Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng nợ công!

Thu Huyền

Thứ ba, 22/10/2024 - 10:53

(Thanh tra) - Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng nợ công.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (Thành phố Hồ Chí Minh) có vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng, đang đề xuất điều chỉnh tăng thêm vốn. Ảnh: Thu Huyền

Giải ngân chưa đáp ứng kỳ vọng

Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Đáng nói, có tới 31 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Một số địa phương kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao, có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Cụ thể như Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được giao hơn 79.200 tỷ đồng nhưng 9 tháng đầu năm mới giải ngân được 15.802,7 tỷ đồng, đạt 19,9% so với kế hoạch; Thành phố Hà Nội được giao kế hoạch vốn 81.033 tỷ đồng, trong 9 tháng tỷ lệ giải ngân đạt 38,88% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Tại vùng Đông Nam bộ, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 6 địa phương thuộc vùng này (gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu) là 128.580,455 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2024, các địa phương này mới chỉ giải ngân được tổng cộng 45.594,133 tỷ đồng, đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của tình hình giải ngân vốn đầu tư công, vẫn xuất hiện những “điểm sáng” đạt tỷ lệ giải ngân cao như:  Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), tỉnh Long An (71,5%). Đây là những đơn vị trong số 13 bộ, cơ quan Trung ương và 40 địa phương cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ biểu dương về nỗ lực phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 trên mức trung bình của cả nước.

Chậm giải ngân sẽ tăng nợ công

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 47,29% kế hoạch là chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra.

Thực trạng này đang gây ra áp lực giải ngân lớn đối với các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương trong những tháng cuối năm 2024 để đạt mục tiêu giải ngân cả năm đạt trên 95% kế hoạch.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết, giải ngân chậm sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào yếu tố vốn (bao gồm vốn đầu tư công), nên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Ngoài ra, khi giải ngân vốn đầu tư công chậm thì sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, làm chậm quá trình huy động vốn xã hội, do đó làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ làm tăng nợ công. Vốn đầu tư công gồm các loại chính như: Vốn trích từ ngân sách Nhà nước; vốn tín dụng đầu tư; vốn vay trong nước và nước ngoài; vốn đầu tư từ những doanh nghiệp Nhà nước; vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ.

Trong đó, vốn vay trong nước và nước ngoài có vai trò quan trọng trong tổng vốn đầu tư công. Đây là nguồn vốn do Nhà nước vay nước ngoài hoặc vay trong nước (gồm trái phiếu địa phương hoặc trái phiếu Chính phủ) để thực hiện các dự án đầu tư trong nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ dẫn đến tình trạng “có tiền mà không thể tiêu”, trong khi đó số vốn đi vay thì Nhà nước vẫn phải trả lãi vay. Nếu tình trạng chậm giải ngân càng kéo dài thì số lãi vay Nhà nước phải trả càng lớn, và nợ công vì thế sẽ càng tăng lên.

Mặt khác, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư tại các dự án đầu tư công còn khiến chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư tại các dự án này cũng sẽ làm tăng nợ công do phải sử dụng vốn vay để bù vào phần chi phí tăng lên. Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2024 còn 326 dự án nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giải ngân dưới 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của 56 địa phương; đặc biệt, có 82 dự án chưa giải ngân.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch, tại Công điện số 104/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án khi đã đầy đủ hồ sơ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm