Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các hộ dân bị chính quyền xã “bỡn cợt” đến khi nào?

LP

Thứ tư, 20/07/2022 - 16:41

(Thanh tra) - Chưa kịp "hoàn hồn" vì quyết định cắt điện phục vụ cưỡng chế thực hiện Kế hoạch 93a, các hộ dân thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên lại chết lặng khi nhận được quyết định cưỡng chế của chính quyền xã.

Sống ngay gần trụ sở UBND xã, nhưng các hộ dân thôn Chí Trung, xã Tân Quang phải chịu cảnh tối tăm không điện đóm trong những ngày nắng nóng đầu hè 2022. Ảnh: LP

Điều đáng nói, trong 3 năm qua, việc liên tục ban hành các quyết định hành chính về việc cưỡng chế, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân trong xã được UBND xã Tân Quang ban hành ngẫu hứng, tùy tiện, trái quy định pháp luật. Việc làm này đã được người dân có đơn gửi lên chính quyền các cấp nhưng vẫn bị làm ngơ.

Thêm một lần “đe” cưỡng chế

Đang yên ổn miệt mài mưu sinh sau ảnh hưởng khốc liệt của dịch bệnh, hộ gia đình ông Bùi Văn Tuấn, Bùi Văn Đương, Bùi Văn Tỉnh và 4 hộ gia đình khác nhận được Thông báo số 90/TB-UBND của UBND xã Tân Quang về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các gia đình.

Phần căn cứ của Thông báo này có dẫn chiếu Quyết định số 100/QĐ-CCXP ngày 03/6/2019 của UBND xã Tân Quang về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

UBND xã Tân Quang đã căn cứ vào các văn bản: Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép năm 2017; Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 03/5/2017 của UBND huyện Văn Lâm về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép năm 2017.

Đối tượng xử lý vi phạm các kế hoạch trên hướng tới là các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi xây dựng trái phép sau khi UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/3/2016.

Ông Đương cho biết, đây là lần thứ 3, các hộ gia đình nhận được thông báo cưỡng chế của UBND xã Tân Quang. Trước đó, năm 2019, UBND xã Tân Quang đã yêu cầu Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp (SXKD - DVNN) xã Tân Quang cắt điện của gần 30 hộ dân, trong đó có hộ gia đình ông để phục vụ công tác cưỡng chế. Ông và các hộ gia đình khác phải chịu cảnh mất điện trong gần 3 tháng trời, khổ sở và tổn thất kinh tế lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tiếp đến, ngày 24/9/2021, UBND xã Tân Quang ban hành Kế hoạch chi tiết số 24/KH-UBND về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi.

Mục 11 phần IV phân công nhiệm vụ của kế hoạch này có nội dung đề nghị Hợp tác xã SXKD - DVNN xã Tân Quang ngừng cung cấp điện đối với các trường hợp giải tỏa theo kế hoạch.

Tiếp đó, ngày 12/4/2022, UBND xã Tân Quang tiếp tục ban hành Công văn số 28 về việc đề nghị ngừng cung cấp điện đối với các hộ dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Quang gửi Hợp tác xã SXKD - DVNN xã Tân Quang tiếp tục cắt điện 22 hộ dân trong đó có hộ gia đình của ông Đương phục vụ công tác cưỡng chế.

Chỉ sau khi có thông báo cưỡng chế ít ngày, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang Bùi Văn Thông lại ký thông báo tạm dừng tổ chức cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ảnh: LP

Để thực hiện chỉ đạo của UBND xã Tân Quang, Hợp tác xã SXKD - DVNN xã Tân Quang cắt điện của 22 hộ dân trong 7 ngày (kể từ ngày 19/4/2022 đến ngày 26/4/2022). Nhiều hộ gia đình phải mua máy phát điện để đảm bảo cuộc sống, trong đó có hộ dân có phụ nữ mới sinh con được 4 ngày.

Điều đáng nói là, chỉ sau đó ít ngày, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang Bùi Văn Thông lại ký thông báo tạm dừng tổ chức cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Lý do tạm dựng là chưa đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau khi tổ chức cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

“Việc "đe" cưỡng chế nhiều lần bằng cắt điện, ra văn bản... gây ra những tổn thất rất lớn cho nhân dân chúng tôi, nhất là khi chúng tôi chưa kịp hồi phục lại vì dịch bệnh. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chúng tôi luôn bị chính quyền đe dọa”, đại diện một hộ dân cho biết.

Cưỡng chế 3 không

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Thông báo số 90/TB-UBND của UBND xã Tân Quang về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các gia đình ở thôn Ngọc Đà đủ cấu thành quyết định cưỡng chế 3 không: Không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục và không thể thực thi.

Thứ nhất, về thẩm quyền, theo phần căn cứ của Thông báo số 90 thì Quyết định số 100/QĐ-CCXP ngày 03/6/2019 do UBND xã ban hành là trái thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế được quy định tại điểm a khoản 1 điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Bởi lẽ, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch UBND các cấp, không phải là UBND xã Tân Quang. Do đó, người có thẩm quyền ban hành và tổ chức thi hành cưỡng chế không phải là UBND xã Tân Quang mà phải là Chủ tịch UBND xã Tân Quang.

Thứ hai, về trình tự thủ tục, UBND xã Tân Quang đã không lập Biên bản vi phạm hành chính; không giao Quyết định cưỡng chế cho người bị chịu chế tài. Việc làm này trái với quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của luật này.

Và khoản 1 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới”.

Quyết định cưỡng chế được ban hành từ năm 2019 nhưng đến nay, các hộ gia đình đều chưa nhận được quyết định này.

Thứ ba, không thể thực thi là bởi vì về bản chất, việc xác định đối tượng và nội dung của quyết định cưỡng chế là “có vấn đề”.

Trụ sở UBND xã Tân Quang. Ảnh: LP

Ông Bùi Văn Tuấn cho biết, gia đình sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ghi nhận mục đích sử dụng là “đất nông nghiệp khác”.

Thực hiện Quyết định số 137A/QĐ-UBND ngày 23/5/2012 của UBND huyện Văn Lâm về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Quang đến năm 2020, từ những năm 2012 - 2013, gia đình xây dựng công trình trên đất để phục vụ mục đích nông nghiệp là phù hợp với quy định pháp luật.

“Tôi đã xây dựng công trình trên đất đúng với mục đích sử dụng đất từ trước khi UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/3/2016 nên không thuộc đối tượng cần xử lý theo Kế hoạch 93a/KH-UBND và Kế hoạch số 48/KH-UBND nêu trên”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, sau nhiều năm trồng trọt, chăn nuôi nhưng liên tục thua lỗ vì đất xấu và ô nhiễm môi trường do gần các khu công nghiệp và nhà máy, xưởng sản xuất; gia đình ông cùng nhiều hộ dân xung quanh (cũng có đất nông nghiệp khác) đã chuyển sang kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, sản xuất hàng hóa theo mô hình gia trại, trang trại, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống nông thôn… Điều này phù hợp với Quyết định số 137A của UBND huyện Văn Lâm. Bởi lẽ, đến năm 2020, khu vực các hộ dân đang sinh hoạt sẽ được chuyển sang đất kinh doanh dịch vụ, phát triển mạnh công nghiệp dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển nhanh và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập của dân cư nông thôn.

“Tôi cùng nhiều hộ dân khác đã có đơn gửi UBND xã Tân Quang và UBND huyện Văn Lâm về việc chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu và chủ trương của huyện. Ngày 11/10/2017, UBND huyện Văn Lâm có Thông báo 728/TB-UBND về việc xử lý, giải quyết đơn thư, đã hướng dẫn các hộ dân liên hệ với UBND xã Tân Quang làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nhưng UBND xã Tân Quang không có bất kỳ phản hồi là chưa làm tròn nhiệm vụ, quyền hạn của mình và trái Thông báo 728, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và các hộ dân khác. Đối chiếu quy định pháp luật, hộ gia đình chúng tôi không thuộc bất kỳ trường hợp nào. Chúng tôi không vi phạm quy định Luật Điện lực, Luật xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng điện”, ông Tuấn bức xúc.

Theo các hộ dân thôn Ngọc Đà, việc áp dụng biện pháp cắt điện, chính là xâm phạm quyền con người và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Điện là nhu cầu thiết yếu của con người, việc cắt điện không chỉ không tác động đến những người bị áp dụng biện pháp mà cả những người sinh sống, làm việc cùng địa chỉ, trong đó có trẻ sơ sinh, phụ nữ mới sinh được 4 ngày như kể trên.

Mặt khác, cung cấp dịch vụ điện là việc giao kết và thực hiện hợp đồng giữa bên cung cấp dịch vụ điện với khách hàng được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Ở đây, UBND xã Tân Quang đã lạm quyền mà can thiệp quá sâu vào giao dịch dân sự hợp pháp. Đồng thời, theo quy định pháp luật, các cơ quan nhà nước chỉ được phép thực hiện các công việc trong thẩm quyền mà pháp luật quy định. Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định rất nhiều biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không có bất kỳ biện pháp nào là cắt điện hay cắt nước của người dân để phục vụ cưỡng chế. UBND xã Tân Quang căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào để ban hành các văn bản trên, để yêu cầu cắt điện của các hộ dân.

Việc bất chấp ban hành các văn bản trái quy định pháp luật của UBND xã Tân Quang chính là những nguồn cơn dẫn đến bức xúc của người dân thời gian qua khiến đơn thư vượt cấp kéo dài. Thiết nghĩ, cần một cuộc thanh tra toàn diện để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm