Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngân Nga
Thứ năm, 08/06/2023 - 19:55
(Thanh tra) - Nguyên đơn là bà Lê Thị Th. không xác định được vị trí đất mua nằm ở đâu, diện tích bao nhiêu, không chứng minh được yêu cầu khởi kiện. Hơn thế, các loại giấy tờ, thủ tục sang nhượng đất dù không hợp lệ nhưng cả 2 cấp tòa vẫn phán quyết bà Lê Thị Th. thắng kiện. Liệu hội đồng xét xử có quá “ưu ái” cho nguyên đơn?
Căn nhà ông Vĩnh xây dựng bị dở dang vì TAND tỉnh Lâm Đồng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tới 5 năm. Ảnh: Ngân Nga
“Oan gia” từ trên trời rơi xuống
Ông Nguyễn Hữu Vĩnh (trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) cho biết, năm 2016, vợ chồng ông nhận chuyển nhượng từ ông Ngô Tấn Quang (trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thửa đất 296 thuộc một phần thửa đất 19 và 20, tờ bản đồ số 14, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Sau đó, ông Vĩnh được xác nhận vào trang số 03 trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số CD506232. Khi thực hiện xong thủ tục, ông Vĩnh xây dựng nhà ở một phần và một phần cho phòng vé máy bay thuê lại. Tuy nhiên, giữa năm 2017, khi ông đang thi công nhà ở thì bỗng dưng bị TAND tỉnh Lâm Đồng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì tài sản đang tranh chấp.
Lý do áp dụng biện pháp khẩn cấp là do bà Lê Thị Th. (trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) khởi kiện ông Ngô Tấn Quang yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng công nhận 135m2 đất tọa lạc tại cổng Sân bay Liên Khương, huyện Đức Trọng, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà; yêu cầu hủy GCNQSDĐ mà UBND huyện Đức Trọng cấp cho ông Quang và ông Vĩnh.
Được biết, năm 1997, ông Quang trúng đấu giá thửa đất số 20, thuộc tờ bản đồ số 14, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Năm 1999, ông Quang mua thêm thửa 19 kế bên của ông Bùi Văn Chấn với tổng diện tích 2 thửa 295m2.
Sau đó, ông Quang nhập 2 thửa lại và tách thành 5 lô nhỏ theo chiều ngang (các lô này được gọi theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5), ông Quang làm nhà lô số 1, 2.
Năm 2000, ông Quang bán cho bà Lê Thị Th. lô số 4 và 5 bằng giấy tay với diện tích khoảng 60 - 70m2. Năm 2004, ông Quang bán lô số 3 (lô giữa) cho ông Nguyễn Phúc Thắng với diện tích còn lại khoảng 67,5m2. Ông Thắng sau đó bán lại cho ông Vĩnh.
Do diện tích nhỏ không đủ để cấp GCNQSDĐ mới nên ông Vĩnh đề nghị ông Quang nhập lô số 3 vào lô số 4, số 5 (đã bán cho bà Th.) để được cấp sổ. Ông Quang đồng ý và xin Nhà nước điều chỉnh thửa 19, 20 thành 2 thửa mới là 295 (lô 1, 2) và thửa 296 (lô 3, 4, 5).
“Ông Quang khi đó có nói với tôi, 2 lô số 4 và số 5 năm 2000 tuy đã bán cho bà Th. nhưng từ khi bán tới nay không thấy bà ấy đã động gì đến thửa đất này. Bây giờ nếu không nhập lô của tôi lại thì bà Th. cũng không đủ diện tích ra sổ được. Trước mắt cứ nhập vào để ra sổ, sau này tôi sẽ làm việc với bà Th. bán lại cho ông, yên tâm đi, vì tôi và bà Th. là chỗ thân quen nói không vấn đề gì hết”, ông Vĩnh thông tin.
Sau khi được cấp GCNQSDĐ, ông Quang và ông Vĩnh ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 296 như đã thỏa thuận hứa mua bán trước đó với diện tích 127,1m2. Đến năm 2017, trong khi đang xây dựng nhà ở thửa 296 thì nhận được thông báo buộc dừng thi công để giải quyết tranh chấp theo đơn khởi kiện của bà Th.
Qua tìm hiểu được biết, ngày 2/6/2017, bà Th. gửi đơn khởi kiện ông Quang, yêu cầu tòa công nhận cho bà phần đất diện tích thuộc thửa 19 có nguồn gốc từ ông Bùi Văn Chấn. Điều đáng nói, phần yêu cầu của bà Th. không đúng với vị trí lô số 4 và lô số 5 mà ông Quang lập giấy tay bán cho bà Th.
Đến năm 2022, bất ngờ bà Th. nộp đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung, với nội dung hoàn toàn mới, đó là tranh chấp toàn bộ lô 296, trong đó bao gồm lô đất của ông Vĩnh. Ngay sau đó, TAND tỉnh Lâm Đồng tiến hành xét xử và tuyên án lô đất 296 thuộc về bà Th.
Điều lạ thường, đơn khởi kiện và các văn bản ghi lời khai năm 2017 của bà Th. cũng như các chứng cứ, lời khai trước tòa của bị đơn, của luật sư và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bị hội đồng xét xử bác bỏ. Chỉ công nhận duy nhất đơn khởi kiện bổ sung của bà Th. năm 2022 và tuyên bà Th. là người sử dụng hợp pháp thửa 296, hủy GCNQSDĐ của ông Quang và ông Vĩnh.
Theo đó, cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng và TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy GCNQSDĐ thửa 296; công nhận bà Th. được quyền liên hệ cơ quan liên quan để cấp GCNQSDĐ mới, khiến ông Vĩnh bị “oan gia” từ trên trời rơi xuống. Bởi thửa đất mua hợp pháp bỗng dưng bị tòa án “trao tay” cho người khác.
Trong nhiều văn bản nộp tại tòa án năm 2017, bà Th. thừa nhận chỉ mua 2 lô số 4 và 5 từ ông Quang vào năm 2000 với giá 180.000.000 đồng. Từ khi ký giấy sang nhượng bà Th. không tiến hành nhận đất, không quản lý, sử dụng, bỏ mặc 17 năm không thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.
Điều đáng ngạc nhiên, việc mua bán giữa bà Th. và ông Quang là giấy tay, không có công chứng, chứng thực, không có số lô, số thửa và không ghi diện tích là bao nhiêu. Ngược lại, việc mua bán của ông Vĩnh và các bên có hợp đồng công chứng, đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, hội đồng xét xử cố tình “phủi” toàn bộ chứng cứ có tính pháp lý cao hơn và công nhận một tờ giấy tay vô hiệu.
Ngoài ra, ông Vĩnh còn thắc mắc, vì sao nguyên đơn khai mua 2 lô đất, hội đồng xét xử, thẩm phán Bùi Hữu Nhân lại công nhận cho bà Th. 3 lô? Đơn yêu cầu hủy thửa 296, hội đồng xét xử tuyên hủy thửa 19 cũ? Điều đó khiến diện tích đất nằm ngoài phạm vi bị kiện cũng bị ảnh hưởng, nếu bà Th. thắng kiện làm sao có thể thi hành án?
Có dấu hiệu áp dụng sai điều luật để “ưu ái” cho nguyên đơn?
Liên quan đến vụ việc, ngày 30/3/2023, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP HCM đã có văn bản đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án số 20/2023/DS-PT ngày 16/1/2023 của TAND Cấp cao tại TP HCM.
VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng điểm b.1 và b.2, tiểu mục 2.3, mục 2, phần 11, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để công nhận “giấy sang nhượng đất xây nhà ở” ngày 7/9/2000 giữa ông Quang và bà Th. là áp dụng không đúng điều luật, vì thửa đất 296 mà các bên giao dịch không có các giấy tờ theo quy định tại tiểu mục trên và trên đất không có nhà cửa, cây trồng hay tài sản gì khác.
Do đó, đã vi phạm điều cấm được quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đất đai năm 1993: “Không được chuyển quyền sử dụng đất trong những trường hợp sau đây: 1) Đất sử dụng không có giấy tờ hợp pháp”. Điều đó được chứng minh qua giấy sang nhượng đất xây dựng nhà ở giữa ông Quang và bà Th. lập ngày 7/9/2000 không công chứng, chứng thực nên hợp đồng này bị vô hiệu.
VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định: Bản án sơ thẩm và phúc thẩm công nhận giấy tay sang nhượng ngày 7/9/2000 theo đơn khởi kiện của bà Th. là trái quy định của điều luật nêu trên; đồng thời vi phạm Điều 691, 693, 697 Bộ luật Dân sự năm 1995, có sai lầm trong áp dụng pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Quang và gia đình ông Vĩnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.
Thanh Giang - Trang Nhung
08:00 21/11/2024(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA
Phương Anh