Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 15/1/2024 để bàn thảo 3 nội dung, trong đó có Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Đây là dự luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại 3 kỳ họp. Vào cuối tháng 11 vừa qua, với 453/459 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội thống nhất lùi thời gian thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, Dự án Luật Đất đai sửa đổi có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, cũng như sự phát triển của đất nước.

“Quốc hội quyết định điều chỉnh thời điểm trình xem xét, thông Dự án Luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp gần nhất để các cơ quan có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua”, theo lời ông Cường.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói việc Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6 là cần thiết. Điều này bảo đảm dự luật chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, tránh sau khi ban hành lại phải sửa.

Dù vậy, theo ông Hòa, cần thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường. “Càng kéo dài thời gian thông qua luật này chừng nào thì những bất cập của Luật Đất đai hiện hành vẫn sẽ gây khó khăn, bức xúc, ảnh hưởng đến người dân”, đại biểu giải thích.

Với những nội dung còn ý kiến khác nhau, ông Hòa cho rằng giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần rõ ràng, cụ thể từng phương án để các đại biểu thảo luận, thể hiện chính kiến. Như vậy, khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, không còn bất cập.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 6 có tới 27 nội dung, nhóm nội dung có ý kiến khác nhau hoặc trình nhiều phương án khác nhau.

Đến nay, theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế, chỉ còn 3 nội dung có ý kiến khác nhau, 3 nội dung đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn, có ý kiến chính thức và thiết kế phương án cụ thể.

3 nội dung còn phương án khác nhau là về các loại đất xây dựng nhà ở thương mại và dự án hỗn hợp nhà ở thương mại và dịch vụ du lịch; thu hồi đất thực hiện dự án hỗn hợp; trường hợp sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập ra.

Thực tế cho thấy việc rà soát dự thảo luật rất mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ, hoàn thiện để bảo đảm không xảy ra vướng mắc khi triển khai trên thực tiễn.

Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm nay. Vì vậy, các cơ quan đang tập trung cao độ cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bảo đảm chất lượng, để kịp trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 1/2024.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, hiện Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và  Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã và đang trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện Dự án Luật Đất đai sửa đổi và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

“Với quyết tâm cao nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 5, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đang nỗ lực, triển khai rất tích cực trong chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Quá trình tiếp thu, chỉnh lý các nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan sẽ quán triệt 4 nguyên tắc nền tảng, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Một là, tuân thủ Hiến pháp - nguyên tắc tối thượng.

Hai là, thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng về đất đai, nhất là Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Nguyên tắc thứ ba là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 như Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi...

Bốn là, “những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”, theo đúng quan điểm của Trung ương.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, dự kiến Quốc hội họp 3 ngày và chia thành 2 đợt (đợt 1, họp 2,5 ngày từ ngày 15 đến sáng 17/1/2024; đợt 2 vào chiều ngày 19/1/2024 để thông qua các luật, nghị quyết và bế mạc kỳ họp).

Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

3 nội dung được trình tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm: Dự án Luật Đất đai sửa đổi; Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Hương Giang