Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cư dân mâu thuẫn ngày càng gay gắt với chủ đầu tư, vì đâu nên nỗi?

Hoàng Nam

Chủ nhật, 23/04/2023 - 21:30

(Thanh tra) - Được miêu tả “tầm nhìn panorama không bị che chắn, mang đến cho cư dân một ngày mới ngập tràn sinh khí hay những chiều hoàng hôn lộng gió, tạo nên điểm nhấn và không gian sống cân bằng mà hiếm dự án nào có được”, Phú Thịnh Green Park “sống xanh, ở an lành” trên thực tế mang đến cho cư dân sự hoang mang, bức xúc.

Cư dân tại chung cư Phú Thịnh Green Park phản đối chủ đầu tư về các chính sách bất hợp lý và phương pháp làm việc bất hợp tác. Ảnh do cư dân cung cấp

Báo Thanh tra nhận được đơn của tập thể cư dân chung cư Phú Thịnh, phản ánh việc chủ đầu tư (CĐT) tòa nhà là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Phú Thịnh (Công ty Phú Thịnh) có hành vi ép buộc cư dân để thu nhiều khoản tiền vô lý, cao bất thường.

An lành đâu chưa thấy, chỉ thấy “chặt chém”

Đại diện Công ty Nước sạch Hà Đông cho biết, đã được mời tham gia cuộc họp giữa đại diện cư dân, CĐT với đại diện chính quyền địa phương và đã nắm được các nội dung thu tiền này.

Công ty Nước sạch Hà Đông không quy định thu và cũng không ủy quyền cho CĐT thu hộ bất kỳ khoản tiền nào đối với khách hàng khi ký hợp đồng mua nước.

Trước khi chủ các căn hộ ký hợp đồng mua bán trực tiếp với các công ty điện, nước, việc sử dụng điện, nước hàng ngày của các gia đình được CĐT thu khoán với mức là 55.000 đồng/ngày.

Đối với hợp đồng mua điện, các chủ hộ có thể dễ dàng ký với Công ty Điện lực Hà Đông và thanh toán tiền điện hàng tháng trực tiếp.

Tuy nhiên, việc mua được nước sạch với Công ty Nước sạch Hà Đông thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Trong hợp đồng mua bán căn hộ, tại điểm g, khoản 2, Điều 5 (quyền và nghĩa vụ của bên bán) quy định, bên bán có nghĩa vụ hướng dẫn và hỗ trợ bên mua ký hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp…

Để nhận được sự “hỗ trợ” của CĐT trong việc xác nhận vào hồ sơ mua nước, mỗi chủ hộ phải nộp 2 triệu đồng với lý do là “nộp phí lắp đặt điện nước”. Nhiều chủ hộ đã nộp và đã ký được hợp đồng mua nước với Công ty Nước sạch Hà Đông với giá nước sinh hoạt bình thường, còn những hộ không nộp số tiền trên, yêu cầu CĐT phải giải trình chi tiết các nội dung chi, thì phải mua nước qua CĐT và bị áp mức giá là 25.378 đồng/m3.

CĐT chung cư Phú Thịnh tự ý áp giá bán nước 25.378đồng/m3 cho các hộ dân. Ảnh do cư dân cung cấp

Ngoài ra, các khoản thu phí dịch vụ và tiền phí gửi xe tại tòa nhà, CĐT và đơn vị quản lý vận hành, mặc dù trên bảng giá niêm yết đã bao gồm thuế VAT, nhưng khi cư dân nộp tiền, CĐT không xuất hóa đơn cho cư dân. Khi được người dân đòi hỏi phải có hóa đơn, thì đơn vị quản lý vận hành lại yêu cầu phải đóng bổ sung 10% thuế VAT.

Những chiêu trò hăm dọa

Hợp đồng mua bán dự kiến thời điểm bàn giao căn hộ là quý II/2021, nhưng phải hơn 1 năm sau, tức là tháng 9/2022, CĐT mới chính thức bàn giao căn hộ cho người mua nhà. Trong thời gian trước khi bàn giao chính thức, các hộ gia đình đã chuyển về sinh sống được CĐT “ưu ái” áp giá dịch vụ ở mức 6.000 đồng/m2/tháng (mức tối thiểu ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ). Sau khi CĐT thông báo chính thức bàn giao nhà áp luôn giá dịch vụ mới là 7.150 đồng/m2/tháng, dù theo phản ánh của các hộ dân là chất lượng dịch vụ không hề được cải thiện và ở tình trạng kém.

Trước những phản ứng của cư dân về mức phí dịch vụ mới, CĐT thông báo với cư dân rằng nếu cư dân không nộp phí dịch vụ thì sẽ bị cắt điện, vì công ty không có tiền nộp cho Công ty Điện lực Hà Đông.

Khi cư dân tra cứu và thử nộp tiền điện “hộ” CĐT qua ứng dụng trực tuyến thì nhận được thông báo mã khách hàng của CĐT không nợ cước, chưa đến kỳ thanh toán tiếp theo, tức là đã hoàn thành việc thanh toán và nội dung thông báo của CĐT chỉ đơn thuần là hù dọa người dân để thu tiền phí dịch vụ.

Không chịu đóng tiền lắp điện nước, cư dân chung cư Phú Thịnh bị CĐT cắt nước, đe dọa. Ảnh do cư dân cung cấp

Trở lại việc CĐT yêu cầu mỗi hộ gia đình phải đóng 2 triệu đồng mới ký xác nhận để được mua nước sinh hoạt, các hộ không đóng, ngoài việc bị áp giá nước kinh doanh là 25.378 đồng/m3, còn bị CĐT cắt nước. Liên tiếp vào hai ngày 16 và 17/2/2023, đơn vị quản lý vận hành đã cắt nước của một số căn hộ tại rải rác các tầng để gây sức ép cho các hộ này phải đóng phí dịch vụ, đồng thời bố trí lực lượng vệ sĩ ở khu vực hành lang các tầng bị cắt nước và trực gác tại phòng kỹ thuật.

Lực lượng bảo vệ chốt chặn tại phòng kỹ thuật điện, nước, tầng 12A, chiều ngày 10/4/2023, khi toàn bộ các căn hộ tại đây bị cắt nước sinh hoạt. Ảnh do cư dân cung cấp.

Đỉnh điểm là vào chiều tối ngày 10/4/2023, CĐT đã cắt nước sinh hoạt của toàn bộ các căn hộ tại tầng 12A. Để đảm bảo cư dân không thể sử dụng nước, có 6 bảo vệ mặc đồng phục được bố trí đứng chặn cửa phòng kỹ thuật điện, nước của tầng này. Sự việc này đã tạo ra sự bức xúc rất lớn trong cộng đồng dân cư tại đây.

Trước đó, sáng ngày 9/4/2023, có 6 thanh niên cao to đã đến gõ cửa một số căn hộ (là những hộ chưa đóng 2 triệu tiền phí lắp đặt điện, nước và có nhiều phát biểu khi đối thoại với CĐT) để đe dọa, thậm chí dọa giết nếu tiếp tục tụ tập, chống đối. Khi cư dân đến gặp ban quản trị, CĐT đề nghị được trích xuất dữ liệu camera an ninh để xác minh và báo cáo chính quyền địa phương, thì không hiểu vì lý do gì, CĐT thì đùn đẩy, ban quản trị tòa nhà thì nhất định không đồng ý cho trích xuất dữ liệu camera.

Phóng viên Báo Thanh tra đã nhiều lần liên hệ với Công ty Phú Thịnh để xác thực các nội dung đơn thư, nhưng đều nhận được sự thoái thác, né tránh làm việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm