Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ ba, 22/08/2023 - 14:21
(Thanh tra)- Các đoàn kiểm tra, thanh tra của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quá trình làm việc đều cho rằng Thanh Hóa quy định đấu giá đối với khoáng sản cát xây dựng R = 20% đã làm giá vật liệu tăng cao và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Các nhà đầu tư trúng đấu giá các mỏ khoáng sản, trong đó có 2 mỏ cát ở huyện miền núi Bá Thước và Mường Lát với giá cao ngất ngưởng. Ảnh: VT
Đấu giá cao rồi bỏ cọc làm “nhiễu” thị trường giá vật liệu xây dựng
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giá cả vật liệu xây dựng (VLXD) đất, đá, cát tăng “phi mã”, giá thực tế thị trường một đằng, giá công bố của liên ngành Xây dựng - Tài chính lại đưa ra thấp hơn so với thực tế, khiến nhiều doanh nghiệp đấu thầu làm công trình vốn Nhà nước lao đao, không dám làm, vì càng làm càng lỗ, dẫn đến tiến độ các dự án chậm, giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Một trong những nguyên nhân làm giá VLXD tăng cao trong thời gian qua là do ngày 17/8/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND về quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Tại Điều 3 giá khởi điểm, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với cát làm vật liệu xây dựng (trừ cát nhiễm mặn) áp dụng R = 20%.
Trong khi đó, Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định tính mức thu tiền cấp quyền vật liệu cát, sỏi lòng sông R chỉ = 5%. Như vậy, Thanh Hóa đưa ra mức giá khởi điểm cao gấp 4 lần so với quy định của Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là mức giá quá cao, khiến các mỏ cát đấu giá trong thời gian qua bị đẩy giá lên cao, nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không dám đầu tư khai thác, phải trả lại mỏ cho Nhà nước.
Điển hình, ngày 16/2/2023, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản Thanh Hóa đã công bố kết quả trúng đấu giá đối với 10 mỏ khoáng sản, trong đó mỏ cát xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, diện tích mỏ 21,6ha được đưa ra đấu giá với mức R = 20% và được nhà đầu tư trả giá trúng tăng 156%.
Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá chủ đầu tư đã phải chấp nhận mất tiền đặc cọc và xin hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát này vì giá trúng quá cao. Nhiều người dân và doanh nghiệp cho rằng, việc đưa ra mức giá khởi điểm đấu giá mỏ cát cao gấp 4 lần so với Nghị định 67 của Chính phủ cùng với việc đấu giá, trả giá đội lên cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đã làm “nhiễu” thị trường cát trong thời gian qua.
Mới đây nhất, ngày 17/8/2023, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản Thanh Hóa đấu giá 6 mỏ khoáng sản (3 mỏ đất, 3 mỏ cát), trong đó 3 mỏ cát vẫn được Thanh Hóa đưa ra mức giá khởi điểm R = 20%.
Kết quả trúng đấu giá, mỏ cát xã Mường Lý - Trung Lý, huyện Mường Lát được Công ty TNHH Rạng Đông trả giá tăng gấp 11 lần so với giá khởi điểm với mức R = 226,6%; mỏ cát xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước được nhà đầu tư trả giá tăng gấp 9,5 lần với mức R = 190; riêng mỏ cát xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy đấu giá không thành công do các mức giá của các nhà đầu tư đưa ra không đủ điều kiện theo quy định.
Theo đánh giá của các chuyên gia và các doanh nghiệp tham gia đấu giá các mỏ khoáng sản, việc các nhà đầu tư trả giá mỏ cát quá cao, cộng với khi đấu giá ở các mỏ cát, cùng với giá khởi điểm đưa ra đấu giá cao rồi các nhà đầu tư trúng đấu giá bỏ cọc, không nộp tiền trúng đấu giá đã làm “nhiễu” thị trường các cuộc đấu giá, khiến thị trường giá cát ở Thanh Hóa bị đảo lộn, tăng cao như hiện nay.
Sở Tài nguyên và Môi trường ký Tờ trình đề nghị thay thế các quy định cũ
Trước đó, ngày 25/4/2023 và ngày 22/5/2023, Báo Thanh tra đăng bài: “Đấu giá mỏ cát, tỉnh Thanh Hóa có đi ngược lại với Nghị định 67 của Chính phủ?” và “Thanh Hóa làm trái Nghị định 67 của Chính phủ vì tăng thu ngân sách?”, nội dung phản ánh về những vấn đề nói trên.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản ban hành tại Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh; đồng thời, ban hành Văn bản số 7007/UBND-KHTC ngày 22/5/2023 về việc giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, căn cứ quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan, rà soát, làm rõ sự phù hợp với quy định pháp luật hiện hành đối với các nội dung quy định tại Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh, đặc biệt là mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; có ý kiến tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh sửa đổi hoặc thay thế quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh…
Theo tờ trình của Sở TN&MT về việc thay thế quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017, hiện nay có một số nội dung trong quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh không còn phù hợp với các quy định mới của pháp luật, cụ thể: Từ năm 2010, trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 2261/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 ban hành quy chế tạm thời về việc “đấu giá quyền khai thác cát, sỏi, đất và đá làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh”.
Theo đó đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản các mỏ cát với giá khởi điểm là 20% trữ lượng khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác phải trả cho Nhà nước nhằm tăng thu ngân sách, khuyến khích những đơn vị có năng lực tham gia đấu giá, hạn chế việc khai thác cát, sỏi lòng sông do tác động đến bờ bãi sông, hệ thống đê điều.
Đối với các mỏ cát đã được cấp phép trước khi ban hành quy chế tạm thời phải thực hiện xác định giá giao cấp quyền khai thác khoáng sản, để đảm bảo công bằng với các đơn vị trúng đấu giá, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 25/7/2011 trong đó quy định mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát là 20% giá trị trữ lượng khoáng sản.
Theo lý giải của Sở TN&MT, thời điểm UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 25/7/2011 thì Chính phủ chưa có Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì mới có quy định về mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R); đơn vị tính là phần trăm, theo đó đối với cát R = 4% (theo Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ thay thế Nghị định số 203/2013/NĐ-CP thì đối với cát R = 5%).
Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND ngày 8/1/2016 và Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017, trong đó mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và giá khởi điểm để đấu giá đối với khoáng sản cát làm VLXD thông thường (trừ cát nhiễm mặn) áp dụng R = 20%. Trong quá trình làm việc với các đoàn kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đoàn kiểm tra, thanh tra cho rằng UBND tỉnh Thanh Hóa quy định đối với khoáng sản cát xây dựng R = 20% đã làm giá VLXD tăng cao và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Sau khi lấy ý kiến của các ngành, địa phương, ngày 15/8/2023 Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm đã ký dự thảo tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để thay thế quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh, đưa mức mức thu tiền cấp quyền vật liệu cát, sỏi lòng sông R chỉ = 5%, đúng với quy định của Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều năm qua, cặp đôi nhà thầu thực hiện thi công dự án đầu tư xây dựng đường bao phía Nam, xã Thủy Sơn đã trở thành "nhà thầu quen" tại huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng, thường xuyên trúng thầu sát giá, có tỷ lệ tiết kiệm thấp cho Nhà nước.
(Thanh tra) - Trong khoảng 2 năm vừa qua, ông Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương khê, tỉnh Hà Tĩnh đã ký thay Chủ tịch hàng loạt quyết định, phê duyệt Công ty Hoàng Ngọc trúng các gói thầu do huyện làm chủ đầu tư. Đáng nói, 100% các gói thầu này có tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách không vượt quá 0,1%, dẫu cho tổng giá trị trúng thầu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Quang Dân
12:16 07/11/2024Nhóm PV
07:35 05/11/2024Cảnh Nhật
16:00 04/11/2024Thành Nam
20:29 03/11/2024Văn Thanh
T.Thanh
Cảnh Nhật
Ninh Toàn
Thu Huyền
Cảnh Nhật
Trần Kiên
Hương Giang
Hải Hà
Đức Tài
Quang Dân