Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều người dân gửi đơn kêu cứu vì công tác giải phóng mặt bằng tại dự án

Chính Bình

Thứ năm, 21/09/2023 - 13:00

(Thanh tra) - Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được kỳ vọng là một đô thị hiện đại năng động thịnh vượng bậc nhất trong khu vực miền Bắc. Thế nhưng, quá trình thu hồi đất để giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cấp khiến người dân phải mang đơn đi cầu cứu các cơ quan có thẩm quyền.

Ngôi nhà nơi sinh sống của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thuỷ Nguyên chỉ còn là quá khứ và những kỷ niệm. Ảnh: CB

Đơn cử như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, đã bốn năm trôi qua ngôi nhà nơi sinh sống của gia đình bà Anh tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng chỉ còn là quá khứ và những kỷ niệm. Khu vực đất giờ đây đã bị thu hồi giải phóng mặt bằng để thực hiện Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Bà Anh cho biết, từ trước năm 1990 khu đất bị thu hồi của gia đình bà là căn nhà cấp bốn, qua ba đời chủ ở sinh sống không tranh chấp, đến năm 2012 có xây dựng hai căn biệt thự ở đây. Trong quá trình xây dựng cũng không ai trong chính quyền đến lập biên bản vì gia đình xây dựng trên đất nhà ở lâu năm mua đất hợp pháp, có giấy xác nhận của địa phương và Chủ tịch xã cùng Trưởng thôn xác nhận.

Được biết, diện tích đất hộ gia đình bà Anh là 245,2m² chia làm hai giai đoạn thu hồi khi thực hiện dự án, giai đoạn một là 129,8m2 và giai đoạn hai là 115,4m².

Theo bà Anh, mảnh đất của gia đình có nguồn gốc trước Luật Đất đai năm 1993. Khi có nhà để ở, không vi phạm luật thì khi bị thu hồi phải được đền bù.

Theo trích dẫn xác định nguồn gốc đất trong phương án bồi thường số một của dự án cũng nêu, gia đình chủ cũ sử dụng đất làm nhà từ sau năm 1982 đến trước ngày 15/10/1993; sau đó bán cho ba chủ, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh mua lại và sử dụng từ đó cho đến nay.

Tuy nhiên, khi lập phương án bồi thường trong biên bản ngày 20/7/2017, UBND huyện Thủy Nguyên lại chỉ ra thửa đất này vi phạm nhiều vấn đề như: Vi phạm nền đất chợ; vi phạm hành lang giao thông đường tỉnh lộ 359B; vi phạm hành lang đê Tả Cấm. Nên không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất ở và không được bồi thường.

Không đồng ý với các quyết định của huyện, gia đình bà Anh đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP Hải Phòng.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thủy Nguyên thực hiện cưỡng chế giai đoạn 1 nhưng lại thực hiện cưỡng chế luôn giai đoạn 2 vào cùng thời điểm tháng 4/2019, trong khi đến tháng 6/2022 mới có thông báo thu hồi đất giai đoạn 2, việc này vi phạm quy định của pháp luật.

Điều này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong thông báo kết luận nội dung tố cáo số 2077 và đề nghị kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các cơ quan đơn vị cá nhân qua các thời kỳ liên quan đến công tác lập thẩm định phê duyệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại UBND huyện Thủy Nguyên.

Liên quan đến công tác thu hồi đất của gia đình bà Anh giai đoạn 1 nhưng đã thực hiện thu hồi phần đất tại giai đoạn 2 khi chưa có thông báo thu hồi, ông Nguyễn Văn Viển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: “Ở giai đoạn 1, cơ quan chức năng chỉ cưỡng chế 129m2, thế nhưng phần công trình vượt lên một chút đã được tính toán bồi thường và hỗ trợ thì phải phá vỡ phần còn lại để đảm bảo tính an toàn, nếu để lại thì rất nguy hiểm, huyện đã kiểm điểm các đơn vị cá nhân và có giải trình với Thanh tra Chính phủ”.

Về nguồn gốc đất của gia đình bà Anh, đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thủy Nguyên, ông Nguyễn Trọng Thảo cho biết: “Về hành lang đê thuộc chân đê chợ Đa phía đầu và phía Đông sông Cấm là 20m đối với đê sông, đối chiếu với quy định hành lang đê thì toàn bộ diện tích đất ở bãi nằm trong hành lang đê, đường thuộc quy hoạch chợ Bến Bính có quy hoạch từ năm 1984.”

Tuy nhiên theo bà Anh, trong văn bản 2463 của UBND TP Hải Phòng về việc xác định phạm vi bảo vệ đê khu vực thôn Bến Bính nêu rõ: “Đối với khu vực đê có dân cư, phạm vi bảo vệ đê được xác định tính từ tim đê hiện trạng trở về phía sông là 10m và phía đồng là 10m”. Còn trong kết quả đo đạc thẩm định tại chỗ vị trí gần nhất của gia đình bà Ngọc Anh đến đê là 11,1m. Việc này UBND huyện cần đưa ra quy hoạch chi tiết của khu vực đê để đối chiếu làm căn cứ xác định nguồn gốc đất có vi phạm hay không.

Ngoài gia đình bà Anh còn nhiều hộ gia đình khác trong diện thu hồi đất thực hiện Dự án Bắc sông Cấm cũng gửi đơn thư tới cơ quan chức năng kêu cứu về công tác giải phóng mặt bằng của UBND huyện Thủy Nguyên.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hựu (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cho biết: “Nguồn gốc đất nhà tôi có từ năm 1948, giấy tờ mua bán đất có rất đầy đủ và nộp thuế từ năm 1990 đến bây giờ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, chính quyền không công nhân nguồn gốc đất gia đình tôi.”

Nhiều gia đình do bức xúc trong quá trình thu hồi đất thực hiện dự án Bắc sông Cấm đã không đồng ý nhận đền bù, hỗ trợ đất khi bị thu hồi nên phải đi thuê nhà và sống trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm