Sáng 10/8, tại phiên họp thứ 47, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Một trong những vấn đề lớn cơ quan thẩm tra Dự án Luật xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) ở Điều 21.

Đề xuất điều kiện nhập hộ khẩu ở nơi thuê, mượn, ở nhờ

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến trong thường trực cơ quan này nhất trí với đề nghị của Chính phủ việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương như luật hiện hành.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Pháp luật, cần phải có một số điều kiện nhất định đối với việc đăng ký thường trú của người thuê, mượn, ở nhờ.

Về điều kiện cụ thể, qua thảo luận trong Thường trực Ủy ban Pháp luật, đa số ý kiến nhất trí với quy định giao HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ như đề xuất của Chính phủ.

Ông Tùng cho hay, điều này nhằm bảo đảm điều kiện sống thiết yếu cho người dân, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, đây cũng là công cụ để các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thể điều tiết việc phân bổ dân cư thông qua xác định điều kiện đăng ký thường trú ở từng địa phương.

“Quy định như vậy có thể tạo ra sự khác nhau giữa các địa phương về điều kiện đăng ký thường trú và tuy là nhằm bảo đảm cho người đăng ký thường trú có được điều kiện về không gian sống cần thiết nhưng thực tế áp dụng tại Thủ đô Hà Nội thời gian qua cho thấy đối tượng đăng ký thường trú theo trường hợp này không nhiều mà chủ yếu lại đăng ký theo diện sở hữu nhà hoặc chuyển về ở cùng người thân thì lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích chỗ ở”, ông Tùng nói.

Một số ý kiến khác trong Uỷ ban Pháp luật đề nghị quy định tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú, tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật ở mọi địa phương, không có sự phân biệt về vùng, miền, địa bàn.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: CTV

Phương án này cũng có hạn chế là tăng thêm điều kiện đối với người cư trú tại các tỉnh và cũng mới chỉ áp dụng cho một nhóm đối tượng có tính thay đổi cao về chỗ ở.

“Dự thảo Luật đang thể hiện theo loại ý kiến đa số”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho hay.

Có thời gian tạm trú mới được nhập hộ khẩu là rào cản

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị, xin được giữ nguyên điều kiện nhập hộ khẩu như Dự thảo.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, điều kiện về đăng ký thường trú phải có thời gian đăng ký tạm trú ở địa phương sẽ tác động đến quyền lợi của công dân.

“Điều kiện về thời gian tạm trú, quy định hiện hành chỉ áp dụng với TP trực thuộc Trung ương. Đây là rào cản khiến công dân đang thực sự sinh sống tại các TP trực thuộc Trung ương khó đăng ký thường trú. Quy định này cũng tạo sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa các công dân”, Bộ trưởng Công an cho hay.

Ông Tô Lâm cho rằng, đưa ra điều kiện để hạn chế một số người nhập hộ khẩu vào các TP lớn hiện không hợp lý và trên thực tế cũng không thực hiện được.

“Trước đây bảo có hộ khẩu mới được mua nhà, sinh hoạt, sinh sống ở đấy. Bây giờ không đăng ký thường trú, họ vẫn có quyền mua nhà, con cháu vẫn đi học. Tôi chưa thấy có trường hợp nào các cháu không được đi học trong TP khi không có hộ khẩu”, Tư lệnh ngành Công an nói.

Thêm vào đó, qua tổng điều tra dân số năm 2019, tiêu chuẩn về đăng ký số dân ở TP cho đến nay cũng chưa đạt yêu cầu.

Bộ trưởng đưa ra ví dụ Cần Thơ, Đà Nẵng quy mô dân số ít nhất 1 triệu dân trở lên, đến nay tổng điều tra dân số ở Đà Nẵng chỉ 1,3 triệu dân, Cần Thơ là 1,2 triệu dân. Theo ông, với số dân như thế thì TP Trung ương chưa đạt quy mô dân số theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.

Đối với dân số đô thị hiện nay, theo thống kê ngành Công an mới có 34,4% dân số, không đạt theo Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, phấn đấu đến 2020 đạt 45% dân số đô thị.

“Vì vậy biện pháp hạn chế người dân nhập hộ khẩu vào TP tôi thấy không đúng với mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh.

Điều 21. Điều kiện đăng ký thường trú (Dự thảo Luật)

1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó, trừ trường hợp quy định tại Luật này.

2. Công dân được đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi về ở với con đẻ, con nuôi;

b) Người cao tuổi về ở với anh, chị, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột, người giám hộ;

c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ;

d) Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại về ở với cháu ruột.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ;

b) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân về chỗ ở theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người hoạt động tôn giáo được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, phân công, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;

b) Người đại diện cơ sở tín ngưỡng; người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú;

c) Trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa được đăng ký thường trú vào cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khi được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đó đồng ý.

5. Người được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ được đăng ký thường trú vào cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ khi được chủ hộ đồng ý.

6. Người sinh sống, làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển được đăng ký thường trú vào tàu, thuyền, phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Tàu, thuyền, phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật. Trường hợp tàu, thuyền, phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về việc sử dụng tàu, thuyền, phương tiện đó vào mục đích để ở;

b) Xác nhận của UBND cấp xã về địa điểm tàu, thuyền, phương tiện đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trong trường hợp tàu, thuyền, phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ;

c) Là chủ tàu, thuyền, phương tiện hoặc được chủ tàu, thuyền, phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú.

Hương Giang