Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư

Minh Tân

Thứ sáu, 22/09/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Những trụ sở không sử dụng, vắng người trông coi trở nên hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cũng như lãng phí tài sản công. Trong khi đó, việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công dôi dư còn chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Dù nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 1, nhưng trụ sở Chi cục Thuế huyện Vĩnh Linh hoang phế nhiều năm qua. Ảnh: Minh Tân

Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.300 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 63 cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng. Trong tổng số các trụ sở thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố cần phải được sắp xếp, xử lý như: Hướng Hóa có 362 trụ sở, Vĩnh Linh 350 trụ sở, Gio Linh có 273 trụ sở, TP Đông Hà có 160 trụ sở...

Ngoài các cơ sở nhà, đất do địa phương quản lý vẫn còn hơn 10 cơ sở nhà, đất do các cơ quan Trung ương quản lý đang bỏ hoang gây lãng phí như: Nhà khách Bộ đội Biên phòng tỉnh, trụ sở (cũ) Toà án nhân dân (TAND) TP Đông Hà, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị; 8 cơ sở nhà, đất do Công an tỉnh quản lý và một số cơ sở khác.

Điều đáng nói, đa phần những trụ sở này bỏ hoang phế trong thời gian dài, nhiều hạng mục không được bảo quản xuống cấp nghiêm trọng.

Ngay trên địa bàn thị trấn Hồ Xá, trung tâm huyện Vĩnh Linh cũng có hàng loạt trụ sở nằm ở vị trí “đất vàng” đang bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng, như: Chi cục Thuế huyện Vĩnh Linh, Phòng Văn hóa Thông tin huyện, trụ sở Công an huyện.

Tại huyện Gio Linh một phần trụ sở Công an huyện, Nhà khách UBND huyện, Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh Xã hội, TAND huyện và trụ sở Công an thị trấn cũ (trụ sở Kho bạc cũ)… toàn bộ đều hoang hóa, hư hỏng xuống cấp, không một ai trông coi kéo dài nhiều năm qua.

Còn ngay tại tuyến đường Điện Biên Phủ - Hùng Vương, TP Đông Hà là trụ sở TAND TP Đông Hà, với 2 mặt tiền và khoảng đất rộng, được ví như “khu đất vàng”. Thế nhưng, sau khi chuyển trụ sở mới vào năm 2015, trụ sở này không người trông coi, bảo dưỡng cũng rơi vào tình trạng hoang phế, xuống cấp và hư hỏng.

Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, căn cứ các nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 17/1/2020 về việc triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn.

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án xử lý 1.867 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố trên khoảng 2.300 cơ sở nhà, đất toàn tỉnh. Trong đó, đối với 1.867 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý có 1.682 cơ sở giữ lại tiếp tục sử dụng, 179 cơ sở điều chuyển, thu hồi 5 cơ sở nhà, đất và tạm giữ lại tiếp tục sử dụng 1 cơ sở. Trong số này, có 63 cơ sở nhà, đất được các huyện, thị xã, thành phố đề xuất phương án xử lý theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo lộ trình từ năm 2023 - 2026.

Tuy nhiên, việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn chưa đạt tiến độ so với lộ trình kế hoạch mà UBND tỉnh đặt ra. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp còn chậm trong công tác báo cáo kê khai các cơ sở nhà đất đang quản lý, sử dụng theo quy định. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng, chưa chỉ đạo quyết liệt về nội dung lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất.

“Thực trạng quản lý, sử dụng nhà đất tại một số cơ quan, đơn vị còn phức tạp và khó xử lý. Nhiều cơ sở nhà, đất tính pháp lý không đầy đủ về quyền sử dụng đất, tài sản trên đất. Bên cạnh đó, một số cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm hoặc bố trí sử dụng không phù hợp với mục đích được giao hoặc bỏ trống chưa có phương án sử dụng do dôi dư... cần nhiều thời gian để xử lý, có sự phối hợp của nhiều cơ quan, các ngành, các cấp”, bà Thanh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổng rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do tỉnh quản lý, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lập phương án xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng… do cấp địa phương quản lý theo hình thức bán đấu giá tài sản, trình UBND tỉnh xem xét để trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án theo đúng quy định hiện hành.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có ý kiến đối với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện quy trình xử lý đối với cơ sở nhà, đất đã được Bộ Quốc phòng thống nhất chuyển giao về tỉnh quản lý và Công an tỉnh lập phương án xử lý đối với cơ sở nhà, đất của Công an huyện Gio Linh để giao tỉnh quản lý, sử dụng. Đồng thời, các đơn vị như Ngân hàng Chính sách xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án, Điện lực tỉnh rà soát, lập phương án sử dụng các trụ sở trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả. Trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng, thực hiện các thủ tục để chuyển giao cho tỉnh quản lý, xử lý theo đúng quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm