Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất vắng mặt trên 12 tháng không báo tạm vắng thì xoá đăng ký thường trú

Hương Giang

Thứ bảy, 23/05/2020 - 16:17

(Thanh tra) - Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình, cũng như giúp cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: quochoi.vn

Sáng ngày 23/5, Quốc hội họp trực tuyến nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công sang phương thức hiện đại.

Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở Dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Theo đó, Dự thảo Luật đã bỏ các quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo luật hiện hành.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật tán thành điều này. Tuy nhiên, theo cơ quan này, sau 4 năm thực hiện đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Cho nên, cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Cũng theo Uỷ ban Pháp luật, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành (như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…) vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

“Trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.

Khắc phục tình trạng quản lý cư trú “ảo”

Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú; trong đó có trường hợp “vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài”.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú này để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, cũng như giúp cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn.

“Việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở Dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin khác của công dân trong 2 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường”, ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Uỷ ban Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định này sẽ khắc phục tình trạng quản lý cư trú “ảo”. Mặt khác, sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong hộ gia đình khi tham gia giao dịch dân sự của hộ gia đình.

Song một số ý kiến không tán thành với quy định này vì cho rằng, quyền tự do cư trú là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền này.

Không còn điều kiện riêng nhập hộ khẩu vào TP lớn có gây quá tải hạ tầng?

Theo Bộ trưởng Công an, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương.

Thực tế những năm qua cho thấy, các điều kiện riêng đối với đăng ký thường trú vào TP trực thuộc Trung ương không thực sự phát huy hiệu quả.

“Tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các TP lớn, trong đó có các TP trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Vì vậy, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương.

“Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc”, ông Tô Lâm nói.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương là vấn đề cần cân nhắc thận trọng.

“Khi mà cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các TP trực thuộc Trung ương so với các địa phương khác đang còn có sự chênh lệch đáng kể thì vẫn cần thiết duy trì những điều kiện đăng ký thường trú riêng nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các TP lớn”, quan điểm này đưa ra.

Theo chương trình kỳ họp 9, ngày 9/6, Quốc hội họp tập trung thảo luận ở hội trường Dự án Luật này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm