Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chấn chỉnh khai thác khoáng sản tại núi Phá Cụm

Xuân Thống

Thứ ba, 07/09/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là địa phương có trữ lượng khoáng sản, nhất là đá trắng phong phú bậc nhất của tỉnh. Sự phát triển của các ngành khai thác khoáng sản đã và đang đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, trước mắt, các cơ quan chức năng Nghệ An cần có biện pháp mạnh tay, tránh tình trạng “phạt để tồn tại”, gây bức xúc trong nhân dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang ông Trần Văn Bảy khai thác khoáng sản trái phép tại núi Phá Cụm. Ảnh: Xuân Thống

“Điểm nóng” Phá Cụm

Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Quỳ Hợp tập trung nhiều ở các xã: Châu Lộc, Thọ Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng, Liên Hợp, Châu Thành, Châu Quang, Châu Cường, Tam Hợp, Nghĩa Xuân, Minh Hợp và Đồng Hợp. Riêng tại xã Châu Lộc, tình trạng này diễn ra khá phổ biến và kéo dài trong nhiều năm qua. Ở mỏ đá trên núi Phá Cụm (còn được gọi là Pá Củng) từ nhiều năm trước đã là điểm nóng, thường diễn ra các vụ khai thác khoáng sản trái phép. Chính tại xã Châu Lộc, nhiều thời kỳ lãnh đạo xã phải nhận các hình thức kỷ luật do buông lỏng và thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND xã, trong nhiều năm qua, UBND huyện đã phối hợp với xã Châu Lộc kiểm tra, phát hiện và xử lý rất nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực núi Phá Cụm nói riêng.

Cụ thể, năm 2013, đoàn liên ngành kiểm tra khoáng sản của UBND huyện đã phát hiện ông Đào Xuân Đông, trú xóm Hợp Tâm, xã Tam Hợp có hoạt động khai thác đá trái phép tại khu vực núi Phá Cụm, đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính.

Tháng 7/2016, Công an huyện Quỳ Hợp đã tiến hành kiểm tra khu vực núi Phá Cụm đối với tổ hợp của ông Đào Xuân Dương tại khu vực núi này, đã phát hiện ông Hồ Văn Trị (làm việc cho ông Đào Xuân Dương) đang có dấu hiệu khai thác đá trái phép.

Tháng 1/2018, UBND xã kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Văn Hào, trú xóm Tân Tiến, xã Tam Hợp khai thác khoáng sản trái phép, nên đã lập biên bản vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng.

Tháng 4/2019, UBND xã kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Văn Hào khai thác khoáng sản trái phép, đã lập biên bản vi phạm và xử phạt 3 triệu đồng.

Tháng 3/2020, UBND xã kiểm tra, phát hiện ông Uông Bí Lâm, trú tại xóm TrườngTĩnh, xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh khai thác khoáng sản trái phép. Xã đã lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng.

Tháng 3/2021, UBND xã Châu Lộc tiếp tục kiểm tra khu vực núi đá Phá Cụm, phát hiện ông Lâm khai thác khoáng sản trái phép, xã lập biên bản vi phạm và quyết định xử phạt 4 triệu đồng.

Theo ông Vi Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, ngoài các vụ việc được lực lượng chức năng huyện và xã phát hiện, thì tại núi đá Phá Cụm, UBND xã Châu Lộc và UBND huyện Quỳ Hợp đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực núi đá Phá Cụm xảy ra nhỏ lẻ và không liên tục, kéo dài.

Núi Phá Cụm, nơi nhiều lần bị các đối tượng khai thác đá trái phép. Ảnh: Xuân Thống

“Lỗ hổng” trong quản lý

Mỏ đá ở núi Phá Cụm nằm liền kề khu dân cư xóm Kèn, xã Châu Lộc, và để lên được núi chỉ có một con đường. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên ở đây không có gì khó khăn. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại mỏ này cứ lặp đi lặp lại, khiến dư luận hoài nghi: Phải chăng, các lần ra quân, kiểm tra xử lý vi phạm còn mang tính hình thức, thiếu sự giám sát, theo dõi, mà thực chất là “phạt cho tồn tại”?

Điển hình, đầu năm 2021, sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Châu Lộc, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo đoàn liên ngành của huyện phối hợp với UBND xã tiến hành kiểm tra tại khu vực núi Phá Cụm, phát hiện ông Lê Hùng Cường, trú xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp, khai thác khoảng 20m3 đá bloc và 100m3 đá hộc; 1 máy xúc; 1 khu vực lán trại có diện tích khoảng 500m2. Ông Cường thừa nhận số đá trên do ông khai thác, đoàn đã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc khai thác, đưa toàn bộ máy móc ra khỏi khu vực, đồng thời giao cho UBND xã kiểm tra, giám sát và quản lý...

Nhưng đến ngày 18/6/2021, đoàn liên ngành lại bắt quả tang ông Trần Văn Bảy (1970, trú xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) đang tổ chức khai thác khoáng sản trái phép với quy mô lớn chưa từng có. Lực lượng công an tỉnh tạm giữ 5 máy xúc đào, 1 ô tô tải, 6 máy cắt đá, 2 máy nén hơi, 2 máy khoan, 854m3 đá trắng.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn có 73 điểm mỏ, 158 xưởng chế biến khoáng sản, 96 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; có nhiều khu vực, điểm khoáng sản nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp không có nhu cầu xin cấp phép, nhưng có nguy cơ khai thác trái phép rất lớn. Hoạt động khai thác trái phép của một số đối tượng rất tinh vi, phức tạp, thường cử người để theo dõi, dùng ô tô tải trọng lớn chặn đường, khóa cổng không cho đoàn kiểm tra vào mỏ, tháo ắc quy làm chết máy, tẩu tán tang vật, bỏ chốn khỏi khu vực mỏ...

Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, UBND huyện chưa được cấp trên hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường (kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm). Từ năm 2013 đến nay, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 153/2013, thì tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường phải nộp vào ngân sách Nhà nước (không được trích trở lại để chi cho hoạt động quản lý Nhà nước).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm