Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Nóng bỏng" cát xây dựng

Thứ ba, 15/08/2017 - 09:34

(Thanh tra)- Sau khi Chính phủ chỉ đạo siết chặt việc khai thác, nạo vét cát trên các tuyến sông, từ tháng 6 đến nay, giá cát xây dựng ở khu vực Nam bộ đã tăng gấp đôi, thậm chí là hơn thế. Giá cát tăng cao trong khi nguồn cung bị bó hẹp khiến các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người dân như ngồi trên đống lửa.

Cát xây dựng ở TP HCM và vùng Đông Nam bộ đang được nâng giá cao. Ảnh: BT

Quyết liệt ngăn chặn “cát tặc”

Do lợi nhuận “khủng”, trong suốt thời gian dài, ở các địa phương dọc các con sông lớn tại Nam bộ đều xảy ra tình trạng một số cá nhân hoặc một nhóm người không có giấy phép khai thác cát, nhưng vẫn bơm, hút cát trái phép gây nguy cơ sạt lở đất ở các vùng ven sông, cũng như nhà cửa của người dân khu vực ven sông.

Vào thời điểm cuối tháng 6/2017, lực lượng chức năng TP HCM đã bắt quả tang 2 vụ khai thác cát trái phép. Cụ thể, 4 giờ sáng ngày 30/6, tổ tuần tra của Đồn biên phòng Long Hòa (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM) đã bí mật áp sát và kiểm tra 8 sà lan vận chuyển cát có biển số Hải Phòng, Hải Dương, TP HCM. Qua kiểm tra sơ bộ, tổ tuần tra nghi vấn cát có trên các sà lan được khai thác từ khu vực Cồn Ngựa (vùng biển TP HCM) nên đã yêu cầu đưa phương tiện về neo đậu tại khu vực trạm kiểm soát biên phòng Lý Nhơn và mời những người điều khiển phương tiện về Đồn biên phòng Long Hòa để xác minh.

Trước đó, khoảng 2 giờ 30 phút sáng ngày 29/6, Đồn biên phòng Long Hòa cũng đã phát hiện 3 sà lan chở cát mang biển số Thái Bình và TP HCM tại khu vực phao số 11 sông Soài Rạp. Mỗi sà lan có trọng tải từ 500 - 700 tấn. Trung tá Lê Văn Hưng, Phó Chỉ huy trưởng Đồn biên phòng Long Hòa, cho biết: “Sau khi lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên toàn quốc, tình hình khai thác, vận chuyển cát ở khu vực này lắng xuống. Nhưng từ tháng 6/2017 trở lại đây, tình hình có vẻ nóng lên. Đây là đợt bắt và tạm giữ nhiều phương tiện vận chuyển cát không có hóa đơn, chứng từ nhiều nhất từ đầu năm 2017”.

Cũng vào thời điểm cuối tháng 6, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Đồng Nai) tạm giữ một thuyền loại lớn, triệu tập 4 đối tượng liên quan để điều tra về việc bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai. Trước đó, đêm 27/6, trong lúc tuần tra trên sông Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện chiếc thuyền biển kiểm soát ĐT 02104 đang có dấu hiệu bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn km19+300 thuộc địa phận xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên thuyền có 4 người; khoang thuyền rộng hàng chục m2, chứa khoảng 60m3 cát; khoang thuyền được gắn các thiết bị như vòi rồng, máy bơm công suất lớn và các thiết bị chuyên dụng để bơm hút cát.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, giá cát xây dựng ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác liên tục tăng cao. Ham lợi nhuận, nhiều đối tượng đã trang bị phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Chỉ riêng từ tháng 6/2017 đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện nhiều vụ hút cát trái phép, thu giữ hơn 10 thuyền bơm hút cát.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng của TP đã phát hiện 37 vụ khai thác cát trái phép, thu giữ 78 phương tiện.

Còn tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên (nằm giữa vùng giáp ranh giữa các tỉnh Bình Phước - Lâm Đồng - Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên cho hay, tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai diễn ra thường xuyên, quy mô lớn và có từ chục năm nay. Do nhu cầu thị trường xây dựng tăng cao ở vùng Đông Nam bộ, trong thời gian gần đây, tình hình khai thác cát trái phép ở đây diễn biến phức tạp. Điều này đã có những ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ hệ động, thực vật quý giá của VQG Cát Tiên. Chỉ tính riêng trên con suối Đạ Tẻh, một nhánh đổ ra sông Đồng Nai, có khoảng chục điểm khai thác cát. Khi cát ở địa điểm được cấp phép bị hút đến cạn kiệt, những người bơm hút cát có phép lại biến thành “sa tặc” khi điều khiển tàu đến đoạn sông Đồng Nai, cắm vòi xuống để hút cát. Phía bờ VQG Cát Tiên, dòng sông Đồng Nai đã ngoạm sâu vào đất rừng vài mét, kéo dài cả 5km. Khai thác cát làm lở đất ven sông của người dân, ảnh hưởng tới kinh tế hộ gia đình nên người dân phản ứng mạnh mẽ, gửi đơn phản ánh khắp nơi, nhưng cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”.

Giá cát tăng phi mã

Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian trước, nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân khi xây dựng công trình cần phải san lấp mặt bằng thường mua cát từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vì giá rẻ bằng 40 - 50% so với cát khai thác trên sông Đồng Nai. Cát Đồng Nai được dùng trong xây dựng vì chất lượng tốt hơn. Gần đây, do nhu cầu về cát lớn nên ở nhiều tỉnh, thành phát sinh tình trạng khai thác cát lậu tràn lan trên các dòng sông, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng ở nhiều khu vực ven sông. Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải quản lý chặt, không để diễn ra tình trạng khai thác cát lậu trên các sông, hồ. Ngay sau đó, các tỉnh, thành đều ra quân truy quét nạn cát tặc trên sông. Vì thế, nguồn cung bị hẹp lại, đẩy giá trên thị trường tăng cao.

Chúng tôi tới đường Nguyễn Xiển, quận 9 (TP HCM), khu vực có nhiều bãi cát nhất của TP để tìm hiểu về tình hình mua bán vật liệu xây dựng (VLXD). Anh Nguyễn Văn Tòng, chủ một vựa cát trên đường Nguyễn Xiển cho hay, mỗi tháng bãi cát của anh nhập từ 3-4 sà lan cát, tương ứng trên dưới 1.000 khối. Tuy nhiên, trong tháng qua phía đối tác chỉ cung ứng vỏn vẹn 1 sà lan cát, khách hàng phải giành giật nhau để mua. Tại TP HCM, trong thời điểm đầu tháng 8, giá cát bê tông vàng loại 1 là 500.000 đồng/m3, còn loại 2 là gần 350.000 đồng/m3.

Giá cát tăng cao như trên đã ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng của nhiều gia đình. Bà Trần Thị Châu, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12 (TP HCM) cho hay, căn nhà cả gia đình đang ở đã xuống cấp nặng sau mấy chục năm xây dựng. Bà dự định xây lại ngôi nhà từ trước Tết Nguyên đán 2017 nhưng chưa thực hiện được. Nay vợ chồng có khoảng 200 triệu đồng, cộng với các con đóng góp thêm vài chục triệu, bà định để dành mua VLXD, trong đó có 50 triệu đồng tiền cát. Tuy nhiên, đến nay giá cát tăng chóng mặt khiến việc xây nhà không biết bao giờ mới tiến hành. Bà Châu than thở: “Hôm cuối tháng 7, tôi có liên hệ cửa hàng VLXD trong phường, nhưng chủ cửa hàng bảo phải đặt tiền cọc trước và phải chờ một thời gian thì mới có cát. So với thời gian trước, giá cát đã tăng gần 3 lần”.

Khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế

Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu xây dựng để đáp ứng tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh khiến nhu cầu về VLXD, trong đó có cát cũng không ngừng tăng cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ riêng khu vực TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương, nhu cầu tiêu thụ cát đã lên tới 10 triệu m3/năm. Số lượng này sẽ còn tăng cao khi hàng loạt công trình lớn trong khu vực được đẩy mạnh thi công. Trong khi đó, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nguồn cát được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu của các thành phố lớn. Việc nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu nên giải pháp về nguồn vật liệu thay thế cát trong xây dựng đang là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và  Môi trường Đồng Nai khẳng định, việc nghiên cứu tìm ra loại vật liệu mới để thay thế cát là bài toán cần thiết hiện nay. Bởi vì ngoài việc làm giảm bớt áp lực đối với nguồn cát tự nhiên đang ngày càng cạn dần, việc tìm ra loại vật liệu thay thế cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép. Ở cấp Trung ương, Bộ Xây dựng cũng có đề xuất nguồn vật liệu để thay thế cát, trong đó có phương án nghiền đá ra để thay thế cát.

Một số DN đang khai thác khoáng sản tại vùng Đông Nam bộ cho biết, ở những nước phát triển, DN của họ đã tiến hành nghiền đá thành cát. Do vậy ở nước ta, phương án này triển khai cũng không có gì là khó, chỉ cần xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc về lắp ráp là có thể hoạt động. Vấn đề khiến các DN boăn khoăn là đầu ra của loại VLXD mới này. Hiện nay, thói quen của các hộ gia đình ở Việt Nam khi xây dựng các công trình nhà ở là hay dùng cát để san lấp mặt bằng và xây cất.

Theo ông Trịnh Tiến Bảy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa An (TP Biên Hòa), DN đang khai thác 2 mỏ đá tại huyện Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), giá đá bán bình quân hiện nay là gần 200.000 đồng/m3. Nếu DN đầu tư dây chuyền chế biến đá thành cát, giá cát nhân tạo sẽ rẻ hơn gần 200.000 đồng/m3 so với cát khai thác tại khu vực lòng hồ Trị An. Dây chuyền làm cát chỉ từ 5 tỷ đồng trở lên, DN cũng đầu tư dễ dàng thôi, nhưng ngại nhất vẫn là thị trường miền Nam chưa quen dùng đá nghiền thay cát.

Trong bối cảnh cát xây dựng khan hiếm, UBND TP HCM vừa giao các sở, ngành, UBND quận, huyện chỉ đạo các chủ đầu tư công trình trên địa bàn TP sử dụng vốn Nhà nước ưu tiên sử dụng VLXD có tro, xỉ, thạch cao. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm VLXD có tro, xỉ, thạch cao FGD (thạch cao được thu hồi từ khói lò đốt của các nhà máy nhiệt điện), thạch cao PG (thạch cao được thải ra từ các nhà máy hóa chất, phân bón); đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng…

Ngoài ra, lãnh đạo TP HCM cũng giao cho Sở Công Thương tổ chức rà soát danh sách các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón có phát thải tro, xỉ, thạch cao; thu hồi phần diện tích bãi thải vượt quá diện tích chứa của 2 năm sản xuất trung bình theo quy mô, công suất của từng nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất đang hoạt động trên địa bàn TP; kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất VLXD; triển khai đến chủ các cơ sở phát thải về lập đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao.

Theo nhận định của các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng ở TP HCM và vùng Đông Nam bộ, giá cát sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là vào thời điểm cuối mùa mưa năm nay và mùa khô tới khi nhiều công trình xây dựng được khởi công. Như vậy, đây cũng là dịp thuận lợi nhất cho các DN khai thác đá đầu tư công nghệ xử lý đá thành cát để tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm và góp phần “hạ nhiệt” cho tình trạng khan cát ngoài thị trường.

Bảo Trâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm