Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quyết định “cứng nhắc” của chủ sở hữu tài sản gây thiệt hại cho Nhà nước

Nguyên Dũng

Thứ hai, 27/02/2023 - 07:00

(Thanh tra)- Cho rằng bị chủ sở hữu tài sản Nhà nước “bức ép, phân biệt đối xử”, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, một công ty trúng đấu giá 265.009 cây cao su trên diện tích 631,59ha, tổng giá trị tài sản lên tới 160,5 tỷ đồng đã làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng.

Một lô cây cao su vừa thanh lý đấu giá bị chặt hạ tại Bình Phước. Ảnh: Nguyên Dũng

Hủy kết quả đấu giá thiếu hợp lý và có nhiều khuất tất?

Công ty TNHH MTV Phú Riềng (trụ sở đóng tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) là thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, chiếm gần 100% vốn Nhà nước).

Ngày 22/12/2022, Công ty TNHH MTV Phú Riềng ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 111/HĐ-DVĐGTS với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước để đưa bán đấu giá khối tài sản Nhà nước gồm 265.009 cây cao su trên diện tích 631,59ha.

Sáng 13/1/2023, cuộc đấu giá diễn ra Hội trường Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước với 23 doanh nghiệp tham gia buổi đấu giá trực tiếp. Giá khởi điểm của khối tài sản Nhà nước vườn cây cao su thanh lý là 129.596.662.000 đồng.

Ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu cho rằng việc chủ tài sản đơn phương chấm dứt hợp đồng đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và tài sản của Nhà nước. Ảnh: Nguyên Dũng

Cuộc đấu giá diễn ra thành công với giá trả cao nhất là 160.050.000.000 đồng, thuộc về Công ty TNHH Ngọc Giàu (trụ sở đóng tại tỉnh Bình Dương). Tổng số tiền mà đơn vị trúng đấu giá phải nộp cho chủ sở hữu tài sản (gồm cả tiền bảo lãnh hợp đồng) là 176.550.000.000 đồng.

Ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu cho biết, ngày 18/1/2023, đơn vị này đã ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 09/HĐMB-2023 với Công ty TNHH MTV Phú Riềng (chủ sở hữu tài sản Nhà nước) về việc mua khối tài sản trên.

Vì giá trị lô hàng quá lớn và ngày ký kết hợp đồng mua bán tài sản giáp Tết Nguyên đán nên Công ty TNHH Ngọc Giàu đã gửi văn bản cho chủ sở hữu tài sản xin giãn một phần tiến độ thanh toán để làm việc với các ngân hàng, thu xếp huy động tài chính.

Ông Trương Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phú Riềng (đứng) trả lời về vụ việc. Ảnh: Nguyên Dũng

Sau đó, Công ty TNHH Ngọc Giàu liên tục nộp tiền trúng đấu giá vào tài khoản của Công ty TNHH MTV Phú Riềng và đến sáng 9/2/2023 đã nộp đủ 176.550.000.000 đồng (100%.).

Chiều 9/2/2023, Công ty TNHH MTV Phú Riềng ra thông báo hủy Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 09/HĐMB-2023 với Công ty TNHH Ngọc Giàu.

Ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu và nhiều doanh nghiệp từng tham gia đấu giá cây cao su tại tỉnh Bình Phước cho rằng, trên thực tế từ nhiều năm nay, tại nhiều cuộc đấu giá (do Công ty TNHH MTV Phú Riềng làm chủ sở hữu tài sản) đã có nhiều trường hợp trúng đấu giá được cho đàm phán tiến độ thanh toán thành nhiều lần.

Trong lần thanh lý 265.009 cây cao su trên diện tích 631,59ha “khủng” này, đơn vị trúng đấu giá tài sản là Công ty TNHH Ngọc Giàu đã xin gia hạn và đã nỗ lực để nộp đúng hẹn số tiền 127.319.332.400 đồng (tính đến ngày 2/2/2023, đạt 72.12% tổng số tiền phải nộp) và 5 ngày tiếp theo (tức ngày làm việc theo thỏa thuận hạn chót là ngày 2/2/2023), Công ty TNHH Ngọc Giàu tiếp tục nộp thêm số tiền 49.230.660.600 đồng (27,88% số tiền còn lại). Tổng số tiền Công ty TNHH Ngọc Giàu đã nộp đủ cho Công ty TNHH MTV Phú Riềng là 176.550.000.000 đồng (100%).

Ông Phạm Văn Thành, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết: “Tập đoàn khuyến khích xử lý vụ việc theo hướng đàm phán với đơn vị trúng đấu giá theo quy định của pháp luật, nhằm hạn chế gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước”. Ảnh: Nguyên Dũng

Sau đó, chiều 9/2/2023, Công ty TNHH MTV Phú Riềng đã “cự tuyệt”, không cho gia hạn, hủy Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 09/HĐMB-2023.

“Do thời hạn thanh toán tiền quá cận Tết Nguyên đán nên rất khó khăn trong việc huy động số tiền lớn từ phía các ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi đã gửi Công văn số 01/VBNG.2023 đến Công ty TNHH MTV Phú Riềng đề nghị được gia hạn thời gian thanh toán và trên thực tế vào sáng 9/2/2023 chúng tôi đã nộp đủ 100% số tiền, tức 176.550.000.000 đồng. Thật bất ngờ là ngay sau đó Công ty TNHH MTV Phú Riềng lại đơn phương ra thông báo chấm dứt hợp đồng. Đây là quyết định quá cứng nhắc, bất hợp lý và có nhiều khuất tất, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và tài sản Nhà nước”, ông Kỷ nói.

Ông Trương Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phú Riềng cho rằng, không có sự “bức ép, phân biệt đối xử” giữa các công ty trúng đấu giá tài sản Nhà nước trong các “thương vụ” đấu giá cây cao su do đơn vị làm chủ sở hữu tài sản như dư luận phản ánh.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Trên thực tế nhiều năm nay, tại nhiều cuộc đấu giá đã từng có doanh nghiệp nào trúng đấu giá được “giãn tiến độ”, chậm thời gian thanh toán tiền nhưng vẫn được Công ty TNHH MTV Phú Riềng tạo điều kiện cho thực hiện hợp đồng không, ông Hội nói: “Điều này tôi không thể trả lời được”.

Ông Hội khẳng định rằng không có sự mờ ám hay lợi ích nhóm trong việc hủy kết quả đấu giá trên để tạo điều kiện cho “công ty sân sau” của Công ty TNHH MTV Phú Riềng trúng đấu giá trong “thương vụ đấu giá lại” ở lần tiếp theo.

Cần đàm phán theo hướng “ít thiệt hại nhất đến tài sản Nhà nước”

Ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu cho biết, đơn vị đã gửi nhiều công văn đến Công ty TNHH MTV Phú Riềng và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) nhằm tha thiết xin được thực hiện hợp đồng, vừa để tạo việc làm cho người lao động trong lúc khó khăn, đồng thời để không làm ảnh hưởng tới tài sản Nhà nước.

Lô cây cao su đã được đấu giá tăng thêm tới 30,9 tỉ đồng (so với giá khởi điểm), Công ty TNHH Ngọc Giàu đã nộp đủ tiền và sẵn sàng cưa cắt cây ngay để kịp bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Phú Riềng trồng tái canh.

Trong trường hợp tổ chức đấu giá lại sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới việc tái canh cây cao su.

Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (chiếm gần 100% vốn  Nhà nước). Ảnh: Nguyên Dũng

Ông Trương Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phú Riềng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại thì “số phận” 265.009 cây cao su (trên diện tích 631,59ha) nêu trên có thuộc về đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Ngọc Giàu hay không thì vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

“Chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và đang cần thời gian để đưa ra quyết định phù hợp cuối cùng”, ông Hội nói.

Cũng theo ông Hội, việc hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đối với Công ty TNHH Ngọc Giàu trong thương vụ đấu giá khối tài sản 265.009 cây cao su nêu trên là điều không mong muốn vì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho tài sản Nhà nước.

“Việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tái canh cây cao su trên diện tích lớn. Mặt khác cũng sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả doanh thu tài chính của cả Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong năm 2023. Điều này thì chúng tôi không hề mong muốn”, ông Hội phân trần.

Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Văn Thành, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, sắp tới đơn  vị này sẽ có văn bản  gửi tới  Công ty TNHH MTV Phú Riềng nhằm đề xuất “hướng xử lý”.

“Quan điểm của tập đoàn là Công ty TNHH MTV Phú Riềng có đủ thẩm quyền thì tự đưa ra quyết định nhưng phải tự chịu trách nhiệm trước tập đoàn, trước pháp luật bởi quyết định của mình đưa ra. Chúng tôi không can thiệp. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc kỹ và đặc biệt thận trọng trong sự vụ này. Tập đoàn khuyến khích xử lý vụ việc theo hướng đàm phán với đơn vị trúng đấu giá theo quy định của pháp luật, nhằm hạn chế gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước”, ông Thành nói.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm