Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Trị: Phương gia viên – neo giữ không gian văn hóa Vân Kiều, Pa Kô

Minh Tân

Thứ hai, 20/01/2025 - 06:10

(Thanh tra) - Một cuốn sổ, một cái máy ảnh đời cổ, chàng trai đó đến từng bản làng để ghi chép, tìm hiểu về văn hóa, tập tục của người dân nơi thượng nguồn dòng sông huyền thoại Đakrông. Để rồi những năm tháng đó đã tạo nên một Phương Gia Viên với nhiều hiện vật quý và một Hồ Phương được ví như “già làng của những già làng”.

Anh Hồ Phương giới thiệu với du khách những hiện vật tại Phương gia viên. Ảnh: Minh Tân

25 năm gắn bó với bản, làng

Nằm sát bên con đường xuyên Á – Quốc lộ 9 lịch sử, căn nhà riêng của nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Hồ Phương với tên gọi Phương gia viên. Dù diện tích không lớn nhưng Phương gia viên được xem như một "bảo tàng văn hóa thu nhỏ" của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị.

Đặt chân đến Phương gia viên, du khách như lạc vào không gian văn hóa sống động của người Vân Kiều và Pa Kô, với vô số tranh ảnh, sách báo, và hiện vật đặc trưng được sắp xếp tinh tế. Không chỉ tích lũy cho mình những tư liệu quý trong những năm tháng đến các bản, làng mà cùng với đó hơn 200 hiện vật đặc trưng của bà con Vân Kiều, Pa Kô.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vào năm 1999, anh Hồ Phương trở về công tác tại huyện miền núi Đakrông, nơi hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Cô. Lớn lên ở vùng cao Quảng Trị, anh từng được tiếp xúc, gần gũi với nếp sinh hoạt, các lễ hội của bà con Vân Kiều, Pa Kô nơi đây.

Không gian văn hóa Hồ Phương đã được trưng bày, triển lãm nhiều nơi bởi sự độc đáo và đa dạng của những hiện vật mà anh Phương đã sưu tầm. Ảnh: Minh Tân

Về đúng ngành công tác, anh như thỏa mình vùng vẫy giữa dòng chảy văn hóa của bà con nơi đây. Thuở đó, mọi thứ còn rất hoang sơ, bản làng vẫn giữ nguyên nét mộc mạc với những lễ nghi, hội hè mang đậm bản chất văn hóa của bà con Vân Kiều, Pa Kô.

“Tính mình ham vui, ai gọi đi chơi là đi liền! Từ những ngày mới về công tác đến nay 25 năm, tính mình vẫn vậy! Thế nên, ở bản làng nào có lễ, có hội mình đều có mặt uống rượu, ăn ngủ cùng bà con. Đi, tìm hiểu, cảm nhận, thì mình càng bị cuốn hút bởi sự huyền bí trong đời sống và các tập tục của bà con. Rồi cuộc sống, rồi cái “máu” tìm hiểu, nghiên cứu trong mình trỗi dậy thúc giục mình khám phá, viết, sưu tầm”, anh Hồ Phương chia sẻ về khởi nguồn niềm đam mê, dẫn lối anh trở thành một nhà nghiên cứu, sưu tầm hiện vật.

Anh chia sẻ thêm, về giá trị văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô đóng vai trò rất lớn và phong phú, đa dạng. Như ở Quảng Trị có 21 lễ hội trong tổng thể 10 huyện, thị xã, thành phố thì ở Đakrông có 8 lễ hội, chiếm 1/3 lễ hội của tỉnh Quảng Trị hay như ở vùng đồng bằng 8 nhạc cụ nhưng người Vân Kiều, Pa Kô có 28 nhạc cụ, như: đàn Ta Lư, đàn A Chung, đàn Toong, Ưng Còng, Khui, Xăng Cơr Đươn…

Không chỉ niềm thôi thúc viết viết, khám phá mà còn viết để đỡ đi phần nào đồng lương không đắp đủ các chuyến rong chơi đến các bản làng của anh vào những năm khốn khó, hay là mua thêm tấm chăn mỏng, áo quần, mắm muối cho những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Sống, sinh hoạt cùng với bà con anh càng hiểu được sự mai một của những nét văn hóa, tập quán độc đáo nên anh bắt đầu sưu tầm những hiện vật quý.

"Già làng của những già làng"

Hiểu rõ mục đích, tấm lòng của anh, những già làng, trưởng bản đã hiến tặng cho anh nhiều hiện vật quý cũng như anh cất công sưu tầm, mua bằng số tiền tích cóp từ đồng lương của mình. “Không phải ai cũng mua được, không phải ai được bà con mến tặng. Bởi phải hiểu tập tục, văn hóa và tấm lòng của mình bà con phải thấy được mới đồng ý giao cho mình gìn giữ cho thế hệ mai sau”, anh Phương kể.

Như việc đưa chiếc “Cumui Aloang” (quan tài) bằng gỗ Lim từ bản về nhà nhằm trưng bày, anh Phương đã phải thuyết phục rất nhiều già làng, kể cả vợ con. Dù đây là chiếc quan tài được đục ra để dưới vách nhà sàn để lo hậu sự nhưng chủ nhân nhất quyết không bán cho anh Phương vì đây là điều kiêng cử. Thuyết phục mãi, sau lễ cúng theo luật tục anh Phương cũng được gia chủ để lại.

Những chiếc áo, mũ A mưng cùng các hiện vật mà Hồ Phương đã sưu tầm. Ảnh: Minh Tân

Dù vậy, việc đưa chiếc quan tài đi qua các làng, xã khác cũng trở thành nan giải vì đây là điều cấm kỵ nhất. “Đành lòng, đến khi trời mưa nước sông lên cao mới đưa thả trôi theo dòng sông mới mang về được. May mắn, vợ mình cũng thấu hiểu, chia sẻ niềm đam mê của mình nên giờ chiếc “Cumui Aloang” mới được trưng bày ở nhà”, ảnh Phương cười nói về kỷ niệm này.

Không chỉ sưu tầm mà từ niềm đau đáu về các hiện vật của bà con nơi đây, 3 tháng trời ròng rã với nhiều công sức, tiền bạc, anh đã sưu tầm, phục chế lại những trang phục được chế tác từ vỏ cây A mưng – đây là hiện vật độc đáo và duy nhất của bà con Vân Kiều, Pa Kô mà anh Phương sở hữu. A mưng là loài cây có độc nhưng sau khi chế tác vỏ rất bền, chắc để những cư dân từ thuở sơ khai nơi đây làm ra áo, mũ, chăn… chống chọi với cái nắng, cái lạnh thất thường của vùng cao.

“Những chiếc áo làm từ cây A mưng dao, kiếm chém không thể chém đứt và trở thành chiếc áo đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị, nó là thước đo đầu tiên trong văn hóa ăn mặc của đồng bào”, anh Phương say sưa cho biết.

Phương gia viên và anh Hồ Phương đã trở thành địa chỉ kết nối các nhà hảo tâm với các chương trình thiện nguyện đến bà con vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân

Tích cóp, nhặt nhạnh đến giờ này anh Hồ Phương sở hữu trên 200 hiện vật quý, từ các dụng cụ sinh hoạt, sản xuất, công cụ săn bắt hái lượm đến các loại nhạc cụ, trang phục của bà con Vân Kiều, Pa Kô. Mỗi hiện vật là mỗi câu chuyện sống động và đầy kỳ bí mà anh Hồ Phương chia sẻ. Để từ đó anh hình thành nên một không gian văn hóa Vân Kiều, Pa Kô thu nhỏ - Phương gia viên nhằm triển lãm, trưng bày những hiện vật mà mình sưu tầm được.

Dù Hồ Văn Phương không phải người Vân Kiều hay Pa Kô nhưng trong lòng bà con nơi đây, anh vẫn được gọi một cách thân thương là Hồ Phương. Không chỉ là người sưu tầm hiện vật, anh còn là một “bảo tàng sống” lưu giữ trọn vẹn văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số bản địa.

Với sự am hiểu sâu sắc về phong tục, nghi lễ như thờ cúng, ma chay, cưới hỏi… của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, Hồ Phương đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Nhiều người ví anh là “già làng của những già làng”, “người uy tín của các làng, bản” bởi sự hiểu biết cũng như tấm lòng của anh đối với bà con nơi đây.

Phương gia viên không chỉ là nơi thỏa mãn niềm đam mê của Hồ Phương với văn hóa nơi đây mà giờ này, đây là điểm đến của hàng trăm, hàng nghìn du khách, nhà nghiên cứu mỗi lần tìm về không gian văn hóa văn hóa Vân Kiều, Pa Kô. Đây cũng là nơi để anh kết nối tấm lòng của các nhà hảo tâm, của du khách hỗ trợ nhiều chương trình thiện nguyện đến bà con ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Trị: Làng mật ngữ Phú Hải

Quảng Trị: Làng mật ngữ Phú Hải

(Thanh tra) - Mang trong mình cái nghề chăm lo cho “cõi âm,” ngôi làng Phú Hải đã tạo nên một thứ mật ngữ đặc biệt, được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ như một bí ẩn ít được hé lộ.

19:00 20/01/2025
10 kết quả nổi bật của ngành Văn hóa - Thể thao Hải Phòng

10 kết quả nổi bật của ngành Văn hóa - Thể thao Hải Phòng

(Thanh tra) - Năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt thể thao thành tích cao Hải Phòng đã vượt chỉ tiêu trên 200% số huy chương, đoàn Hải Phòng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024.

Kim Thành - Đình Tuệ

16:50 20/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm