Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ, đo đạc lồng ghép bản đồ địa chính 3 thửa đất liền kề

PV

Thứ ba, 30/07/2024 - 13:00

(Thanh tra) - Liên quan đến vụ cưỡng chế công trình trên thửa đất 313, tờ bản đồ 37 ở xã ĐamB’ri, thành phố Bảo Lộc, ông Nguyễn Quang Trung, Chánh Văn phòng HĐND-UBND thành phố Bảo Lộc cho rằng “nếu sai sẽ bồi thường theo luật định”​.

UBND xã ĐamB'ri, thành phố Bảo Lộc. Ảnh: PV

Tóm tắt vụ việc

Ngày 16/3/2023, UBND thành phố Bảo Lộc tiến hành cưỡng chế các công trình trên thửa đất 313, tờ bản đồ 37, thuộc xã ĐamB’ri. Sau khi cưỡng chế, nghi ngờ có sai sót, bà Lê Thị Tố Loan (gia đình thương binh, trú tại thành phố Bảo Lộc) đã khiếu nại lên cơ quan chức năng cho rằng việc cưỡng chế nhầm vào 2 thửa đất bên cạnh thửa 313, gây nhiều thiệt hại về kinh tế.

Chủ 2 thửa đất đã mời Công ty TNHH Công nghệ trắc địa bản đồ 24H đo vẽ hiện trạng. Kết quả, tổng diện tích đất bị xâm lấn, ngoài phạm vi quyết định cưỡng chế thửa 313 gần 200m2. Họa đồ đo đạc hiện trạng thửa đất và diện tích đất bị cưỡng chế “trái pháp luật” đã được Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng kiểm tra ngày 12/6/2023.

"

Toàn cảnh vụ việc cưỡng chế ngày 16/3/2023 tại thửa đất 313

Phản hồi từ các cơ quan chức năng

Ngày 25/7/2024, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Trịnh Như Tuấn, Phó Chánh Thanh tra thành phố Bảo Lộc cho biết: Chúng tôi có nắm thông tin bà Lê Thị Tố Loan khởi kiện Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc trong vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai”. Tuy nhiên, Thanh tra thành phố Bảo Lộc không được giao xử lý. UBND thành phố Bảo Lộc giao Phòng Kinh tế tham mưu, chuẩn bị tài liệu và hiện TAND tỉnh Lâm Đồng đang thu thập tài liệu, chứng cứ.

Ngày 25/7/2024, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc cho biết: Bà Lê Thị Tố Loan đã tiến hành khởi kiện UBND thành phố Bảo Lộc, Chủ tịch UBND thành phố trong vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan” liên quan đến việc cưỡng chế thửa đất 313, tờ bản đồ số 37, xã ĐamB’ri. Hiện nay, tòa án đang xem xét giải quyết, chưa đưa ra xét xử.

Trả lời câu hỏi về việc thửa đất 600, tờ bản đồ số 37, xã ĐamB’ri, nằm kề thửa 313 có thể hiện con đường 4m trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Loan cho rằng đoàn cưỡng chế đã phá hủy, ông Phương cho biết, chưa cắt hết, vẫn còn lối đi nhỏ. Còn về việc cúp điện, ông Phương cho rằng, việc này UBND không chỉ đạo, cần liên hệ với bên điện lực để giải quyết.

Về việc xác định phạm vi, ranh giới, diện tích hồ, phạm vi quản lý đối với hồ Nam Phương, ông Phương cho biết, hồ sơ giao cho Phòng Kinh tế giữ.

PV đã liên hệ đến Phòng Kinh tế thành phố Bảo Lộc đặt vấn đề làm rõ thông tin. Tại đây, ông Đ.V.B., chuyên viên của Phòng Kinh tế cho biết: Hồ sơ đầy đủ về ranh mốc, thiết kế của hồ Nam Phương khi bàn giao lại đã mất, căn cứ chủ yếu theo quy hoạch sử dụng đất…

Tòa xác định không có hồ sơ về việc xác định phạm vi, ranh giới, diện tích hồ Nam Phương

Quá trình thu thập tài liệu cho vụ án hành chính nêu trên, TAND tỉnh Lâm Đồng ngày 17/3/2023 đã ghi nhận việc hồ sơ ranh mốc hồ Nam Phương không còn (Quyết định số 01/2023/QĐ-BPKCTT ngày 17/3/2023 về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời).

Cụ thể, thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng Đặng Ngọc Bình xác nhận: Hồ Nam Phương có từ trước năm 1975. Theo Quyết định số 618/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thì hồ Nam Phương thuộc địa phương Bảo Lộc quản lý.

Ngày 5/3/2012, UBND thành phố Bảo Lộc ban hành Quyết định số 443/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi cho Trung tâm Nông nghiệp thành phố. Tuy nhiên, thực tế Trung tâm Nông nghiệp không quản lý hồ Nam Phương do chưa xác định được ranh giới, hành lang an toàn công trình hồ đập và UBND thành phố Bảo Lộc không cung cấp hồ sơ, tài liệu nào khác có liên quan đến việc quản lý hồ Nam Phương. Công trình xây dựng trước năm 1975 và do cấp huyện quản lý nên Chi cục Thủy lợi không có hồ sơ thiết kế công trình.

Tại buổi làm việc ngày 2/6/2020, UBND Phường 2 và UBND xã ĐamB’ri có ý kiến chỉ quản lý trên hồ sơ (sổ mục kê), trên thực tế phần diện tích đất nêu trên do bà Lê Thị Tố Loan sử dụng. UBND thành phố Bảo Lộc đã có văn bản giao cho Trung tâm Nông nghiệp quản lý.

Hiện trạng trước khi cưỡng chế thửa đất 313. Ảnh: PV

Như vậy, qua xác minh, Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Bảo Lộc chỉ cung cấp được hồ sơ (quyết định) liên quan đến việc phân cấp quản lý, xác định đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hồ là Trung tâm Nông nghiệp, không có hồ sơ về việc xác định phạm vi, ranh giới, diện tích hồ, phạm vi quản lý đối với hồ Nam Phương.

Thời điểm tháng 3/2023, TAND tỉnh Lâm Đồng chưa tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ thông qua hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ đối với toàn bộ diện tích bị cưỡng chế tại Quyết định số 3139/QĐ-CCXP ngày 19/9/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc.

Việc thi hành các Quyết định hành chính số 3139/QĐ-CCXP ngày 19/9/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc về cưỡng chế để đảm bảo thi hành Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ ngày 30/12/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 22/2/2023 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc về việc tiếp tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sẽ dẫn đến không còn hiện trạng sử dụng đất, không đảm bảo cho hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ của tòa án.

Gần 1 năm sau cưỡng chế (ngày 28/2/2024), TAND tỉnh Lâm Đồng mới tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và đo đạc lồng ghép bản đồ địa chính để xem thửa 313, tờ bản đồ 37, xã ĐamB’ri có thuộc lòng hồ Nam Phương không? Tuy nhiên, hiện trạng sử dụng đất đã không còn nguyên vẹn do việc cưỡng chế không được tạm dừng để bảo vệ chứng cứ, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ của tòa.

Câu hỏi mà người dân băn khoăn là hồ sơ thiết kế, ranh mốc ban đầu của hồ Nam Phương không còn thì căn cứ vào cơ sở nào để xác định đất thuộc hành lang công trình thủy lợi của hồ? Và nếu sử dụng hồ sơ (quyết định) sử dụng đất sau thời điểm hàng chục năm sau (tính từ năm 2002, thời điểm bà Loan nhận sang nhượng đất) để quy người sử dụng đất vi phạm hành chính có phù hợp pháp luật hiện hành không? 2 thửa đất bên cạnh thửa 313 có bị "cưỡng chế nhầm" hay không. Tất cả đều đợi tòa án xét xử trong thời gian sắp tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm