Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thêm 2 gói thầu có dấu hiệu “đội giá”, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương nói thực hiện “đúng quy trình”?

Ngân Nga

Thứ bảy, 17/12/2022 - 10:04

(Thanh tra) - Báo Thanh tra đã phản ánh trước đó, nhiều thiết bị giáo dục được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Dương mua sắm có giá cao bất thường, không chỉ ở một gói thầu mà hàng loạt gói thầu do đơn vị này thực hiện. Tổng giá trị các mặt hàng có giá “chênh” lên tới hàng tỷ đồng.

Thiết bị điều khiển thu phát sóng Aruba Controller 7010RW (JW678A) thị trường có giá khoảng 39.000.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 255.389.500 đồng/cái

Loạt thiết bị giáo dục có dấu hiệu “đội giá”?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ gói thầu “mua sắm thiết bị đồ chơi ngoài trời, bàn ghế học sinh, thiết bị công nghệ thông tin, điện, điện tử” có giá cao bất thường mà phóng viên phản ánh trước đó. Tại gói thầu “mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, trang bị cho các đơn vị trường học” do Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương thực hiện vào năm 2021 và đầu năm 2022 cũng có giá cao hơn giá thị trường nhiều lần.

Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Mopha và Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ ECTC với giá 156.559.302.000 đồng. Gói thầu này được thực hiện dựa trên Quyết định số 1736/QĐ-SGDĐT do bà Nguyễn Hồng Sáng (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT) ký ngày 30/9/2020, thực hiện năm 2021. Theo ghi nhận của chúng tôi, các mặt hàng trúng thầu tại gói thầu này có giá cao bất thường, thậm chí là “đội giá” lên hàng tỷ đồng. Cụ thể:

Thiết bị Wireless Access Point Aruba AP-303 (RW); Part number: JZ320A (là wifi phát sóng không dây, thuộc dòng sản phẩm AP 303 series wireless của Aruba) trên thị trường có giá khoảng 4.000.000 - 4.500.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 16.670.000 đồng/cái. Chênh lệch hơn 12.000.000 đồng/cái. Với số lượng 481 cái, giá trị chênh lệch khoảng hơn 5 tỷ đồng.

Thiết bị điều khiển thu phát sóng Aruba Controller 7005 RW (JW633A) trên thị trường có giá khoảng 22.500.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 133.280.000 đồng/cái. Chênh lệch khoảng 111.780.000 đồng/cái. Với số lượng 2 cái, giá trị chênh lệch khoảng hơn 200.000.000 đồng.

Thiết bị điều khiển thu phát sóng Aruba Controller 7010RW (JW678A) trên thị trường có giá chưa tới 39.000.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 255.389.500 đồng/cái. Chênh lệch khoảng 216.389.500 đồng/cái. Với số lượng 20 cái, giá trị chênh lệch khoảng hơn 4 tỷ đồng.

Thiết bị mạng Switch HPE 24 Ports OfficeConnect 1920S 24G 2SFP PoE+ 370W JL385A trên thị trường có giá khoảng 15.550.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 28.780.000 đồng/cái. Chênh lệch khoảng 13.230.000 đồng/cái. Với số lượng 85 cái, giá trị chênh lệch khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Máy chiếu cự ly gần Promethean PRM-45A trên thị trường có giá khoảng 15.000.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 34.850.000/cái. Chênh lệch khoảng 19.850.000 đồng/cái. Với số lượng 572 cái, chênh lệch khoảng 11.354.000.000 đồng.

Máy chủ HPE DL20 GEN10 E2224 SFF (P06963-B21-2224-16GB-4SFF) trên thị trường có giá khoảng 33.931.200 đồng/cái. Giá trúng thầu 185.800.000 đồng/cái. Chênh lệch khoảng 151.868.800 đồng/cái. Với số lượng 21 cái, giá trị chênh lệch khoảng 3.189.244.800 đồng.

Máy chủ  HPE DL20 GEN10 E2224 SFF (P06963-B21-2224-16GB-4SFF) trên thị trường có giá khoảng 33.931.200 đồng/cái. Giá trúng thầu 185.800.000 đồng/cái

Thiết bị định tuyến và tường lửa Cisco FPR2110-NGFW-K9 trên thị trường có giá 149.900.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 315.500.000 đồng/cái. Chênh lệch khoảng 165.600.000 đồng/cái. Với số lượng 22 cái, giá trị chênh lệch khoảng 3.643.200.000 đồng.

Thiết bị định tuyến và tường lửa Cisco FPR2110-NGFW-K9 trên thị trường có giá 149.900.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 315.500.000 đồng/cái

Thiết bị chuyển mạch trung tâm HP 3810M 24G 1-slot Switch JL071A trên thị trường có giá khoảng 86.640.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 147.850.000 đồng/cái. Chênh lệch khoảng 61.210.000 đồng/cái. Với số lượng 21 cái, giá trị chênh lệch khoảng 1.285.410.000 đồng.

Module quang Aruba-HPE 1G SFP LC LX 10km SMF XCVR (J4859D) trên thị trường có giá khoảng 1.350.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 15.460.000 đồng/cái. Chênh lệch khoảng 14.110.000 đồng/cái. Với  số lượng 214 cái, giá trị chênh lệch khoảng 3.019.540.000 đồng.

Thiết bị định tuyến tường lửa Model FPR2110-NGFW; hãng sản xuất Cisco, xuất xứ Mexico các hãng phân phối với giá tầm 150.000.000 đồng nhưng Sở GD&ĐT Bình Dương trúng thầu có giá cao gấp đôi lên đến 315.500.000 đồng.

Ngoài ra, ngày 29/12/2021, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nhật Hằng ban hành Quyết định 1882/QĐ-SDGĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “mua sắm thiết bị tổi thiểu lớp 2 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” cũng có một số thiết bị có giá trúng thầu cao hơn giá thị trường. Gói thầu này có giá 69.275.482.000 đồng, tỷ lệ giảm giá là 0%, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Incom và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ cao.

Gói thầu này bao gồm 94 mặt hàng. Trong đó, máy chiếu Panasonic PT-LB426 thị trường phân phối chỉ 18.300.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 25.900.000 đồng/cái. Chênh lệch 7.600.000 đồng/cái. Với số lượng 182 cái, giá trị chênh lệch khoảng 1.383.200.000 đồng.

Máy chiếu Panasonic PT-LB426 thị trường có giá khoảng 18.300.000 đồng/cái. Giá trúng thầu 25.900.000 đồng/cái

Đầu DVD Arirang AR-36RB giá trúng thầu 1.950.000 đồng, số lượng 58 chiếc. Thiết bị này, cùng hãng sản xuất, cùng thông số kỹ thuật giá thị trường năm 2022 chỉ dưới 800.000 đồng.

Tất cả các mặt hàng dùng để so sánh trên đều đã bao gồm thuế VAT, phí vận chuyển, phí lắp đặt, dịch vụ bảo hành, vận hành, hậu mãi theo chế độ của nhà sản xuất và phân phối sản phẩm.

Thực hiện “đúng quy trình”!

Liên quan đến vấn đề này, sau hơn 1 tháng liên hệ qua nhiều kênh, ngày 17/11/2022 chúng tôi nhận được văn bản phản hồi. Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết: “Hằng năm căn cứ bảng nhu cầu mua sắm tập trung của các đơn vị (nội dung đăng ký nhu cầu mua sắm, bao gồm chủng loại, số lượng, dự toán và nguồn kinh phí thực hiện, phương thức thanh toán… Sở sẽ tổng hợp tất cả nhu cầu mua sắm của các đơn vị và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và mời thầu theo quy định…”.

Đơn vị này còn cho biết, các gói thầu trên được thực hiện đấu thầu qua mạng, toàn bộ kế hoạch lựa chọn nhà thầu (bao gồm giá gói thầu được công khai trên mạng mua sắm công). Về quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Hình thức hợp đồng: Hợp đồng trọn gói, giá trúng thầu được xác định trên tổng giá trị của gói thầu. Do đó, không có căn cứ để xác định giá cao hay thấp cho từng mặt hàng.

Chúng tôi lấy làm lạ, mục đích của việc đấu thầu tập trung là tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đấu thầu để mua sắm hàng hóa với giá hợp lý, giá cạnh tranh để vừa có sản phẩm tốt, giá thành thấp. Thế nhưng, Sở GD&ĐT Bình Dương lại cho rằng, những gói thầu này không có căn cứ để xác định giá cao hay thấp!

Ngày 13/12/2022, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, các sản phẩm trúng thầu là hàng chính hãng, có kiểm định, có những quy chuẩn riêng khác với hàng trên mạng. “Mình cũng nói thật là từ bấy lâu nay mình không mua sắm gì nữa hết, bây giờ có mấy gói đã hủy thầu vì không ai giám thẩm tra, thẩm định gì hết… họ bỏ chạy hết rồi”, bà Hằng chia sẻ.

Theo luật sư Trần Khánh Ly - Giám đốc Văn phòng Luật Glaw: Điều 44, Luật Đấu thầu 2013 quy định chung về mua sắm tập trung, là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

“Nếu có hiện tượng “đội giá”, làm thất thoát ngân sách Nhà nước, thì cá nhân, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ mời thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp nếu xác định gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Ly cho biết.

Đơn vị trúng thầu là ai?

Công ty Cổ phần Mopha (tầng 7, số 163, phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Tích làm người đại diện pháp luật từng tham gia 119 gói thầu, trong đó trúng 109 gói, trượt 4 gói, 5 chưa có kết quả, 1 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 4.385.979.109.429 đồng. Các tỉnh, thành đã tham gia thầu: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bạc Liêu. Công ty này từng liên danh với 14 nhà thầu trong 20 gói và thắng cả 20 gói.

Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ ECTC (tầng 1, tòa nhà 15 tầng, số 381 phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội) do ông Đào Văn Cảnh làm người đại diện pháp luật từng tham gia 28 gói thầu, trong đó trúng 24 gói, trượt 2 gói, 1 chưa có kết quả, 1 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 1.311.088.867.000 đồng. Các tỉnh, thành đã tham gia thầu: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu. Công ty này đã từng liên danh với 11 nhà thầu trong 14 gói, thắng thầu 14 gói, thua 0 gói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm