Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Hiệp
Chủ nhật, 19/01/2025 - 07:00
(Thanh tra) - Những ngày giáp Tết Ất Tỵ, các làng hoa truyền thống ở Hà Nội như Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên... đang tất bật trong không khí chuẩn bị đón xuân. Những sắc hoa tươi thắm từ các làng nghề này không chỉ làm đẹp không gian ngày Tết mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những thế hệ người dân Thủ đô.
Bà Nguyễn Thị Mùi, một chủ vườn Đào tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Hoàng Hiệp
Đào Nhật Tân – Biểu tượng sống động của mùa xuân Hà Nội
Nhật Tân từ lâu đã là cái tên quen thuộc mỗi độ xuân về. Không chỉ bởi vẻ đẹp của những cành đào mà còn bởi ý nghĩa văn hóa sâu sắc, làng đào Nhật Tân đã gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Hà Nội qua bao thế hệ. Nghề trồng đào ở Nhật Tân đã được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Mùi, người dân tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, chia sẻ: “Nghề trồng đào ở đây chúng tôi là nghề truyền thống. Từ thời ông cha chúng tôi đã làm rồi và tôi đã làm đến giờ cũng đã được 50 năm. Ngày xưa, mình chỉ làm đào cành thôi. 20 năm trở lại đây mới có người chơi đào cây. Ban đầu, cây đào được làm với những kiểu dáng đơn giản, nhưng bây giờ thì rất đa dạng với nhiều dáng, thế khác nhau".
Đào Nhật Tân nổi tiếng không chỉ vì cành đào đẹp mà còn vì ý nghĩa văn hóa đặc biệt của mỗi dáng cây. Trong đó, ba dáng đào phổ biến nhất là dáng ngũ phúc, dáng trực và dáng long. Mỗi dáng cây không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, phản ánh những ước vọng của người dân về một năm mới đầy may mắn và thành công.
Dáng ngũ phúc tượng trưng cho 5 điều may mắn trong cuộc sống, thể hiện mong ước về hạnh phúc, tài lộc. Dáng trực thể hiện sự kiên cường, chính trực, mong cầu sự vững bền trong kinh tế và sự nghiệp. Trong khi đó, dáng long, với hình tượng rồng bay lên, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, thăng hoa trong cuộc sống.
Giá các loại đào Nhật Tân cũng rất đa dạng và phong phú, phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng. Những cành đào nhỏ, thường được trưng trong nhà, có giá dao động từ 60.000 đến 200.000 đồng, mang đến vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát cho không gian. Trong khi đó, những cây đào dáng đẹp, được chăm sóc và cắt tỉa công phu, có giá từ 2 triệu đồng trở lên. Đây là những cây đào đẹp, khỏe mạnh, mang đậm dấu ấn cá nhân và là sự lựa chọn của những vị khách yêu thích sự tinh tế, cầu kỳ.
Tuy nhiên, năm nay, bão Yagi đã để lại những ảnh hưởng nhất định lên vườn đào Nhật Tân. Một số cây đào trồng ngoài bãi sông Hồng bị hư hỏng do mưa lớn và gió mạnh. May mắn thay, phần lớn cây đào nhỏ hơn, được trồng trong khu vực phía trong đê, không chịu nhiều tác động, giúp người dân Nhật Tân vẫn có thể cung cấp những cành đào đẹp, giữ vững được thương hiệu đào Nhật Tân nổi tiếng lâu đời.
Anh Phan Tiến Thành, một khách hàng đến từ phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, chia sẻ: “Nhật Tân thì có tiếng từ xưa. Tôi thường lên đây ngắm đào, chọn những cây mà mình thấy đẹp, ưa mắt để mua về chơi. Chọn được một cây đào ưng ý không chỉ là thú vui mà còn mang đến ý nghĩa rất đặc biệt trong dịp Tết".
Ngoài những cây đào phổ thông, làng Nhật Tân còn nổi tiếng với giống đào quý hiếm như đào thất thốn. Loại đào này không chỉ đẹp ở dáng, hoa nở dày mà còn mang nét độc đáo khó tìm, khiến nhiều người yêu cây cảnh say mê.
Anh Trần Trung Tá, một khách hàng đến từ quận Cầu Giấy, cho biết: “Năm nay, tôi muốn tìm một cây đào thất thốn đặc biệt để trang trí Tết. Tôi rất thích chơi loại hoa này vào dịp Tết vì vẻ đẹp đặc trưng của nó: Cây có dáng lùn, lá to, dài, có màu xanh đậm, từ gốc đến cành đều sùi phồng, nổi những u, xù xì, hoa thì đậm màu.
Quất Tứ Liên – Điểm nhấn cho ngày Tết
Không chỉ đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên cũng là một địa chỉ quen thuộc của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Những cây quất nơi đây được người nông dân chăm chút tỉ mỉ, tạo dáng cẩn thận, vừa đẹp mắt, vừa mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, một người dân sống tại phường Tứ Liên, chia sẻ: “Nhà tôi thường chọn những cây quất có thế khỏe, đẹp, nhiều lộc. Vì gia đình sống trong ngôi nhà cổ, nên tôi thường thích những cây quất mang nét cổ kính để phù hợp với không gian. Nghe các cụ kể lại, làng quất Tứ Liên đã nổi tiếng từ lâu đời. Những người làm nghề tại đây luôn dành sự tận tâm và quý trọng trong việc chăm sóc từng gốc quất".
Được biết, giá quất Tứ Liên cũng rất đa dạng, tùy vào kích thước và dáng cây. Những cây quất đặt trong chậu nhỏ để bàn có giá khoảng từ 300.000 đến 900.000 đồng/cây. Các cây quất dáng cao từ 1m7 trở lên có giá dao động quanh mức 3 triệu đến 5 triệu đồng/cây. Đặc biệt, đối với quất bonsai, giá có thể lên tới vài triệu cho đến vài chục triệu đồng/cây, tùy vào độ hiếm và sự kỳ công trong việc tạo dáng.
Với sự sáng tạo và khéo léo của người dân, những cây quất Tứ Liên không chỉ đẹp ở hình dáng truyền thống như dáng trực hay dáng thác đổ, mà còn được tạo hình thành các biểu tượng phong thủy hay hình dáng nghệ thuật độc đáo. Mỗi cây quất, mỗi dáng quất đều là sự kết tinh của công sức và tình yêu nghề của người trồng. Đây là món quà tinh thần mang đậm giá trị văn hóa của người dân Hà Nội, không chỉ dành cho các gia đình mà còn được nhiều doanh nghiệp, cửa hàng lựa chọn làm biểu tượng may mắn, tài lộc trong dịp Tết.
Biểu tượng của sự tiếp nối truyền thống
Có thể khẳng định, hoa tết không chỉ là sản phẩm trang trí, mà còn là biểu tượng của sự tiếp nối truyền thống, nét đặc trưng của mùa xuân Hà Nội. Những cành hoa, thế cây mang trên mình câu chuyện của người trồng, từ mồ hôi, công sức đến tình yêu dành cho nghề. Hoa Tết chính là biểu trưng của sự sống, sự sinh sôi nảy nở, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mỗi gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Giữa sự thay đổi của thời đại, việc gìn giữ các làng nghề truyền thống như Nhật Tân, Tứ Liên không chỉ làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thủ đô mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp bước, lưu truyền những giá trị tốt đẹp. Những ngày này, khi sắc đào hồng thắm, sắc quất vàng ươm rải khắp phố phường, đó là lúc mùa xuân Hà Nội thực sự chạm ngõ, mang đến niềm vui, hạnh phúc và hy vọng cho mọi nhà.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, không ít các ngành nghề truyền thống đang đối mặt với những thử thách. Tuy nhiên, với tình yêu nghề sâu sắc và sự kiên trì, người dân các làng nghề trồng hoa, cây cảnh như Nhật Tân và Tứ Liên đã chứng minh rằng những giá trị văn hóa này vẫn có thể vươn mình mạnh mẽ, tồn tại và phát triển trong thời đại mới.
Những người trồng hoa, cây cảnh không chỉ đơn thuần là những người làm nghề, họ chính là những người gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của Hà Nội. Mỗi cành đào, mỗi cây quất là một minh chứng cho sự bền bỉ, sáng tạo và tâm huyết của người trồng qua bao thế hệ, mang lại không chỉ vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn là sự may mắn, hạnh phúc cho mọi nhà trong dịp Tết.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những ngày giáp Tết Ất Tỵ, các làng hoa truyền thống ở Hà Nội như Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên... đang tất bật trong không khí chuẩn bị đón xuân. Những sắc hoa tươi thắm từ các làng nghề này không chỉ làm đẹp không gian ngày Tết mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những thế hệ người dân Thủ đô.
Hoàng Hiệp
(Thanh tra) - Ngày 18/1, Hội Nhà báo Hải Phòng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 và trưng bày ảnh thành tựu kinh tế, xã hội thành phố năm 2024.
Kim Thành
Hương Trà
Lý Nam
TC
T.Thanh
Ngọc phó
Minh Nghĩa - Đình Thanh
Nghĩa Huyền
Hoàng Hiệp
Lê Hữu Chính
Kim Thành
Bùi Bình
Lê Hữu Chính
Văn Thanh
Lê Phương