Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguyên nhân dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn lệch phương án tài chính

Thứ năm, 01/12/2022 - 17:42

(Thanh tra) - Sau khi tiếp nhận văn bản kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) liên quan đến những vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT; trong đó có dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội khóa XV đã có cuộc thị sát và nắm tình hình tại dự án này.

Một đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Quang Toàn

Báo cáo tại hiện trường, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) và nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ để triển khai hoàn thành sau 2 năm thi công đảm bảo chất lượng.

Trong đó, hợp phần 1 tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 đã được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6/2018. Hợp phần xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500 đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 2/2020.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, từ lúc đưa vào vận hành khai thác và thu phí đến nay, tuyến đường đã phục vụ hơn 4 triệu lượt xe, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trên toàn tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Từ đó, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án và khả năng trả nợ ngân hàng.

Cụ thể, việc bỏ trạm thu phí Quốc lộ 1 tại Km24+800 theo hợp đồng dự án ban đầu dẫn đến giảm nguồn thu khoảng 6.907 tỷ đồng trong cả vòng đời dự án. Thực hiện phương án này, tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ bố trí 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách để hỗ trợ dự án nhưng đến nay khoản tiền này vẫn chưa được bố trí.

Việc áp dụng vé tháng, vé quý và xe miễn giảm cho hơn 4.200 phương tiện của người dân địa phương xung quanh trạm thu phí Km93+160, Quốc lộ 1 dẫn đến sụt giảm doanh thu thu phí khoảng 46,4% (84 tỷ đồng/năm).

Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời điểm thi công, hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối đến thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị chưa được xác định dẫn đến lưu lượng phương tiện giao thông tăng trưởng thấp hơn dự báo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu phí hoàn vốn.

Tại hiện trường sau khi nghe báo cáo từ Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn), ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã hoàn thành dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đúng tiến độ và chất lượng, thì UBND tỉnh Lạng Sơn trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần thực hiện đầy đủ các cam kết.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, những khó khăn về tình hình tài chính hiện nay tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 có nguyên nhân không nhỏ từ việc các khoản cam kết hỗ trợ từ phía Nhà nước đã không được thực hiện làm lệch phương án tài chính, gây quan ngại cho các nhà tài trợ vốn.

“Cá nhân tôi phản đối việc một số nhà đầu tư BOT cố tình trục lợi chính sách, nhưng đối với dự án được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đem lại hiệu quả tích cực như tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cần có chính sách hỗ trợ khi phương án tài chính gặp khó khăn mà không do lỗi của nhà đầu tư”, ông Vân đánh giá.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, để giải quyết bất cập hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn một mặt phải thực hiện, tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, một mặt phải thực hiện đúng cam kết hỗ trợ dự án 2.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cần nghiên cứu phương án bù đắp, hỗ trợ cho nhà đầu tư khi cắt giảm một trạm thu phí so với phương án ban đầu.

Trước những bất cập hiện tại, doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn) kiến nghị đại biểu Quốc hội báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Ngân hàng VietinBank điều chỉnh cơ cấu nợ của dự án trong năm 2023 trên cơ sở nguồn thu thực tế hiện nay. Đồng thời, tiếp tục giải ngân phần tín dụng còn lại không để dự án bị ách tắc; xem xét giảm lãi suất, giãn nợ để phù hợp với các khó khăn mà dự án đang gặp phải.

Có ý kiến với UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương) hỗ trợ 50% theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).

Trước đó, tại văn bản kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16/11, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng đề xuất đối với dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp dự án, các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ cần phải đàm phán lại trong bối cảnh chính sách thay đổi để có giải pháp bù đắp doanh thu thiếu hụt cho dự án hoặc trả lại quyền thu phí cho doanh nghiệp. Trước mắt, cần tính toán điều chỉnh lãi vay, dừng xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần, hợp phần Quốc lộ 1 dài 110 km thu phí từ tháng 6/2018 và hợp phần cao tốc dài 64km thu phí từ tháng 2/2020.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp giao ban tháng 11/2022 của Bộ Giao thông Vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì ngày 30/11 vừa qua, một trong những vấn đề được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm và nhiều lần đề cập là cơ chế thu hút nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguồn lực Chính phủ phân bổ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến hơn 300.000 tỷ đồng, song, để hoàn thành được quy hoạch đã được phê duyệt vẫn cần nguồn lực xã hội rất lớn. Nhiệm vụ đặt ra là ngay từ bây giờ, các đơn vị phải bắt tay vào xây dựng chính sách/đề án thu hút tối đa nguồn lực xã hội thực hiện các dự án của Bộ Giao thông Vận tải theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Từ các dự án BOT đã triển khai cho thấy, hiện có thực tế khi làm dự án, phương án tài chính rất ổn, nhà đầu tư rất yên tâm. Tuy nhiên, sau đó lại có thêm các dự án khác được đầu tư bằng vốn ngân sách phân lưu dòng phương tiện, gây hụt doanh thu của dự án BOT.

Chúng ta phải sòng phẳng với nhà đầu tư. Những vướng mắc hiện tại cần được đặt lên bàn cân tính toán, tìm phương án tháo gỡ, tính đúng, tính đủ cho nhà đầu tư. Trường hợp doanh thu các dự án BOT bị tác động cần được đánh giá kỹ. Tránh tình trạng những vấn đề vướng mắc là quyền nhà đầu tư được hưởng lại phải đi xin”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Quang Toàn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024
Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm