Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều cây nghiến bị chặt tại khu vực công an, quân đội nhận khoán

Thứ sáu, 04/08/2017 - 06:21

(Thanh tra)- Theo báo cáo của Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể tính từ đầu năm đến ngày 30/6/2017 có 14 vụ với 36 cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép là hơn 239m3. Trong đó, số cây chặt hạ trong năm 2016 là 21 cây và năm 2017 là 15 cây.

Những cây gỗ nghiến được cho là bị chặt từ năm 2016 nhưng mấy tháng sau lá vẫn còn xanh tươi là một điều lạ. Ảnh: Dũng Nam

Giao khoán có đúng quy định?

Theo Hợp đồng số 17/HĐ-VQG ngày 18/8/2014 giữa VQG Ba Bể với Công an huyện Ba Bể thì số diện tích được giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên là 128,44ha với giá trị là 85 nghìn đồng/ha/năm, thuộc tiểu khu 61 thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2018. 

Trong phần nghĩa vụ của Hợp đồng đã ghi: “Phải thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm gây thiệt hại đến tài nguyên rừng như khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ, săn bắt động vật rừng, phát rừng làm nương rẫy, lấn chiếm trái phép rừng… Kết thúc sau mỗi đợt tuần tra, kiểm tra rừng hoặc phát hiện đột xuất tình trạng khai thác, tác động trái phép trên diện tích được khoán bảo vệ phải báo cáo kết quả cho bên A thường xuyên kịp thời. Tuân thủ quy chế Quản lý bảo vệ và Khoanh nuôi phục hồi rừng của Chủ đầu tư và địa phương. Nếu bên B vi phạm hợp đồng sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, trong hợp đồng này không thấy có chế tài xử lý việc vi phạm hợp đồng của cả bên A lẫn bên B. 

Tại Hợp đồng số 34/HĐ-VQG ngày 4/1/2016 giữa VQG Ba Bể với Công an huyện Ba Bể với diện tích hơn 367ha và giá trị là 200 nghìn đồng/ha/năm tính từ năm 2017 - 2020, tại phần còn lại của tiểu khu 61 và tiểu khu 71.

Hợp đồng số 33 ký ngày 4/1/2016 giữa VQG Ba Bể với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ba Bể thì số diện tích đơn vị này được giao khoán là hơn 586ha với giá trị là 200 nghìn đồng/ha/năm; thời gian từ năm 2017 - 2020, mỗi năm đơn vị sẽ nhận được hơn 117 triệu đồng. Và, nghĩa vụ của bên B được quy định tương tự như đối với bên Công an huyện nhưng cũng không hề thấy ghi phần chế tài xử phạt cho việc vi phạm hợp đồng. 

Để làm rõ việc VQG Ba Bể thực hiện việc dùng tiền ngân sách ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với Công an huyện Ba Bể và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ba Bể có đúng với các quy định hiện hành hay không, PV Báo Thanh tra đã liên hệ Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tìm kiếm câu trả lời nhưng đến nay (tháng 8/2017) vẫn chưa nhận được hồi âm.

Dấu hiệu trù dập rõ ràng?

Trong đơn gửi Báo Thanh tra, ông Nông Văn Đức cho biết: Từ ngày 6/1/2016, ông được Hạt Kiểm lâm VQG Ba Bể điều động đến nhận nhiệm vụ tại Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng, phân trạm Pác Slai thay ông Hoàng Văn Luận. Tại thời điểm đó chỉ có một mình ông và đến tháng 9/2016 thì được bổ sung ông Ma Thế Thiện. 

Theo ông Đức, từ ngày được phân công công tác tại Trạm, ông luôn chấp hành theo sự phân công của Trạm trưởng, thường xuyên cùng anh em trong Trạm tuần tra rừng, kiểm tra các điểm nóng chặt phá rừng trong khu vực lòng hồ.

Cuối năm 2016 được sự phân công của Trạm trưởng, ông đã tham gia cùng Phòng Bảo tồn, đất ngập nước và Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế của Vườn cùng với thôn Bản Cám, Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu đi kiểm tra thực địa, đánh giá tình trạng rừng để nghiệm thu cuối năm (có Biên bản nghiệm thu khoán quản lý bảo vệ rừng), trong năm 2016 đã phát hiện 2 vụ chặt hạ gỗ trong địa bàn quản lý và đã lập biên bản kiểm tra cũng như báo cáo lãnh đạo để có hướng xử lý.

Trong tháng 1 và 2 năm 2017, ông thường xuyên tham gia đi tuần tra Trạm theo sự phân công và không phát hiện có việc chặt hạ gỗ. 

Tháng 3/2017, ông và Tổ tuần tra chưa đi kiểm tra vì bản thân ông còn tham gia Tổ tuần tra, truy quét, mật phục ở sông Năng, hồ Ba Bể cho đến ngày 20/3/2017, khi có thông tin phát hiện 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ tại khu vực Ao Tiên.

Đến ngày 21/3/2017, ông Hoàng Văn Chất, Hạt phó Hạt Kiểm lâm vườn đi cùng ông Đồng Minh Thắng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai xuống phân trạm và gọi ông Đồng Minh Ảnh là Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng số 2 đến nói là có sự thống nhất chỉ đạo của lãnh đạo vườn, ông Thắng trực tiếp chỉ đạo ông Đức lập biên bản tuần tra rừng (khống) của Tổ và ký xác nhận về việc 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ để ông Thắng về báo cáo lãnh đạo vườn.

Đến ngày 22/3, ông Đức nhận được Thông báo số 60 và 61 của VQG Ba Bể về việc tạm đình chỉ và kỷ luật viên chức. 

Ngày 12/5/2017, Hội đồng kỷ luật VQG Ba Bể do ông Bùi Văn Quang là Chủ tịch quyết định họp và thống nhất kỷ luật "Buộc thôi việc" đối với ông Nông Văn Đức với các lỗi sau: Thiếu tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép trong thời gian dài mà không phát hiện; lập hồ sơ biên bản tuần tra rừng khống; thiếu trung thực trong báo cáo, giải trình; phát ngôn với cơ quan báo chí thiếu chuẩn xác, không đúng với quy định gây hậu quả lớn với cơ quan đơn vị.

"Trong Bản tường trình ngày 24/3/2017, tôi đã viết rất rõ sự việc trên được lãnh đạo chỉ đạo lập biên bản khống, tuy nhiên, lãnh đạo vườn vẫn ép tôi phải nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình nếu tôi không nhận thì sẽ bị đình chỉ, kỷ luật buộc thôi việc. Trong vòng 2 tuần điều động tôi 2 lần (từ Trạm Đầu Đẳng - Pác Slai về Trạm Đầu Đeng, rồi lại về Phòng Tổ chức, hành chính) và không được giao làm việc gì", ông Đức cho biết thêm. 

Trong đơn, ông Đức cũng cung cấp thêm các thông tin như: Tháng 10/2016, sau khi có phản ánh về việc khai thác rừng trái phép tại Khu vực Lùng Duốc, phát hiện có 1 cây gỗ nghiến bị chặt hạ với khối lượng 61m3, biên bản được lập sau khi có Đoàn đi kiểm tra nhưng ông Trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Pác Ngòi không hề bị kiểm điểm và cuối năm vẫn được VQG Ba Bể đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hay như khu vực Bản Lồm, cũng bị Đoàn kiểm tra phát hiện có 4 cây gỗ nghiến bị chặt hạ nhưng tập thể Trạm Kiểm lâm Bản Quá và ông Trạm trưởng Dương Xuân Tứ đều được danh hiệu tập thể và cá nhân là "Lao động tiên tiến".

Tháng 4/2017, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cùng các ngành chức năng đi kiểm tra thực tế tại khu vực Khâu Qua, Nặm Dài do Trạm Kiểm lâm Nà Bản quản lý đã phát hiện 7 cây gỗ nghiến bị chặt hạ, trong khi Trạm Kiểm lâm Nà Bản chưa phát hiện nhưng cả Trạm cũng không bị kiểm điểm.

Cũng tháng 4/2017, ông Hứa Văn Quẻ, nhân viên Trạm Kiểm lâm Đán Đeng có thuê xe ô tô tải loại 5 tấn chuyển gỗ đi từ xã Cao Thượng thuộc địa bàn do Trạm quản lý đi ra hướng thị trấn Chợ Rã trên quốc lộ 279 đã bị Công an huyện Ba Bể phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Bể bắt quả tang và đưa về Hạt xử lý. Tuy nhiên, ông Hán Văn Quẻ cũng không hề bị kiểm điểm.

Trong buổi làm việc với VQG Ba Bể, PV đã đề nghị được cung cấp kết quả thi đua khen thưởng của Vườn trong 2 năm 2015 và 2016 để xác minh nội dung thông tin mà ông Đức đã cung cấp thì bị từ chối.

Liên quan đến việc quy kết ông phát ngôn với các cơ quan báo chí thiếu chuẩn xác, không đúng với quy định gây hậu quả lớn tới cơ quan, đơn vị, ông Đức giải thích: Khi sự việc lập hồ sơ biên bản khống bị phát hiện thì các cơ quan như: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn và các cơ quan báo chí vào cuộc về việc 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ tại khu vực Ao Tiên, xã Nam Mẫu thì những thông tin ông cung cấp cho báo chí và các cơ quan hữu quan là hoàn toàn chính xác và cũng giống như Báo cáo giải trình của ông với lãnh đạo Vườn, Hạt Kiểm lâm và Tổ xác minh của Vườn nên không thể quy kết cho ông là cung cấp thông tin thiếu chính xác được.

Đuổi việc ông Đức... vẫn không giữ được rừng!

Như trên đã phân tích, ông Nông Văn Đức bị cho đình chỉ việc từ ngày 22/3/2017. Và, theo Báo cáo số 115 ngày 28/6/2017 của VQG Ba Bể thì ngày 24/3, tại thôn Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn phát hiện 1 cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép với khối lượng 4,616m3.

Ngày 6/4, tại thôn Nặm Dài, xã Nam Mẫu phát hiện 1 cây gỗ nghiến khác bị chặt hạ với khối lượng 22,529m3

Ngày 7/4 tại Pù Tu Mạ, xã Nam Mẫu đã phát hiện 7 cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép với khối lượng 20,252m3.

Đáng chú ý, từ 12 - 26/4 đã phát hiện tại khu vực Khâu Củm có 6 cây gỗ nghiến bị chặt hạ với khối lượng hơn 29,6m3. Và xác định thời điểm bị chặt hạ là cuối năm 2016.

Tiếp theo từ ngày 29/5 - 2/6 đã phát hiện có 9 cây gỗ nghiến bị chặt hạ với khối lượng là hơn 68,5m3. Và cũng được xác định thời điểm bị chặt hạ là cuối năm 2016.

Khi PV hỏi ông Nguyễn Hữu Thắng, Chi cục Trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn về việc có nhiều cây gỗ nghiến bị chặt hạ, vậy lực lượng kiểm lâm đã thống kê số lượng gỗ còn lại là bao nhiêu m3 và số m3 đã bị lâm tặc lấy đi bao nhiêu để có hướng xử lý cụ thể, nhưng không nhận được câu trả lời.

Điều này, không khỏi khiến dư luận hoài nghi là một thời gian sau có thể số gỗ này sẽ được hợp thức hóa... và rừng thì cứ ngày càng lụi tàn. 

Một điều nữa là, vị trí các cây gỗ nghiến bị đốn hạ dẫn đến việc ông Nông Văn Đức bị buộc thôi việc do để xảy ra tình trạng phá rừng (mà ở đây là 3 cây nghiến) thì lại nằm trong khu vực VQG Ba Bể khoán cho 2 đơn vị vũ trang trong huyện trông nom. Vậy, trách nhiệm của 2 đơn vị này như thế nào thì không hề thấy đề cập đến!

Liên quan đến vụ việc này, chị Lộc Thị Thu Huyền cũng đã bị điều chuyển đến Trạm Hua Mạ, xã Quảng Khê, cách đó 30km với lý do "về việc đưa các thông tin lên mạng xã hội không chính thống để chia sẻ các nội dung có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng VQG, khi chưa được sự đồng ý của VQG, tạo sự phản cảm gây dư luận không tốt”. Trong khi đó, chị Huyền đang nuôi 2 con nhỏ, một cháu được 19 tháng tuổi. 

Chị Huyền cho biết, chị chia sẻ đường link của các báo điện tử chính thống phản ánh vụ việc lên trang facebook cá nhân là hoàn toàn đúng pháp luật, mà trong cuộc họp về những thông tin về nạn phá rừng tại VQG Ba Bể có bà Đỗ Thị Minh Hoa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tham dự.

Trong một diễn biến khác, trao đổi với PV, ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nói rất cảm ơn các cơ quan báo chí đã kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin để tỉnh biết được còn có hướng xử lý.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Nam Dũng - Thành Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm