Theo dõi Báo Thanh tra trên
(Thanh tra) - Dành trọn hơn 30 năm tâm huyết với nghề, lương y Lê Văn Sơn (59 tuổi, sinh sống tại thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân bị rắn độc cắn nhờ vào kiến thức sâu rộng về y học cổ truyền và bài thuốc gia truyền quý giá. Với khả năng chữa trị hiệu quả, danh tiếng của ông ngày càng vang xa, được nhiều người biết đến và tin tưởng.
"Thần y" Lương Văn Sơn. Ảnh: Khánh Anh
Đủ y đức mới hành nghề
Từ trẻ, ông Sơn đã kiên trì học hỏi dưới sự hướng dẫn nghiêm ngặt của cha. Trong suốt hai năm, ông được cha truyền dạy bài bản từ lý thuyết đến thực hành, kiểm nghiệm thực tế nhiều lần. Chỉ khi thành thạo nghề và rèn luyện đủ y đức, ông mới được phép hành nghề. Theo lời cha dạy, nếu chưa thực sự hiểu rõ, thiếu bản lĩnh và đạo đức, tuyệt đối không được chữa trị, vì một sai lầm nhỏ có thể để lại hậu quả khôn lường.
Ông Sơn kể lại, gia đình ông có truyền thống làm nghề đông y, cha ông là thầy lang nổi tiếng trong vùng bởi nhiều bài thuốc cứu người và cũng được truyền lại cho nhiều anh, chị, em trong gia đình. Ông Sơn sau khi xuất ngũ về quê lập gia đình, nhận thấy con trai có đức tính tốt, ý chí kiên định và niềm đam mê cứu người, cha ông quyết định truyền nghề.
Ông được học từ cơ bản đến nâng cao, trong đó khó khăn nhất là thử độc rắn bằng lá thuốc. Mất gần hai năm, ông mới thành thạo kỹ năng này, đồng thời nắm vững cách nhận biết độc rắn và sử dụng thảo dược để chữa trị.
Suốt nhiều năm qua, bất kể ngày đêm, hễ có người tìm đến nhờ chữa rắn cắn, ông đều tận tình giúp đỡ. Đầu tiên, ông quan sát vết thương, hỏi nạn nhân để xác định loài rắn và mức độ nguy hiểm. Nếu chưa chắc chắn, ông dùng lá thuốc đắp lên sau gáy bệnh nhân để kiểm tra độc tính. Xác định đúng vết cắn có độc hay không là bước quan trọng, bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể đe dọa tính mạng.
“Việc kiểm tra vết cắn thường được thực hiện vào ban ngày, tốt nhất dưới ánh sáng mặt trời. Sau 7 - 10 phút, có thể biết nạn nhân bị rắn độc hay không. Nếu có độc, ngay lập tức cho uống thuốc sắc từ thảo dược để đào thải độc tố, đồng thời theo dõi trong vài giờ đến một ngày trước khi hướng dẫn mang thuốc về uống trong 3 - 5 ngày. Nếu rắn không độc, chỉ cần dùng thuốc giảm sưng và đau”, ông Sơn cho biết thêm.
Vào ban đêm, khi không thể kiểm tra bằng lá thuốc, ông phải quan sát kỹ vết cắn, hỏi han tình trạng nạn nhân rồi quyết định điều trị. Nếu xác định là rắn độc, ông lập tức cho uống thuốc giải để ngăn nguy hiểm.
Nhờ bài thuốc gia truyền, ông đã cứu sống nhiều người, trong đó có những ca rắn cực độc như hổ chúa, hổ lửa, cạp nong, cạp nia cắn…
Một trường hợp đáng nhớ là một người dân huyện Hướng Hóa bị rắn hổ chúa cắn vào tay. Độc phát tác nhanh, nhưng nhờ chữa trị kịp thời ngay trong đêm, chỉ sau vài ngày, nạn nhân đã hồi phục. Cùng với những nỗ lực cứu người của mình, năm 2014, ông Lê Văn Sơn đã được Tổng Hội Y học Việt Nam tôn vinh là Lương y tiêu biểu về sức khỏe cộng đồng.
Giữ gìn nghề tổ, truyền lại cho con
Suốt hơn 30 năm hành nghề, lương y Lê Văn Sơn đã cứu chữa cho khoảng 500 – 600 người bị rắn cắn, trong đó có không ít trường hợp bị rắn độc, thậm chí cả loài kịch độc tấn công. Điều đáng quý là tất cả bệnh nhân đều được ông cứu chữa thành công.
"Từ ngày theo nghề, tôi luôn miễn phí hoàn toàn cho người trong thôn và những ai có hoàn cảnh khó khăn. Với những bệnh nhân từ xa đến và cần điều trị dài ngày, tôi chỉ lấy từ 200 – 500 nghìn đồng, cao nhất cũng chưa đến 1 triệu đồng cho cả liệu trình. Đây coi như để chuẩn bị các vị thuốc cho các bệnh nhân tiếp theo", ông Sơn chia sẻ.
Bài thuốc gia truyền của ông được bào chế từ nhiều loại rễ cây, lá thuốc quý, với quy trình tìm kiếm, sơ chế, sắc thuốc, bảo quản vô cùng công phu. Tuy nhiên, ông không coi đây là nghề mưu sinh, mà là cái nghiệp cứu người, giúp đời. "Nếu chỉ nghĩ đến tiền bạc thì không thể theo đuổi nghề này, vì vậy suốt bao năm qua, tôi luôn đặt y đức lên hàng đầu," ông bộc bạch.
Phương thuốc chữa rắn cắn của gia đình ông Sơn chỉ truyền cho con cháu trong nhà, không phải vì sợ cạnh tranh, mà bởi lo ngại người ngoài không học đến nơi đến chốn đã tự ý hành nghề, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông tin rằng, để theo đuổi nghề này, ngoài năng khiếu, kiên trì, trí tuệ, còn cần đặt cái tâm lên trên hết, không vụ lợi thì mới thành công.
Ông Lê Văn Sơn đang truyền nghề lại cho cậu con trai Lê Văn Thịnh. Ảnh: Khánh Anh
May mắn, con trai ông là anh Lê Văn Thịnh có niềm đam mê sâu sắc với y học cổ truyền, lại hiền lành, chịu khó. Vì thế, ông quyết định truyền lại bài thuốc gia truyền, mong con tiếp nối sự nghiệp gia đình, cứu giúp nhiều người. Từ nhiều năm nay, anh Thịnh đã thành thạo việc chữa trị rắn độc cắn và hiện đã mở một quầy thuốc đông y riêng.
Tại quầy thuốc gần trung tâm xã Vĩnh Tú, anh Thịnh vẫn miệt mài bốc thuốc cứu người. Dù mới 33 tuổi, anh đã có gần 5 năm nối nghiệp cha, chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn. Năm 2016, anh Thịnh tốt nghiệp chuyên ngành y sĩ Y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Y khoa Pasteur. Ba năm sau, anh Thịnh được cha truyền lại nghề và bài thuốc gia truyền chữa trị rắn độc cắn.
“Để thuận tiện hơn trong việc bốc thuốc cứu người, tôi đã mở một quầy thuốc đông y khá quy mô. Những năm qua, tôi đã chữa miễn phí cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần thấy họ khỏe mạnh, vượt qua bệnh tật, tôi đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, anh Thịnh chia sẻ.
Suốt nhiều năm hành nghề, cha con ông Sơn không chỉ cứu giúp hàng trăm người mà còn được xem như ân nhân của nhiều bệnh nhân. Dù được nhiều người muốn tặng quà, biếu tiền để cảm ơn, nhưng hai cha con đều từ chối. Với họ, cứu một mạng người là tích đức, là điều thiêng liêng mà không có tiền bạc nào sánh được.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú cho biết cho biết: Trong nhiều năm qua, với nghề thuốc gia truyền, những người bị nạn ở nhiều nơi khác đã tìm đến ông Lê Văn Sơn để chữa trị thành công. Việc chữa bệnh cứu người của ông Sơn đã được ghi nhận nhiều năm qua. Hiện công việc này đã được ông truyền lại cho con ông và mở phòng khám với đầy đủ giấy phép hành nghề nhằm đảm bảo hơn nữa việc khám chữa bệnh cho người dân.
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) triển khai gói vay tín chấp 300 tỷ đồng cho các nữ Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế, mang đến một cuộc sống sung túc và hạnh phúc dài lâu.
PV
(Thanh tra) - Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Quốc hội với Tỉnh uỷ Điện Biên ngày 20/3.
Trần Kiên
Nam Dũng
Trọng Tài
Bùi Bình
Văn Thanh
Chính Bình
Chính Bình
PV
Hương Giang
PV
Trần Quý
Trần Kiên
Lâm Ánh
Nam Dũng
Trọng Tài
Lâm Ánh
Thành Nam