Theo dõi Báo Thanh tra trên
(Thanh tra) - Mang trong mình cái nghề chăm lo cho “cõi âm,” ngôi làng Phú Hải đã tạo nên một thứ mật ngữ đặc biệt, được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ như một bí ẩn ít được hé lộ.
Đường vào làng mật ngữ Phú Hải. Ảnh: Khánh Anh
Làng chăm “cõi âm”
Trong làng Phú Hải – nay là thôn Phương Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) những hàng áo, quần, mũ... bằng giấy hàng mã xếp thành từng dãy lớn. Tại một quán nước nhỏ, tiếng trò chuyện râm ran khiến khung cảnh càng thêm sống động. Nhưng khi có người lạ xuất hiện, hai người đàn ông lớn tuổi bất ngờ chuyển sang một thứ ngôn ngữ lạ lẫm – đến mức, dù tôi sinh ra và lớn lên tại miền Trung, vẫn không thể hiểu họ đang nói gì.
Biết đó là mật ngữ đặc biệt của làng Phú Hải, tôi tò mò hỏi chuyện, nhưng cả hai người đàn ông nghiêm nghị trả lời: “Đây là bí mật của làng, chỉ có Hội đồng kỳ mục đồng ý mới được phép tiết lộ". Họ còn nhắc đến ông Trần Đức Tảo, vị Tiên chỉ đứng đầu Hội đồng kỳ mục, là người duy nhất có thể nói về thứ mật ngữ này.
Bất ngờ, một người đàn ông nói với tôi: “Tỏi hè,” rồi mỉm cười khi thấy tôi ngơ ngác. Một lát sau, ông bật cười và giải thích: “Đi hè!” – giục tôi cùng ông qua nhà ông Tảo.
Dưới mái nhà khang trang, ông Trần Đức Tảo cùng vợ, bà Nguyễn Thị Vui, đang tỉ mỉ dán từng món hàng mã. Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về thứ mật ngữ đặc biệt của dân làng Phú Hải, ông Tảo thoáng trầm ngâm trước khi đáp: “Nếu chú chỉ muốn biết những từ thông dụng thì tôi có thể nói, nhưng để tìm hiểu sâu hơn thì cần gặp các thành viên trong Hội đồng kỳ mục của làng. Ngôn ngữ này vốn chỉ truyền lại cho người trong làng, không dễ dàng chia sẻ đâu".
Trước thắc mắc của tôi về cụm từ “tỏi hè,” ông Tảo cười, giải thích: “Tỏi có nghĩa là đi, là rời đi. Từ này xuất phát từ loại gia vị "hành, tỏi" mà ta hay dùng. Trong tiếng Hán, "hành" nghĩa là đi, rồi diễn dịch qua "tỏi". Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, nhưng qua đó, người làng đã sáng tạo thành ngôn ngữ riêng".
Khi tôi hỏi liệu ngôn ngữ này có được ghi chép lại không, ông Tảo chỉ mỉm cười: “Những từ ngữ “chuyên biệt” thì chỉ được dạy khi đi làm việc. Còn các từ thông dụng, con cháu trong làng nghe nhiều rồi cũng hiểu, giống như học ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngay cả dâu rể trong làng, nếu chịu khó lắng nghe hoặc hỏi han, cũng có thể được chỉ bảo chứ không bị cấm đoán".
Theo ông Tảo, làng Phú Hải từ bao đời nay nổi danh với nghề chăm lo cho “cõi âm” – từ thầy pháp, thầy “phù thủy” đến phường bát âm và các cơ sở làm hàng mã. Vì vậy, mật ngữ trở thành một công cụ quan trọng để hành nghề.
Ông chia sẻ: “Có những điều không thể để gia chủ hay người ngoài biết. Đặc biệt, những thầy pháp trong làng Phú Hải thường xuyên sử dụng mật ngữ nhất, bởi công việc của họ đòi hỏi sự kín đáo và bí truyền".
Ngôi làng hơn 500 năm tuổi
Theo lời kể của các bậc cao niên và gia phả, làng Phú Hải hình thành cách đây hơn 500 năm, khởi nguồn từ những dòng họ Lê, Trần, Võ, Hồ. Mặc dù vị trí ban đầu của làng giờ không còn rõ ràng, một số tài liệu cho rằng làng xưa nằm sát biển với ước vọng về sự trù phú, nên được đặt tên là Phú Hải. Trải qua những biến động lịch sử và sự thay đổi của thiên nhiên, làng dần dời lên phía Tây như ngày nay.
Nghề chăm lo cho “cõi âm” ở Phú Hải – từ thầy pháp, thầy cúng đến bát âm – không ai biết chính xác bắt đầu từ khi nào, nhưng nó đã được truyền từ đời này qua đời khác cùng một thứ mật ngữ riêng của làng.
Ông Tảo kể rằng: “Như vợ gọi là nghéo, chồng là phu, đi thì nói là tỏi, còn về thì gọi là hồi…”. Ngôn ngữ bí truyền ấy không chỉ dựa trên việc biến đổi chữ Hán hay Hán Nôm thành những từ đặc trưng, mà còn chứa đựng những cụm từ khó giải thích, như câu “thượng gần uốn” để ám chỉ người sắp qua đời.
Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi ông Tảo ví dụ: “Khi đi đám, nếu có người hỏi: Ngày này gia chủ cho ăn gì?, người khác có thể trả lời: Song hồn. Song hồn nghĩa là hai hồn, tức là hai hồn chôn một, ám chỉ món "chột môn" (dưa môn hay dọc mùng). Hoặc khi bảo: Trưa nay gia chủ cho ăn áo trắng, thì "áo trắng" chính là chỉ thịt heo – vì con heo sau khi cạo sạch sẽ lộ ra làn da trắng. Ông cười sảng khoái trước vẻ ngơ ngác của tôi giữa mê cung ngôn ngữ đặc biệt của người làng Phú Hải.
Thứ ngôn ngữ độc đáo này không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là dấu hiệu nhận biết, giúp người Phú Hải dễ dàng nhận ra nhau khi đi xa. Qua bao đời, dù đã rời khỏi làng, họ vẫn giữ kín thứ mật ngữ riêng, không tiết lộ cho người ngoài. Điều này thể hiện rõ nét tính cách kiên trung và lòng tự hào sâu sắc của người dân nơi đây.
Theo bà Cái Thị Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, ngữ âm làng Phú Hải ban đầu được hình thành từ sự kết hợp giữa âm Hán Việt và các từ lóng sáng tạo bởi những người hành nghề thầy pháp. Về sau, những mật ngữ này dần phổ biến, phù hợp với nhu cầu giao tiếp của cộng đồng, được các thế hệ tiếp nối học tập và sử dụng, trở thành nét đặc trưng riêng của làng.
“Ngữ âm làng Phú Hải đã được đưa vào danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Quảng Trị, thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết,” bà Vượng cho biết thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mang trong mình cái nghề chăm lo cho “cõi âm,” ngôi làng Phú Hải đã tạo nên một thứ mật ngữ đặc biệt, được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ như một bí ẩn ít được hé lộ.
(Thanh tra) - Năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt thể thao thành tích cao Hải Phòng đã vượt chỉ tiêu trên 200% số huy chương, đoàn Hải Phòng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024.
Kim Thành - Đình Tuệ
Hải Hà
Minh Tân
Thái Hải
Hoàng Hiệp
Nguyễn Điểm
Trung Hà
T.Thanh
Duyên Hoàng
Thùy Dương
T.V
Hương Giang
Thu Huyền
Trung Hà
Nhật Minh