Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ tất cả các quốc gia giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc từ năm 1991, nhưng đến nay trong thương mại và đầu tư, Việt Nam hầu như chưa được hưởng lợi nhiều. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường đông dân nhất thế giới không đáng kể, nhưng đến đầu thế kỷ XXI thì cán cân thương mại thâm hụt ngày càng rõ rệt. Năm 2005, nhập siêu từ Trung Quốc là 2,7 tỷ USD, sang năm 2013, con số này lên tới 23,7 tỷ USD. “Nếu quy mô thương mại hai chiều giữa hai nước được chia thành 3 phần thì Trung Quốc nhận được hai phần ba, còn Việt Nam một phần ba”, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Quốc gia (VCES) nhận định. Kim ngạch thương mại của Việt Nam so với Trung Quốc và các quốc gia, khu vực khác trong năm 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê Nghiên cứu của VECS chỉ ra một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng thô, sơ chế, trong khi nhập khẩu lại là hàng tinh chế (chiếm 85%). Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng đang sử dụng phần lớn công nghệ, nguyên liệu của Trung Quốc để phục vụ sản xuất, lên tới 80%.Một số quốc gia giàu tài nguyên hoặc có trình độ công nghiệp hóa thấp hơn Trung Quốc bị hấp dẫn bởi việc xuất khẩu tài nguyên, hàng hóa thô, sơ chế. Trong khi đó, Trung Quốc lại xuất khẩu thành phẩm có khả năng cạnh tranh rất tốt sang quốc gia xuất khẩu tài nguyên."Hậu quả là sản xuất công nghiệp của quốc gia xuất khẩu tài nguyên bị thu hẹp, thậm chí không thể phát triển được do bị gắn chặt vào việc xuất khẩu tài nguyên và các hàng hóa có hàm lượng kĩ thuật thấp. Về lâu dài, nền kinh tế sẽ mất khả năng cải thiện năng suất do sản xuất công nghiệp bị thui chột và thiếu đổi mới, sáng tạo”, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cảnh báo về cái bẫy của hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm, hay còn gọi là bẫy tự do hóa thương mại trong mối quan hệ Việt - Trung. Thương nhân Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu vào Việt Nam. Ảnh:China Daily Trong buôn bán tiểu ngạch, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cũng nhiều phen khốn đốn. Những ngày cuối tháng 3, hàng nghìn xe tải chở dưa hấu, thanh long đã bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn do phía Trung Quốc không chấp nhận thông quan. Điều này khiến thương lái phải chở dưa về bán trong nước với giá rẻ chỉ bằng một nửa mà vẫn lo không có người mua, phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng, Trước đó, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh có thời gian cũng bị đóng băng do một số thương nhân Trung Quốc tạm ngừng giao dịch."Những sự vụ bất thình lình này đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá hàng hàng hóa của Việt Nam, làm người nông dân điêu đứng", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.Không chỉ vậy, những năm gần đây Trung Quốc còn có những chiêu thu mua nông sản lạ. Họ gom từ đỉa, lá dừa khô, rễ cây đến lá khoai lang... với giá cao bất thường, khiến người dân đổ xô đi bán nhưng một thời gian sau lại mất tích. Tình trạng này khiến Bộ Công Thương phải chính thức lên tiếng cảnh báo về các trường hợp lợi dụng thu mua để triệt cây, gây bất lợi cho thị trường.Là đối tác thương mại lớn và lâu đời của Việt Nam, nhưng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ bé so với các quốc gia khác. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đến hết tháng 4/2013, các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư tại Việt Nam 7,8 tỷ USD, bằng 3% tổng vốn nước ngoài được cấp phép. Ở khía cạnh khác, tính đến hết quý I/2013, Việt Nam có 12 dự án đầu tư tại Trung Quốc, vốn đầu tư 13 tỷ USD, xếp thứ 27/59 quốc gia đang có sự hiện diện của doanh nghiệp trong nước.“Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam rất ít. Tình hình chỉ được cải thiện trong vài năm gần đây khi Việt Nam tham gia các tổ chức thương mại quốc tế và đang đẩy mạnh đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, bà Phạm Chi Lan phát biểu. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do Trung Quốc đã thắng thầu hầu như tất cả các công trình năng lượng, khai khoáng trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, những điều tiếng về nhà thầu Trung Quốc đang là điểm nhức nhối thời gian qua. Cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam đến cuối tháng 4/2014. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây dẫn báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đánh giá năng lực các nhà thầu cho hay, trong khoảng 45 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, có nhiều công ty của Trung Quốc như Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thi công đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Công ty Xây dựng Quảng Tây, Tổng công ty cầu đường Trung Quốc, Công ty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE - Trung Quốc). Đặc biệt, tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, con số nhà thầu Trung Quốc đưa ra đã bị đội vốn gần 100%, từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD.“Nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu bằng giá thấp, nhưng trong quá trình thực hiện họ lại đội giá lên, cuối cùng là mức giá công trình có thể đắt hơn nhiều so với trước. Đây là cách thức chơi không sòng phẳng”, bà Phạm Chi Lan bày tỏ.Giá rẻ cũng đi kèm với chất lượng thấp. Bà Phạm Chi Lan bày tỏ sự bức xúc khi nhiều công trình do nhà thầu Trung Quốc xây dựng xuống cấp nhanh chóng sau khi bàn giao, ngoài ra họ cũng đưa cả nhân công, thiết bị từ Trung Quốc sang trong khi là nhà thầu, họ phải thuê nhân công trong nước cũng như hạn chế sử dụng các thiết bị nhập.Do vậy, để đối phó với những hành vi kinh doanh bất lợi từ Trung Quốc, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho rằng Việt Nam cần phải tăng năng suất để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, từ đó hạn chế nhập thiết bị, máy móc. Điều này phải bắt đầu từ cải thiện môi trường đầu tư, giành nhiều ưu đãi hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập, cân bằng với những ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài…Triển khai mạnh mẽ hơn việc phát triển công nghiệp phụ trợ hướng vào thay thế hàng nhập khẩu, trên cơ sở gia tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chứ không hướng tới những ưu đãi nhất thời về thuế.Đồng thời, thiết lập ngay các hàng rào kĩ thuật đối với hàng hóa Trung Quốc, chẳng hạn quy định về biện pháp kiểm dịch động và thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm quy định về kiểm tra chứng nhận, dư lượng, bao bì, ghi nhãn sản phẩm; quy định về hóa chất, phụ gia; quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và nguồn lợiNgoài ra, để hạn chế tình trạng chảy máu tài nguyên, vị chuyên gia này đề xuất Việt Nam cần có chính sách khai khoáng hợp lý để tối đa hóa lợi nhuận của ngành. Đồng thời, xây dựng hệ thống thuế và phí tài nguyên cho phép Chính phủ tái phân bổ nguồn thu này một cách hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất. Thiết lập tài khoản kế toán tài sản và tham gia hệ thống minh bạch EITI để quản lý nguồn lợi thu được từ xuất khẩu tài nguyên.Về đầu tư, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động đầu tư vào các tỉnh Việt Nam nhằm tận dụng những ưu đãi đối với nước thành viên TPP mà Việt Nam đang tham gia đàm phán. Trong đó, với những ngành như dệt may, da giày, việc đầu tư nhà máy sẽ đặt Việt Nam trước thách thức quản lý việc xử lý nước thải công nghiệp bởi những ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp này đều là những ngành có mức độ ô nhiễm nặng nề. “Việt Nam cần rút ra bài học từ các sự vụ doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường trước đây”, bà Phạm Chi Lan nói.Để tránh chọn nhà thầu kém chất lượng, vị này cũng đề xuất Chính phủ cần chú trọng hơn đến vấn đề chất lượng, thay vì chỉ đề cao giá các nhà thầu đưa ra và phải mở rộng cho nhiều đối tượng nhằm chọn lựa đơn vị hợp lý nhất.“Đừng ham giá rẻ. Quan hệ kinh tế quá dễ dãi với Trung Quốc nhiều khi sẽ khiến Việt Nam phải gánh hậu quả”, bà nhấn mạnh.Theo Huyền Thư/VnExpress.net