Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 12/11/2015 - 06:10
(Thanh tra) - Tính đến tháng 8/2015, trên địa bàn tỉnh Sơn La ước có 13.200 người nhiễm HIV, trong đó 7.673 người nhiễm HIV còn sống. Toàn tỉnh đang điều trị cho 757 người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; điều trị bằng thuốc ARV cho 2.990 người nhiễm HIV, đạt 39% số người nhiễm HIV còn sống.
Bệnh nhân Bùi Văn Cường điều trị tại cơ sở Methadone, huyện Mai Sơn uống thuốc. Ảnh: HB
Tháng 5/2011, tỉnh Sơn La thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Sau hơn 4 năm thực hiện, Sơn La đã đạt được một số kết quả khả quan, chứng minh lợi ích và hiệu quả của việc điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone.
Qua xét nghiệm theo quy trình điều trị tại 6 cơ sở điều trị (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, Mường La, Sông Mã, Mộc Châu, Mai Sơn), phần lớn người bệnh âm tính với ma túy.
Tiếp xúc với một số người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Mường La cho thấy, khi uống thuốc Methadone, sẽ giúp người nghiện quên cơn nghiện ma túy, sức khỏe nhanh hồi phục, áp lực về cơn nghiện không còn nên tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt, lao động bình thường. Người nghiện tích cực điều trị, uống thuốc đều đặn, đúng phác đồ, có bản lĩnh "đoạn tuyệt" với ma túy thì sẽ từ bỏ được ma túy. Thực tế, người nghiện điều trị bằng thuốc Methadone không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội rất lớn.
Ông Mùi Huy Dưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn cho biết: Đến tháng 10/2015, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn huyện là 1.314 người, số nhiễm HIV mới là 73 người. Số đang điều trị ARV là 503 người; số đăng ký tham gia điều trị Methadone có 151 người; số đang điều trị 105 người, bỏ điều trị 40 người, chuyển tuyến 6 người. Như vậy, tỷ lệ người được điều trị Methadone ở Mai Sơn còn rất thấp so với số người nghiện ma túy.
Nguyên nhân chính là do công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS chưa được phủ khắp các xã trong huyện, hiện mới chỉ tập trung ở 12 xã được triển khai dự án. Trong khi, đối tượng buôn bán, nghiện chích ma túy chủ yếu ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, thực tế, tỷ lệ người nghiện ma túy là người dân tộc thiểu số chiếm gần 60% số người nghiện toàn huyện. Độ bao phủ của địa bàn/đối tượng đích còn thấp. Đó là những khó khăn lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và hiệu quả điều trị Methadone ở Mai Sơn.
Bác sỹ Cao Thị Nguyệt, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn, người trực tiếp phụ trách cơ sở điều trị Methadone cho biết: Cơ sở mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn một năm. Công việc mới mẻ đòi hỏi cán bộ y tế phải có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm trong công tác điều trị. Nhưng cơ sở điều trị Methadone Mai Sơn chỉ có 5 người: 1 bác sỹ kiêm nghiệm, 1 tư vấn viên, 1 dược sỹ, 1 điều dưỡng, 1 hành chính. Trong đó 4/5 người làm việc theo hợp đồng. Các nhân viên y tế phải trực 24/24 và làm việc không có ngày nghỉ, kể cả chủ nhật và lễ, tết. Tiếp xúc với bệnh nhân đến uống thuốc phải hết sức mềm mỏng, dịu dàng, khéo léo. Thậm chí đôi lúc phải biết nịnh, biết khen bệnh nhân. Như vậy mới làm cho người bệnh thoải mái, không bị mặc cảm.
Năm 2016, Mai Sơn sẽ tổ chức cấp thuốc tại Trạm Y tế xã. Bệnh viện đảm nhận phần điều trị. Đầu tiên sẽ tổ chức thí điểm tại Trạm Y tế xã Chiềng Mai, sau đó nhân rộng ra 4 Trạm Y tế khác. Như vậy sẽ giảm rất nhiều thời gian đi lại, tốn kém cho người điều trị.
Bệnh nhân Bùi Văn Cường, xã Chiềng Mung, đã điều trị Methadone tại Bệnh viện Đa khoa Mai Sơn hơn một năm, cho biết: "Điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone rất tốt, người khỏe mạnh, lao động bình thường, nhưng khi uống Methadone thì mồ hôi ra nhiều và yếu cái khoản...tình dục. Lúc đầu chưa biết, vợ cũng thắc mắc, giận".
Bác sỹ Nguyệt giải thích: Khi uống Methadone có những bệnh nhân nam bị tác dụng phụ, như yếu sinh lý. Tuy nhiên tác dụng phụ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó trở lại bình thường. Người nghiện ma túy đến cơ sở uống thuốc Methadone rất thích, háo hức lắm, nhưng do nhà ở cách xa Bệnh viện hàng chục cây số nên không đến điều trị được thường xuyên. Như vậy hiệu quả khỏi nghiện thấp.
Cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone huyện Thuận Châu được thành lập tháng 1/2015, sau 10 tháng hoạt động, cơ sở đã tiếp nhận, điều trị cho 126 người bệnh (nghiện ma túy). Bác sỹ Hà Việt Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Cơ sở có một bác sỹ kiêm nghiệm và 5 nhân viên y tế hợp đồng làm nhiệm vụ điều trị. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho điều trị do Dự án VAAC-CDC cấp. Quy trình điều trị gồm 4 giai đoạn: Khởi liều; dò liều; điều chỉnh liều và ổn định liều. Điều trị bằng Methadone không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, nên trong thời gian điều trị, người bệnh vẫn sinh hoạt, lao động bình thường, phục hồi chức năng tâm lý nhanh, dễ hòa nhập cộng đồng. Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho những người nghiện ma túy sớm trở lại hòa nhập cộng đồng để làm lại cuộc đời.
Tại đây, chúng tôi đã gặp, trò chuyện với một số bệnh nhân đến uống thuốc. Nét mặt họ rất vui vẻ, chú ý lắng nghe nhân viên y tế chỉ dẫn phác đồ điều trị và uống thuốc một cách thoải mái. Sự chân tình của các nhân viên y tế sẽ là động lực quan trọng để những bệnh nhân đang điều trị trở thành tuyên truyền viên về tuyên truyền, vận động những người nghiện khác trong bản, trong xã đến cơ sở điều trị Methadone.
Tuy nhiên, trong ngàn, vạn cái vui của người bệnh, không thể không nhắc đến tâm tư, nguyện vọng của các nhân viên y tế đang làm hợp đồng tại các cơ sở điều trị Methadone ở tỉnh Sơn La. Họ còn rất trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với người nghiện ma túy, trong đó có cả người nhiễm HIV, mắc bệnh lao, rất dễ lây nhiễm... Họ làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Có bệnh nhân đến là phục vụ, nụ cười luôn nở trên môi. Nhưng, ít người biết, họ làm việc trong môi trường "độc hại" như thế mà lương mỗi tháng chưa đầy 2,2 triệu đồng, ngoài ra không có chế độ nào khác và cũng chưa được tham gia bảo hiểm xã hội.
Mong rằng, tâm tư nguyện vọng của các nhân viên y tế hợp đồng đang làm việc tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone sớm được các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La xem xét, giải quyết để các nhân viên y tế thực sự yên tâm công tác, phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Thủ đô năm 2023, với sự tham gia của gần 3.000 người cao tuổi đến từ khắp các quận, huyện Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold. Đây là sân chơi giúp người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, khuyến khích phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong cộng đồng.
Vân Trang
14:15 13/12/2024(Thanh tra) - Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định. Đơn vị đã thực hiện tốt việc tổ chức quản lý, chữa trị, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, tạo việc làm, lao động trị liệu cho người nghiện ma túy.
Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Hoàng Nam
09:11 13/12/2024Bùi Bình
00:00 13/12/2024Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Hải Hà
Văn Thanh
Hương Giang
Vân Trang
Ngọc Giàu
TC
PV
Cảnh Nhật
Thái Hải