Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tìm đâu ra sâm Ngọc Linh?

Thứ hai, 24/02/2014 - 09:56

(Thanh tra) - Từ lâu, người Xê Đăng sống ở vùng núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum, đã mật truyền một phương “thuốc giấu” được lấy về từ nơi núi thẳm, rừng sâu. Chẳng ai biết cây “thuốc giấu” có từ khi nào, chỉ biết nó được xem là “thần dược” chữa bách bệnh: Dùng để cầm máu, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng, tăng cường sức khỏe… Trải qua nhiều đời, bí mật về cây “thuốc giấu” luôn được người Xê Đăng bảo vệ, trân trọng như báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng.

Cây và củ sâm Ngọc Linh thật. Ảnh: Trung Đức

Người Xê Đăng trồng sâm

Theo lời những người lớn tuổi sống tại tỉnh Kon Tum, vào những năm kháng chiến chống Pháp, bí mật về cây “thuốc giấu” bắt đầu hé lộ khi các già làng đã chỉ cho những cán bộ hoạt động cách mạng tại vùng Bắc Tây Nguyên. Đó là cây sâm Ngọc Linh bây giờ. 

Trước đây, khi sâm Ngọc Linh chưa “nổi tiếng” thì ở vùng rừng núi này lượng sâm tự nhiên khá nhiều, nhưng thời gian gần đây khi nhiều người biết đến công dụng của nó, đã đổ xô vào rừng khai thác ồ ạt, làm cho sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
 
Anh A Đăng, dân tộc Xê Đăng, người dân sống ở làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, nhớ lại: “Hơn 15 năm về trước, mình thường theo cha mẹ vào rừng lấy sâm Ngọc Linh. Có chuyến đi rừng trúng cả bao tải, về chủ yếu để đun nước uống cho khoẻ, chứ chưa biết giá trị và tác dụng như bây giờ. Hồi đó, sâm rừng nhiều lắm, gần như nhà nào cũng có hàng bao tải phơi như sâm dây. Nhà mình còn đem sâm đổi cho thương lái, một kg sâm lấy vài kg gạo để ăn, nhưng bây giờ hiếm lắm, rất ít người tìm được sâm tự nhiên”. 

Anh Nguyễn Văn Thuận, một chủ cửa hàng chuyên buôn bán sâm tại xã Măng Ri cho biết: Giờ kiếm sâm tự nhiên rất khó. Người dân ở đây đi rừng suốt nhưng hiếm khi kiếm được. Thỉnh thoảng tìm được thì dân săn sâm lùng sục mua ngay từ cửa rừng. Sâm Ngọc Linh hiện tại chủ yếu là của người dân trồng dưới tán rừng, vì thiếu tiền mới nhổ một vài cây đem bán.   

Chúng tôi về xã đặc biệt khó khăn Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông tìm hiểu những câu chuyện về việc người dân nơi đây đang quyết tâm phát triển sâm Ngọc Linh. Ngọc Lây hiện có 10 thôn, thì 5 thôn có người dân tự trồng cùng với sự hỗ trợ của Dự án Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó, Lộc Bông là thôn có nhiều người tham gia nhất với hơn 30 hộ đã trồng sâm. 

Anh A Nô, một trong những người đi đầu trong việc trồng sâm ở thôn Măng Rương II, tiết lộ: “Trước đây, sâm Ngọc Linh ở vùng này khá nhiều, nhưng nay thì ngày càng khan hiếm. Thời gian đầu, mình lặn lội trong rừng để tìm cây giống nhưng cũng không được nhiều, sau đó mang vào rừng rậm để trồng. Sau này, được Nhà nước hỗ trợ tiền, mình tiếp tục trồng thêm. Hiện nay, vườn sâm nhà mình đã có khoảng 600 cây”.

Học theo A Nô, năm 2007, ông A Cam, người cùng làng cũng tự mình tìm sâm rừng để trồng và đến nay đã phát triển được 300 cây. Cũng giống như A Nô, ông A Cam quyết giữ và phát triển cây dược liệu quý hiếm này. 

Ngoài ra, tại thôn Măng Rương I, ông A Ben ngoài việc tự đi tìm cây sâm rừng để trồng, ông cũng đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua sâm giống để trồng và đến nay gia đình ông đã trồng được gần 1.000 cây.

Sâm giả - tiền mất, tật mang

Cách đây chưa lâu, cô bạn thân Nguyễn Thị Kim Phụng, sống ở phường Trường An, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, điện thoại cho tôi than phiền về việc vừa ngậm “quả đắng”, do mua phải sâm Ngọc Linh giả. 

Theo lời kể, trong một chuyến đi du lịch Tây Nguyên cùng cơ quan, cô đã cùng hai đồng nghiệp tranh thủ ghé qua tỉnh Kon Tum tìm mua sâm Ngọc Linh. Được sự giới thiệu của một người dân địa phương, nhóm của cô tìm đến huyện biên giới Đắk Glei, nơi được xem là “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh. Ở đây, cô và những người bạn đã được “toại nguyện” khi mua được sâm Ngọc Linh, với lời khẳng định của người bán là “thật 100%, nếu giả đền gấp đôi”, với giá 37 triệu đồng/kg. Số sâm mua được, cô dành một phần biếu lãnh đạo cơ quan, phần còn lại ngâm rượu để hai vợ chồng cùng bồi bổ sức khỏe, bởi vợ chồng cô lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Khu ươm sâm giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Trung Đức

Thế nhưng, sức khỏe thì chưa thấy đâu mà cổ họng của hai vợ chồng cô thì đã cháy rát bởi rượu... quý. Qua tìm hiểu, cô biết được số sâm mình mua được thực chất là củ ráy rừng, một loại củ có hình dáng bên ngoài y hệt như sâm Ngọc Linh. Với người sành sâm, chưa chắc đã phân biệt được bằng mắt thường, huống gì một người “ngoại đạo” như cô và hai đồng nghiệp của mình. “Có bao giờ nhìn thấy củ sâm Ngọc Linh đâu, nghe người bán cam đoan là sâm “xịn”, lại mua ở tận gốc nên mình cứ nghĩ là thật thôi. Ai dè ăn phải quả lừa. Đúng là tiền mất tật mang, lại còn mang tiếng với sếp vì tặng sâm giả nữa chứ”, Nguyễn Thị Kim Phụng than thở. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù, sâm Ngọc Linh dường như đã biến mất ở trong thiên nhiên, thế nhưng, tại Kon Tum và một số tỉnh, thành phố khác, nó vẫn được rao bán tràn lan với đủ loại giá, từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều người có kinh nghiệm thì hầu hết những loại sâm này đều đã được “phù phép” và chúng thật ra không phải là sâm như quảng cáo. 

Tại huyện Đắk Tô, nơi tập trung nhiều đại lý cung cấp sâm, chúng tôi dễ dàng hỏi mua được sâm Ngọc Linh với số lượng bao nhiêu cũng có. Khi được hỏi về nguồn gốc, hầu hết người bán đều cho rằng, sâm họ mua được từ những người đi đào về hoặc sâm trồng đem bán. Thế nhưng, theo một chủ doanh nghiệp ở TP. Kon Tum, chuyên kinh doanh về các loại sâm cho biết, hiện phần lớn sâm Ngọc Linh trên thị trường là hàng giả. Trong đó, loại giả y như thật ít gặp là một loại sâm có ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (nhân sâm), thành phần giống sâm Ngọc Linh tới 97%. Loại này chỉ ít dược liệu hơn chứ không độc hại. Loại giả phổ biến hơn là dùng củ vũ diệp tam thất (còn được gọi tam thất hoang, sâm vũ diệp, trúc tiết nhân sâm…), có tên khoa học Panax Bipinnatifidum Seem. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng giá trị dược liệu của loại này kém xa sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamensis), giá chỉ vài trăm ngàn đồng/kg. Nhưng nếu bán với danh nghĩa sâm Ngọc Linh thì giá đội lên tới cả triệu, thậm chí, hàng chục triệu đồng/kg. Nguy hiểm hơn cả là những loại giả sâm Ngọc Linh làm từ củ của một số loài thuộc họ ráy (Araceae), hình dáng bên ngoài khá giống sâm Ngọc Linh. Dùng phải những loại sâm giả này có thể bị phỏng miệng, phồng rộp, hôi miệng, dùng nhiều có thể ngộ độc. Những loài thuộc họ ráy này nếu ở trong trạng thái héo, người mua lại càng khó phân biệt bởi hình dáng bên ngoài hoàn toàn giống với sâm Ngọc Linh thật.

Trước vấn nạn sâm Ngọc Linh giả, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả liên tỉnh. Theo khai nhận của các đối tượng liên quan, nguồn củ đội lốt sâm Ngọc Linh thực chất là củ vũ diệp tam thất được đưa từ Trung Quốc vào tỉnh Kon Tum, nơi sản sinh ra sâm Ngọc Linh để “hô biến” thành sâm quý. Công nghệ khá đơn giản: Lấy củ vũ diệp tam thất có hình dáng giống sâm rồi ngâm trong nước pha từ sâm Ngọc Linh thật để có mùi sâm. Loại này có giá chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng khi được “gắn mác” sâm Ngọc Linh nó được “hét” giá tới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/kg. 

Hiện nay, ở Việt Nam gần như không còn sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên nữa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở tỉnh Kon Tum hiện có 2 cơ sở trồng sâm là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum (trồng khoảng 150 ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô (trồng 8 ha), nhưng tất cả đều đang trong giai đoạn nhân giống, chưa thu hoạch. Do đó, nếu có sâm Ngọc Linh thì phần lớn là do những người dân địa phương hoặc Công ty Dược và Vật tư y tế Quảng Nam trồng bán ra... Tuy nhiên, số lượng rất ít và giá khá cao.

Ngày 17/4/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch Phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025. Tổng diện tích quy hoạch 31.742,8 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đắk G’lei và Tu Mơ Rông.

Mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn; tạo thương hiệu quốc gia về sâm Ngọc Linh; bảo vệ tốt 30.440,1 ha rừng hiện có, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng rừng đối với diện tích 1.302,7 ha đất trống nằm trong vùng quy hoạch nhằm tạo môi trường thích hợp cho việc đầu tư, thu hút phát triển trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại chỗ để ổn định đời sống, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển cây sâm Ngọc Linh, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng. 

Đến năm 2025, tiếp tục trồng hết diện tích khoảng 9.343,6 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp(diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh). 

Hàng năm khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum; đa dạng hoá sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm