Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển KT - XH năm 2013

Thứ năm, 08/11/2012 - 17:41

(Thanh tra) - Ngày 8/11, với tỷ lệ 91,77% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013 với mục mục tiêu tổng quát là: Ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình Dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2013. Nguồn ảnh: Quốc hội


Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; bội chi ngân sách Nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.

Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết của QH đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm tổ chức thực hiện trong giai đoạn cuối năm 2012 và cả năm 2013. Theo đó, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát. Mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ; tăng cường công tác quản lý thị trường chống hàng nhập lậu, hàng giả. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để tập trung thực hiện đột phá chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh có hiệu quả với mọi hành vi tham nhũng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giảm bớt thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... 

Cùng với việc xác định nhiệm vụ cho năm 2013, QH cũng quyết nghị về đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của năm 2012. Đa số ý kiến Đại biểu QH nhất trí với báo cáo của Chính phủ, với việc đạt và vượt 10/15 mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, QH yêu cầu Chính phủ từ nay đến cuối năm tập trung chỉ đạo giải quyết hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Cần tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu là sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, căn hộ nhà chung cư, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích, mở các đợt bán giảm giá thu hút người tiêu dùng... Đồng thời, sớm hoàn thành việc rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, đẩy nhanh việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của cả nước, ngành, vùng, địa phương. Khẩn trương chỉ đạo giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
   
Cùng ngày, QH đã nghe và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2013.

Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ QH về hoạt động giám sát của QH năm 2012 vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay. Giám sát việc ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH chưa được quan tâm đúng mức. Giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt kết quả còn hạn chế. Việc theo dõi, đánh giá thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát chưa được chú trọng đúng mức, thiếu những chế tài cụ thể. Lực lượng cán bộ tham mưu, phục vụ, các điều kiện bảo đảm cho công tác giám sát còn hạn chế…

Dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2013, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, vì số lượng các vấn đề cần giám sát rất lớn, nên đã đưa ra 4 tiêu chí trong việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát 2013.

Trên cơ sở đó, QH xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2013 là: Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012 ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009 - 2012 ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với tờ trình, đồng thời đánh giá các nội dung được lựa chọn để giám sát chuyên đề là phù hợp, được cử tri quan tâm, bao hàm được cả lĩnh vực KT-XH.

Bức xúc trước tình trạng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bị xâm hại, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị vấn đề bảo vệ rừng phải được quan tâm số 1.

Đồng quan điểm, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phân tích: Công tác quản lý, bảo vệ rừng đang tồn tại quá nhiều vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển bền vững nên cần quan tâm.

Còn theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), chỉ nên đánh giá lại hơn 10 năm qua những kiến nghị, kết luận, những vấn đề được QH đặt ra về bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện như thế nào? đã làm được gì? vì sao mất nhiều diện tích rừng?... chứ không phải giám sát, vì không có tác dụng trong thực tiễn, để từ đó có chủ trương giải pháp phù hợp. Đại biểu Nam đề nghị phải chọn chuyên đề giám sát có nội dung cấp bách và có sức lan toả.

Thảo luận ở góc độ khác, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị làm rõ thêm phương thức giám sát tối cao của các cơ quan QH; bản chất hoạt động giám sát và kiểm tra lại tính đúng đắn của quy định luật cần sửa đổi và bổ sung.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, cần tập trung vào việc đổi mới nội dung phương pháp đến tổ chức cơ cấu đoàn giám sát để nâng cao chất lượng từng chuyên đề giám sát. Lâu nay, đoàn giám sát xuống các địa phương không có điều kiện để tiếp xúc và nghe các đối tượng khác nói mà chỉ có nghe báo cáo của các quan chức năng địa phương, nên chưa thể thấy hết được bất cập đang diễn biến thế nào. Về cơ cấu thành viên trong đoàn, nên bớt các quan chức bộ, ngành mà tăng cường chuyên gia tư vấn phát hiện vấn đề chuyên ngành cho sâu, cho trúng vấn đề…

Một số ý kiến đề nghị cần sớm kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc và các điều kiện bảo đảm, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm