Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024

Cần lắm những ý kiến tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển

CÔNG THẮNG

Chủ nhật, 13/10/2024 - 07:00

(Thanh tra) - Đã 20 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 13/10 hàng năm trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân vì những cống hiến, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu Việt Nam

Ngày 13/10/1945, sau khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Hiện nay, Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, để giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động; 14.400 hợp tác xã ngoài khu vực doanh nghiệp, và hơn 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Khối doanh nghiệp này đóng góp 60% GDP; sử dụng 85% tổng số lao động và đạt 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp, doanh nhân đã có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế đất nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã vươn ra thị trường khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu, nâng cao vị thế Việt Nam trên môi trường quốc tế.

Mật độ doanh nghiệp đã tăng từ 1,1 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2023. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tính đến năm 2023 đã vượt mốc 1,88 triệu, tăng 4,3 lần so với năm 2004.

Dù số lượng doanh nghiệp thành lập đã mới vượt mốc 1,88 triệu, nhưng số doanh nghiệp còn đang hoạt động hiện chỉ hơn 930.000. Điều này cho thấy môi trường hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vô cùng khốc liệt, khi mà chỉ khoảng 50% doanh nghiệp tồn tại, phát triển được trong thời gian qua.  

Để mở đường cho các doanh nghiệp phát triển, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm thiết thực, kịp thời dành cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, trong đó tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Nghị quyết đã khẳng định: "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Ngày 10/5/2024, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 41-NQ/TW, nhiều vấn đề của doanh nghiệp, doanh nhân về đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, cơ chế, hành lang pháp lý... đã được đưa ra xem xét, lấy ý kiến để tìm hướng tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay vẫn rất ít ý kiến đóng góp của các doanh nhân, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập gây ra điểm nghẽn, lực cản cho hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian qua, ngoài những ý chỉ nêu chung chung: “Thủ tướng, các phó thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều, nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục”, chưa có những ý kiến nói thẳng về những ách tắc, điểm nghẽn cụ thể... đang gây khó khăn cho hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp.

Chuẩn bị kỷ niệm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp để tìm hiểu và ghi nhận về những khó khăn cần tháo gỡ. Các doanh nhân đều mong muốn chia sẻ khó khăn, tháo gỡ hàng loạt ách tắc… nhưng để đưa ý kiến vướng mắc lên diễn đàn báo chí, không doanh nhân nào dám nhận lời!

Mục tiêu phấn đấu của nước ta đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước… Vậy nhưng những khó khăn hiện hữu trước mắt mà các doanh nhân vẫn chưa mạnh dạn lên tiếng, vẫn chỉ đề xuất tháo gỡ chung chung thì những lực cản phát triển của doanh nghiệp chưa thể được tháo gỡ, giúp doanh nghiệp bứt phá được.    

Doanh nhân là động lực thịnh vượng của quốc gia, có vai trò không thể thay thế cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Để giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời điểm này, cần lắm những ý kiến đóng góp thẳng thắn để Đảng, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp rộng đường kinh doanh, phát triển phát triển mạnh mẽ.

CÔNG THẮNG

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

HĐND tỉnh Hoà Bình họp kỳ cuối năm xem xét thông qua 43 Nghị quyết

HĐND tỉnh Hoà Bình họp kỳ cuối năm xem xét thông qua 43 Nghị quyết

(Thanh tra) - Ngày 4/12, HĐND tỉnh Hòa Bình khai mạc Kỳ họp thứ 23, kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 để thảo luận, cho ý kiến các báo cáo và xem xét thông qua 43 Nghị quyết mang tính định hướng chiến lược, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh trong năm 2025.

Trần Trung

16:53 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm