, TP HCM được giao vốn 54.000 tỷ đồng với khả năng cân đối của TP là 37.000 tỷ đồng. Tính trên số 37.000 tỷ đồng thì đến ngày 31/1/2023, TP đã giải ngân được 71,3%, tương đương 26.636 tỷ đồng.
"Tuy không đạt mục tiêu là 95% nhưng có tăng so với năm 2021 là 6.900 tỷ đồng, tăng 35%", ông Mãi nói.
Ông Mãi chỉ ra 5 nguyên nhân chính như các bất cập trong thủ tục thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng chậm, giá vật liệu xây dựng tăng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đến trách nhiệm của chủ đầu tư trong chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ còn chậm.
“Lần họp trước TP HCM đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng. Đến nay, TP HCM đã tiến hành xem xét trách nhiệm các đồng chí đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm”, ông Mãi cho hay.
Với năm 2023, TP HCM được phân bổ vốn là 70.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỷ đồng vốn của Trung ương, 55.200 tỷ đồng vốn của địa phương.
Rút kinh nghiệm của năm 2023, TP HCM đã tổ chức hội nghị, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của Sở Kế hoạch và Đầu tư, của Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực, nêu ra những khó khăn vướng mắc; đồng thời củng cố lại tổ công tác, ban hành các văn bản, chương trình động.
“TP HCM rất quyết tâm thực hiện tốt hơn để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Với Hà Nội, Chủ tịch TP Trần Sỹ Thanh cho hay, đến tháng 9/2022, TP Hà Nội mới giải ngân vốn đầu tư công chưa được 50%, thì đến 31/1/2023 đã giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng (đạt 87,8%). “Đây là nỗ lực rất lớn của TP”, ông Thanh nói.
Về khó khăn, vướng mắc, TP Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy mạnh đầu tư công.
Theo lãnh đạo TP, hiện một dự án “thông được đầu này thì bị chặn ở các đầu khác” như chặn về đất đai, môi trường… trong khi mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được.
Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp, ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng “phải ngồi đôn đốc nhau” như thế này - lãnh đạo TP đề nghị.
Với năm 2023, Hà Nội đã xác định trách nhiệm trong triển khai đầu tư công; TP cũng tiến hành thanh tra công vụ về vấn đề này. Đến cuối tháng 2/2023, Hà Nội đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng (5,5% kế hoạch năm 2023).
Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội cho hay, liên quan đến Luật Đầu tư công, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng, đó là phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư. Vì vậy, ông mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này.
Đưa kết quả giải ngân vốn đầu tư công vào đánh giá xếp loại hằng năm
Với tỉnh Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho hay, năm 2022, tỉnh được Thủ tướng giao là 3.300 tỷ. Tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư công của tỉnh đến nay là 76,29% kế hoạch được giao (thấp hơn trung bình của cả nước).
Theo ông Long, một trong những nguyên nhân là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều.
Cạnh đó là những vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án thiếu chủ động, thiếu chặt chẽ.
Ông Long đặc biệt nhấn mạnh năng lực một số nhà đầu tư chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án của địa phương còn hạn chế.
Trước những khó khăn vướng mắc như vậy, tỉnh Gia Lai đã có các giải pháp quyết liệt như giao ban hằng tháng, thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc; kịp thời xử lý các dự án, các nhà đầu tư còn chậm so với tiến độ. Đồng thời, đưa kết quả triển khai giải ngân vốn đầu tư công vào đánh giá xếp loại hằng năm.
Tại hội nghị này, ông Long đề nghị cho phép tỉnh Gia Lai được kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn năm 2022 sang năm 2023.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.
Hương Giang
10:49 22/11/2024(Thanh tra) - Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế 10%; tăng thuế suất với rượu, bia để tăng giá bán ít nhất 10%, theo đề xuất của Chính phủ.
Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA
Phương Anh