Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phân lô, bán nền, làm đường trái phép trên đất nông nghiệp

Nguyên Dũng

Thứ sáu, 08/04/2022 - 06:35

(Thanh tra) - Đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp được các “đầu nậu" tự ý phân lô, rải đá làm đường... rồi đem bán với giá từ hàng trăm triệu cho tới hàng tỷ đồng/thửa. Thực trạng "vô thiên vô pháp" này đang xảy ra tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Sau khi mở đường đá rộng 6m, dài hàng trăm mét trên đất nông nghiệp, chủ đầu tư thửa đất 5415 (tờ bản đồ số 5, ấp 4, xã An Viễn) đặt bảng rao bán. Ảnh: Nguyên Dũng

Tự ý mở đường, đóng cọc, phân lô, bán đất nông nghiệp

Theo ghi nhận, tại ấp 4, xã An Viễn (thường gọi khu bờ đê, xã An Viễn) có nhiều khu đất trồng cây lâu năm rộng nhiều ha, được chủ đầu tư dùng cọc bê tông đóng cột mốc, phân ra từng nền theo ô bàn cờ hoặc hình chữ nhật rồi chôn cọc điện, cắm bảng rao bán công khai như dự án được cấp phép.

Tại các thửa đất 5415, 5443, 5420, 5423, 5446, cùng thuộc tờ bản đồ số 5, ấp 4, xã An Viễn và nhiều thửa bên cạnh có tổng diện tích hơn 3ha, toàn bộ diện tích này là đất trồng cây lâu năm, nhưng chủ đầu tư tự ý rải đá làm đường lớn 6m vào giữa khu đất, rồi đóng cột mốc phân ra hơn 20 nền đất, mỗi nền có diện tích từ 1.000 - 2.000m2, cắm bảng rao bán công khai.

Chủ đầu tư tự ý mở đường trên đất nông nghiệp tại thửa đất 269, tờ bản đồ số 5 (tọa lạc tại ấp 4, xã An Viễn) để phân lô, bán nền. Ảnh: Nguyên Dũng

Trong vai một người có nhu cầu mua đất, phóng viên đã liên hệ được với một người có tên T.M. Người này giới thiệu là chủ đất rồi dẫn ra tận khu đất trên để chào mời bán đất. Khu đất rộng nhiều ha được chia làm nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích lớn. Mỗi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích lớn tiếp tục được chủ đầu tư đóng cọc, phân thành nhiều lô đất nhỏ có diện tích 1.000m2, được rao bán với giá từ 2,5 - 3 tỷ đồng, tùy từng vị trí.

Các thửa đất thuộc lô đất rộng hơn 3ha nêu trên đang là đất trồng cây lâu năm, chưa đủ điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Chủ đầu tư ngang nhiên dùng máy san lấp mặt bằng, làm đường đá rộng 6m, cắm cọc bê tông, chôn cột điện kiên cố, rao bán từng lô như một dự án bài bản.

Tương tự, nằm cách khu đất trên chừng 300 - 400m, giáp khu bờ đê thuộc địa bàn ấp 4, xã An Viễn, có lô đất thuộc thửa 269, thuộc tờ bản đồ số 5, với diện tích hơn 12.270m2, và các lô đất khác như thửa đất số 5574 (tờ bản đồ số 5) rộng hơn 1.000,6m2; thửa đất 5572 (tờ bản đồ số 5) rộng 1.002,7m2, cũng xảy các sai phạm về đất đai nghiêm trọng. Toàn bộ các khu đất này đang là đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, nhưng chủ “đầu nậu đất” đã tự ý rải đá làm đường rộng khoảng 6m ngay trên đất rồi đóng cọc phân lô bán thu lợi bất chính.

Tình trạng phân lô, bán nền, làm đường, làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp cũng xảy ra tràn lan tại địa bàn các ấp 2, 3, 5, 6, 7 (xã An Viễn). Tại đây, có hàng trăm khu đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng cây lâu năm bị “xé nát” vì mục đích thương mại.

Mở đường đá trái phép trên đất nông nghiệp tại các thửa đất 5415, 5443, 5420, 5423, 5446 (cùng thuộc tờ bản đồ số 5, ấp 4, xã An Viễn) để phân lô, bán nền. Ảnh: Nguyên Dũng

Điển hình, khu đất có diện tích gần 6ha, gồm hàng chục thửa đất liền kề nhau (thửa 890, 987, 877...), cùng thuộc tờ bản đồ số 7, xã An Viễn. Mỗi thửa đất đã được chủ đầu tư phân thành từng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích mỗi giấy chứng nhận 1.000m2, được rao bán với giá từ 2,5 - 3 tỷ đồng, tùy từng vị trí. Các thửa thuộc lô đất rộng gần 6ha nêu trên đang là đất trồng cây lâu năm, nhưng chủ đầu tư ngang nhiên dùng máy san lấp mặt bằng, làm đường, đặt cống bê tông làm hệ thống thoát nước, cắm cọc, xây tường bê tông kiên cố trên lô đất. Chủ đầu tư đã phân các thửa đất lớn thành hàng trăm lô đất nhỏ, mỗi lô đất có diện tích 100m2, bán cho nhiều người với giá từ 250 - 300 triệu đồng.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý

Theo tìm hiểu của PV, việc hàng loạt chủ đầu tư bất chấp các quy định về quy hoạch, không chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, không đóng thuế cho Nhà nước theo quy định, mà tự ý thay đổi hiện trạng, làm đường... tách thửa để bán thu lợi tại địa bàn xã An Viễn đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ông N.B.T. (53 tuổi, ngụ xã An Viễn) cho biết, thực trạng tự ý phân lô, bán nền được "gá bằng sự đánh võng luật",  lợi dụng việc hiến đất làm đường để tự ý phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.

Xây gạch, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp tại ấp 3, xã An Viễn. Ảnh: Nguyên Dũng

Theo ông N.B.T., hiến đất làm đường giao thông nông thôn mới vốn là một hành động tốt đẹp, xuất phát từ ý nguyện góp phần xây dựng quê hương, nhưng tại địa bàn xã An Viễn, điều này lại bị biến tướng, trở thành “vấn nạn” khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng việc hiến đất làm đường để tự ý mở đường bê tông, làm đường đá rộng từ 4 - 8m, dài hàng trăm mét trên đất nông nghiệp để hợp thức hóa cho hành vi phân lô, bán nền, thu lợi bất chính, phá vỡ quy hoạch và gây hàng loạt hệ lụy khác.

“Cách làm theo kiểu cấm cho có, mở vẫn mở, làm thì vẫn cho làm của xã An Viễn đã khiến tình trạng xây dựng trái phép, phân lô, bán nền, làm đường trái phép trên đất nông nghiệp trở nên phức tạp, kéo dài trong thời gian qua và đến nay vẫn tiếp diễn”, ông N.B.T. nói.

Công văn chỉ đạo của UBND huyện Trảng Bom về việc điều tra, xử lý các sai phạm đất đai tại xã An Viễn. Ảnh: Nguyên Dũng

Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom (xin giấu tên) cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan thì việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ liên quan xã An Viễn trong thời gian qua đã khiến thực trạng phân lô, bán nền, làm đường trái phép trên đất nông nghiệp trở nên phức tạp, nhức nhối kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Liên quan đến vụ việc, sáng 4/4, làm việc với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã An Viễn tỏ ra bất ngờ, cho rằng: “Bây giờ chúng tôi mới nhận được phản ánh về thực trạng phân lô, bán nền, làm đường trái phép trên đất nông nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và có báo cáo với cấp trên”.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom cho biết, trước thực trạng về việc phân lô, bán nền, làm đường trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra tại xã An Viễn, đơn vị này đã nhiều lần có văn bản tham mưu cho UBND huyện ra các văn bản xử lý sai phạm và kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Trước đó, ngày 10/3/2022, ông Lê Ngọc Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã có Công văn số 2602/UBND-TNMT gửi Chủ tịch UBND xã An Viễn, yêu cầu khẩn trương xử lý các vi phạm về việc làm đường, chôn cọc điện, phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan, báo cáo kết quả về UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/3/2022.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm