Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Dấu hiệu bất thường trong đấu giá cây cao su tại Bình Phước

Nguyên Dũng - Công Nhật

Thứ tư, 08/12/2021 - 15:33

(Thanh tra) - Cho rằng vụ đấu giá 193,37ha cây cao do Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú quản lý có nhiều dấu hiệu bất thường, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo vệ, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng.

Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú ký hợp đồng với Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam, bán đấu giá 193,37ha cây cao su. Ảnh: Công Nhật

Nhiều dấu hiệu bất thường

Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (trụ sở đóng tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) là thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Những dấu hiệu bất thường trong vụ đấu giá tài sản của Nhà nước 193,37ha cây cao su tại Đồng Phú do công ty này quản lý đã gây xì xào trong dư luận thời gian qua, đặc biệt là trong giới kinh doanh gỗ cao su tại miền Nam.

Theo thông tin mà Báo Thanh tra thu thập được, ngày 4/11/2021, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú ký hợp đồng với Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (trụ sở tại Hà Nội) để đưa bán đấu giá khối tài sản của Nhà nước 193,37ha cây cao su (tương đương 30% trong tổng số hơn 600ha cao su thanh lý đợt này).

27 doanh nghiệp tham gia buổi đấu giá trực tuyến diễn ra vào lúc 14 giờ 15 phút ngày 22/11/2021. Địa điểm đấu giá là trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (daugiabtn.com). Giá khởi điểm của “Vườn cây cao su thanh lý năm 2021” diện tích 193,37ha là 40.765.732.280 đồng.

Điều đáng nói, Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đã đưa vào quy chế của cuộc đấu giá trên là: “Mỗi khách hàng không được trả quá 10 bước giá và 1 bước giá là 100.000.000 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Duy Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH TM DV KD Tổng hợp Nam Anh (doanh nghiệp tham gia vụ đấu giá) bức xúc nói: “Đây là cuộc đấu giá tài sản của Nhà nước. Mà theo quy định của Luật Đấu giá và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu giá tài sản thì không giới hạn giá trả lên của khách hàng. Việc Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đưa vào quy chế mỗi khách hàng không được trả quá 10 bước giá và 1 bước giá chỉ 100 triệu đồng đã khiến khách hàng không thể trả giá theo luật định và gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước”.

Nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá phản ánh, trong quá trình cuộc đấu giá diễn ra thì đã xảy ra hiện tượng trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến (daugiabtn.com) bị “lỗi kỹ thuật”.

Một số khách hàng không thể đăng nhập vào tài khoản của mình (đã được Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam cung cấp trước đó trên trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến) để thực hiện cuộc đấu giá một cách bình thường. Một số khác phải mất nhiều thời gian sau mới đăng nhập được vào tài khoản đấu giá thì lại không thể thực hiện được “lệnh” trả giá của mình vì máy bị “treo”, bị chặn trong quá trình trả các bước giá.

“Thấy cuộc đấu có vấn đề, tôi và nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá đã nhiều lần gọi điện cho Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam để đề nghị tạm dừng cuộc đấu giá theo luật định nhưng đã bị khước từ”, ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu bức xúc.

Ông Kỷ cho biết thêm, sau khi nhận được thông tin kết quả cuộc đấu giá được công nhận và đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Gỗ Bình Định trúng đấu giá với số tiền 61.965.732.280 đồng, thì ông và nhiều doanh nghiệp khác trực tiếp đến công ty đấu giá để khiếu nại thì được đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá trả lời, hiện lô hàng đã có người mua nên không có trách nhiệm phải giải thích, làm việc.

Ông Lê Văn Linh (đấu giá viên Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam, người trực tiếp điều hành cuộc đấu giá) cho biết, việc đơn vị này đưa vào quy chế cuộc đấu giá với nội dung “mỗi khách hàng chỉ được trả tối đa 10 bước giá và 1 bước giá 100 triệu đồng” là làm theo yêu cầu đã được thỏa thuận trước đó với chủ sở hữu, quản lý tài sản là Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú.

Theo ông Linh, việc Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đưa vào quy chế cuộc đấu giá với nội dung quy định “thời hạn nhận khiếu nại về kết quả đấu giá chỉ trong vòng 24 giờ tính từ thời điểm kết thúc cuộc đấu giá” là vì trong khoảng thời gian đó, biên bản trúng đấu giá chưa được các bên ký kết nên việc hủy kết quả cuộc đấu giá sẽ dễ dàng hơn.

Về căn cứ pháp lý để ban hành quy chế và công tác giám sát cuộc đấu giá, ông Linh cho rằng: “Tôi không rõ. Nhưng thường thì chủ sở hữu tài sản là Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú sẽ giám sát”.

Đối với lý do tại sao Công ty không gửi thông báo đến Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước hoặc đơn vị quản lý Nhà nước khác có cùng chức năng để được hỗ trợ thành lập hội đồng, tổ giám sát, thẩm định, nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan, đúng luật của cuộc đấu giá, ông Linh nói: “Công ty chúng tôi được phép làm những gì mà pháp luật không cấm nên không cần thiết phải làm vậy”?

Ông Lê Văn Linh cũng cho rằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đã đảm bảo và cuộc đấu giá trực tuyến 193,37ha cao su Nhà nước nói trên không có vấn đề gì về kỹ thuật nên việc các doanh nghiệp tham gia đấu giá cho rằng trang thông tin đấu giá (daugiabtn.com) bị “lỗi kỹ thuật” trong quá trình đấu giá là việc của họ.

Có gây thiệt hại tài sản Nhà nước?

Ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Quang Hà (gọi tắt là Công ty Quang Hà, đơn vị tham gia cuộc đấu giá) cho biết, trong quá trình đấu giá “Vườn cây cao su thanh lý năm 2021” diện tích 193,37ha nêu trên, đơn vị đã liên tục tham gia bỏ giá để giành quyền mua tài sản.

Bất thường ở chỗ, tại thời điểm 14 giờ 41 phút, lúc cuộc đấu giá đang diễn ra, phía Công ty Quang Hà đã đưa ra giá 62.665.732.280 đồng. Tuy nhiên, trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (daugiabtn.com) không ghi nhận mức giá do Công ty Quang Hà đưa ra.

Sau đó, Công ty Quang Hà tiếp tục nâng giá đấu lên 62.965.732.280 đồng nhưng trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến (daugiabtn.com) tiếp tục không ghi nhận. Tiếp đó, dù trong toàn bộ cuộc đấu giá có lúc Công ty Quang Hà đã nâng giá đấu lên tới 70.965.732.280 đồng để dành mua tài sản nhưng đều không được ghi nhận.

Kết quả là Công ty Quang Hà dù đã trả tới mức giá cao hơn Công ty Cổ phần Gỗ Bình Định 9 tỷ đồng nhưng vẫn không trúng đấu giá. Công ty Cổ phần Gỗ Bình trúng đấu giá với mức giá chỉ 61.965.732.280 đồng.

Văn bản của Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú gửi Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam về việc thỏa thuận bước giá để đấu 193,37ha cây cao su. Ảnh: Nguyên Dũng

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH TM DV KD Tổng hợp Nam Anh cho biết, trong thời gian tổ chức đấu giá, lúc 14 giờ 15 phút đến 14 giờ 45 phút, tài khoản tham gia đấu giá của đơn vị này liên tục bị đẩy ra, báo lỗi hệ thống, khiến ông không thể thao tác trả giá trên trang đấu giá daugiabtn.com.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, trong suốt cuộc đấu giá ông Hoàn đã nhiều lần gọi điện cho ông Lê Văn Linh (đấu giá viên, người trực tiếp điều hành cuộc đấu giá) yêu cầu tạm dừng cuộc đấu giá để khắc phục sự cố nhưng ông Linh không cho dừng mà vẫn tiếp tục tổ chức đấu giá.

Nhận thấy cuộc đấu giá gặp sự cố và có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch nên ông Hoàn và nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá đã ghi lại hình ảnh, video diễn biến cuộc đấu giá để làm chứng. “Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, chúng tôi đã đưa những bằng chứng này đến Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam thắc mắc, khiếu nại nhưng không được chấp nhận”, ông Hoàn nói.

Ông Hoàn nói thêm: “Theo kinh nghiệm của tôi thì ở vào thời điểm đấu giá, giá trị thị trường của lô cao su 193,37ha là trên 81 tỷ đồng. Trong khi đơn vị trúng đấu giá là 61.965.732.280 đồng. Giá trúng này mới chỉ bằng 70% giá trị thực của tài sản. Điều này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp có nhu cầu mua cây sao su thực sự với mức giá cao hơn rất nhiều lần”.

Ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu cũng cho biết, trong suốt quá trình đấu giá từ 14 giờ 15 phút đến 14 giờ 45 phút, trang đấu giá daugiabtn.com liên tục bị trục trặc “đứt gãy” khiến cho doanh nghiệp không thể thao tác các bước trả giá bình thường. “Có thời điểm tôi đăng ký trả mức giá 80.965.732.280 đồng nhưng không được trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến (daugiabtn.com) ghi nhận”, ông Kỷ bức xúc.

Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, đối chiếu với Khoản 2, Điều 13 và Khoản 3, Điều 16 của Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến thì rõ ràng cuộc đấu giá “Vườn cây cao su thanh lý năm 2021” nêu trên đã có nhiều dấu hiệu khuất tất, bất thường.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm