Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 16/05/2017 - 14:04
(Thanh tra)- Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể từ năm 1986 đã được công nhận là Di sản Văn hóa Lịch sử Quốc gia với những cánh rừng già nguyên sinh. Những năm gần đây, thay vì được bảo vệ nghiêm ngặt thì liên tiếp diễn ra việc chặt phá trái phép những cây gỗ nghiến (nhóm IIA) trước sự "bất lực" của đơn vị được giao bảo vệ và quản lý VQG này.
Gỗ nghiến vô tư bị chặt hạ và cưa xẻ ngay tại trong VQG. Ảnh: Dũng Thành
Kiểm lâm "phối hợp" báo cáo sai sự thật
Theo Báo cáo mới nhất (số 139 ngày 20/4/2017) của UBND tỉnh Bắc Kạn về công tác quản lý và bảo vệ rừng tại VQG Ba Bể từ đầu năm 2017 đến ngày 8/4: Có 13 vụ khai thác rừng trái phép và 19 cây gỗ bị chặt hạ mới với khối lượng là 134,7m3 (trong đó, có 18 cây gỗ nghiến nhóm IIA và 01 cây gỗ phay nhóm VI khối lượng 2,4m3), tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2016.
Còn tại Biên bản kiểm tra hiện trường (lập ngày 21/3/2017) do tổ kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ba Bể và Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn dưới sự phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn và Chi cục Kiểm lâm Vùng I cùng đại diện Kiểm lâm VQG Ba Bể (tổ công tác) đã ghi nhận: "Cùng thời gian và địa điểm nêu trên chúng tôi tiến hành kiểm tra hiện trường rừng tại khu vực Ao Tiên thuộc thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu qua kiểm tra phát hiện có 3 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) đã bị chặt hạ trái phép. Theo nhận định của các thành viên tham gia kiểm tra tại hiện trường nhận định 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép diễn ra vào thời điểm năm 2016" (thời điểm được cho chặt hạ là vào ngày 20/3/2016).
Theo Giấy triệu tập số 83, ngày 4/5/2017 của Hội đồng Kỷ luật VQG Ba Bể về việc xét kỷ luật viên chức đối với Nông Văn Đức, kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Ba Bể với lý do: Thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng để xảy ra tình trạng khai thác rừng trong một thời gian dài mà không kịp thời phát hiện; lập hồ sơ tuần tra biên bản rừng khống (vụ 3 cây gỗ nghiến tại Ao Tiên bị chặt hạ); thiếu trung thực trong báo cáo giải trình; phát ngôn với cơ quan báo chí thiếu chuẩn xác, không đúng quy định gây ảnh hưởng lớn tới cơ quan đơn vị.
Cũng theo tổ công tác, trước đó, ngày 16/3/2017, qua kiểm tra tại hiện trường khu vực bị khai thác trái phép thuộc khu vực Lùng Mấu, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tổ công tác đã xác định có 1 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) mới bị chặt hạ, lá vẫn còn tươi theo đúng như báo chí phản ánh, khối lượng bị thiệt hại là 4,09m3 (khối lượng thiệt hại theo hồ sơ của Hạt Kiểm lâm VQG xác định ngày 26/12/2016). Căn cứ kết quả kiểm tra thì báo chí phản ánh có một cây gỗ nghiến mới bị chặt hạ gần lòng hồ là đúng sự thật nhưng thời điểm chặt hạ không đúng ngày 5/3/2017.
Tiếp đó, lúc 9 giờ 30 phút ngày 21/3/2017, tại hiện trường khu vực Ao Tiên, thuộc thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, tổ công tác tiếp tục phát hiện có 3 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ trái phép với tổng khối lượng là 20,252m3 chưa được lập hồ sơ báo cáo theo quy định.
Đến đây mới thấy sự thiếu trung thực của các báo cáo này đã được vạch trần, mặc dù được rất nhiều cơ quan kiểm lâm trong tổ công tác cùng xuống địa bàn đi ghi nhận thực tế hiện trường có nhận định có dấu hiệu "bao che", như cây nghiến tại Lùng Mấu, xã Nam Mẫu được cho là chặt mới nhất ngày 26/12/2016 mà đến tháng 3/2017 vẫn còn xanh, nhựa vẫn rỉ tại gốc cây là chuyện lạ đời.
Lạ hơn nữa là, 3 cây gỗ nghiến bị hạ tại khu vực Ao Tiên được ghi nhận là chặt từ 20/3/2016, một năm sau tổ kiểm tra đi xác minh nhưng lá cây vẫn còn xanh và gốc cây vẫn còn rỉ nhựa. Bằng mắt thường cũng biết là cây mới bị chặt nhưng vẫn được tổ công tác ghi nhận là chặt cách đó 1 năm trước!
Như vậy, mới chỉ hơn 3 tháng đầu năm 2017 đã có 18 cây gỗ nghiến quý hiếm đã bị đốn hạ theo báo cáo của tỉnh Bắc Kạn. Đó là chưa kể việc còn nhiều cây gỗ nghiến khác bị đốn hạ nhưng không có tên trong báo cáo này mặc dù lá vẫn còn xanh nhưng được cho là chặt hạ từ năm 2016 và đã được VQG Ba Bể phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác như Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, Chi cục Kiểm lâm Vùng I đã báo cáo sai sự thật. Nếu báo cáo đúng thì chắc chắn số cây gỗ nghiến phải nhiều hơn nữa chứ không dừng lại ở con số 18 cây?
Theo người dân cho biết nhiều cây gỗ nghiến bị hạ nhưng không được kiểm lâm phát hiện vì chưa được đánh dấu. Ảnh: Dũng Thành
Bộ NN&PTNT có làm tròn trách nhiệm được giao?
Theo Điều 6 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng đã quy định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (N&PTNT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với công chức kiểm lâm.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường biên chế cho lực lượng kiểm lâm đến năm 2015; bố trí kế hoạch hàng năm về tổ chức, biên chế lực lượng kiểm lâm đến năm 2015 bình quân trong toàn quốc cứ 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm (giai đoạn 2011 - 2015 bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm).
Trong buổi làm việc với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (phụ trách Cục Kiểm lâm), Bộ NN&PTNT cho biết, tình trạng viên chức kiểm lâm thì hiện nay tại các vườn có khoảng gần 4.000 người đang thực thi nhiệm vụ. Theo quy định thì giám đốc vườn phải là công chức kiểm lâm để ký các quyết định xử phạt. Việc bố trí nhân sự (công chức hay viên chức kiểm lâm) tại các vườn là do UBND các tỉnh sắp xếp, quyết định.
Còn ông Bùi Văn Quang, quyền Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Bể thừa nhận, trước kia khi còn làm ở huyện thì ông là công chức nhưng khi chuyển sang làm Phó Giám đốc VQG Ba Bể thì ông lại là viên chức. Hiện tại, ông vẫn là viên chức kiểm lâm vì không còn tuổi bổ nhiệm Giám đốc mà chỉ là quyền Giám đốc.
Cũng tại Thông báo số 39 ngày 12/4/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về kết luận của ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi làm việc với VQG Ba Bể về công tác tổ chức cán bộ và tình hình quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2016 và quý I/2017 đã yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh về mô hình quản lý, tổ chức bộ máy của VQG Ba Bể đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định hiện hành báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4/2017.
Xem xét đề xuất việc chuyển ngạch từ viên chức sang công chức cho một số viên chức kiểm lâm VQG Ba Bể có đủ điều kiện theo quy định để đảm bảo đủ thẩm quyền theo quy định trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tức là hiện tại, VQG Ba Bể không hề có một cán bộ lãnh đạo kiểm lâm nào theo quy định đủ thẩm quyền để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo Báo cáo của VQG Ba Bể cho biết, năm 2015, vườn đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ với tổng số tiền là 37,5 triệu đồng. Năm 2016, vườn đã xử phạt 14 vụ với số tiền là là 85 triệu đồng. Quý I/2017, vườn xử phạt 1 vụ với số tiền 25 triệu đồng.
Có thể thấy nhiều bất cập trong tổ chức và bảo vệ VQG Ba Bể. Điều đó nhiều khả năng dẫn đến tình trạng VQG này liên tiếp có việc các cây gỗ quý bị chặt hạ vô tội vạ và VQG vẫn "chảy máu"?
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nam Dũng - Thành Nam
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu, từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/2/2025, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nam Dũng
18:32 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, Công an quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) vừa phát đi thông tin khuyến cáo người dân không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận khủng, sau vụ Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips, 30 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng khiến hàng nghìn người dân bị mất trắng tài sản.
TK
13:56 12/12/2024Văn Thanh
12:35 12/12/2024Trần Lê
20:21 11/12/2024Trung Hà
15:34 11/12/2024Văn Thanh
14:45 11/12/2024Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý
Trần Quý
Kim Thành
Thái Hải
Ngọc Phó
Nam Dũng
Đông Hà
TC