Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Nam
Thứ bảy, 18/01/2025 - 17:23
(Thanh tra) - Kết luận thanh tra của Ủy ban Dân tộc về Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Hòa Bình (Chương trình) cho thấy, các đơn vị được giao thực hiện còn chậm, lúng túng, chủ thể được hỗ trợ còn chưa đúng đối tượng, công tác chi trả còn nhiều sai sót…
Việc giao khoán bảo vệ rừng mang lại lợi ích kép khi các đơn vị có thêm nhân lực để giữ rừng, còn người dân nhận khoán có thêm thu nhập. Tuy nhiên, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, công tác này chưa được thực hiện tốt. Ảnh: TTM
Theo Kết luận thanh tra số 520/KL-TTr ngày 24/12/2024 của Thanh tra Ủy ban Dân tộc, tổng số vốn giao của Dự án là 211,694 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã được giải ngân/quyết toán là 75,428 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho một số sở, ban, ngành và các huyện, thành phố thực hiện.
Giao khoán bảo vệ rừng sai quy định
Tiểu Dự án 1 (Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân), có tổng số vốn được giao là 73,544 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân/quyết toán chỉ đạt 19,318 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra, xác minh việc thực hiện Tiểu dự án 1 tại 4 huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn cho thấy, việc tổ chức, triển khai thực hiện hỗ trợ tại các huyện còn chậm và lúng túng; đa số kinh phí được giao của năm 2022, 2023 được chuyển nguồn sang năm 2024 thực hiện. Tại thời điểm kiểm tra, các xã của huyện Mai Châu chưa thực hiện giải ngân, hỗ trợ đối với số kinh phí được giao năm 2023.
UBND các huyện, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đến với người dân, đoàn thanh tra qua tiếp xúc, xác minh đa số người dân không nắm được nội dung, định mức hỗ trợ.
Theo kết luận thanh tra, việc hỗ trợ nội dung khoán bảo vệ rừng được các đơn vị thực hiện chưa đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính và các quy định, hướng dẫn khác có liên quan, cụ thể:
Theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, mức chi trả tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên, khi triển khai, cả huyện đều chi ở mức thấp hơn quy định này (các huyện Kim Bôi, Mai Châu chi trả số tiền 347.236 đồng/ha/năm; trong khi các huyện Lạc Sơn, Đà Bắc lại chi trả số tiền 350.000 đồng/ha/năm).
Qua kiểm tra hồ sơ tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu và UBND các xã tại huyện Đà Bắc, việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân được các đơn vị này thực hiện khi chưa có hồ sơ thiết kế do UBND huyện phê duyệt (căn cứ vào hồ sơ thiết kế được UBND huyện phê duyệt năm 2023 để thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng của năm 2022). Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu cũng không lập hồ sơ thiết kế khoán bảo vệ rừng trình UBND huyện phê duyệt đối với diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình quản lý (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng đã thực hiện việc chi trả, thanh toán.
Tại huyện Lạc Sơn, UBND các xã không thực hiện việc thẩm định trước khi ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế khoán bảo vệ rừng.
Một trong các tiêu chí để thực hỗ trợ bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 18 Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, giao rừng của cấp có thẩm quyền hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp. Nhưng hồ sơ thiết kế bảo vệ rừng của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan của huyện Đà Bắc không thể hiện diện tích rừng của các hộ gia đình trong hồ sơ thiết kế là đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay đất được giao... nhưng vẫn được thẩm định trình UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt. Thậm chí, xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, còn chi trả tiền khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng xóm Kẹn đối với cả diện tích rừng do chính UBND xã quản lý, bảo vệ. Dẫn đến việc cộng đồng xóm Kẹn không nhận, trả lại xã số tiền 116,6 triệu đồng.
Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất chưa hiệu quả
Tiểu dự án 2 (Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) có tổng số vốn được giao là 138,15 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã giải ngân/quyết toán là 36,11 tỷ đồng. UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh và các huyện thực hiện.
Đối với nội dung “thúc đẩy khỏi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình chưa thực hiện việc rà soát, tổng hợp số lượng, nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng được hỗ trợ của Nội dung số 03, Tiểu dự án 2, Dự án làm căn cứ để xây dựng kế hoạch thực hiện; hồ sơ thực hiện các hoạt động không thể hiện cụ thể số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình được hỗ trợ tham gia; sử dụng kinh phí của Chương trình để thanh toán cho một số khoản chi tổ chức Hội chợ Xuân năm 2023 của tỉnh là chưa phù hợp với nội dung hỗ trợ của Chương trình.
Đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đến thời điểm kiểm tra, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư mới giải ngân thực hiện đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cho cộng đồng, chưa giải ngân đối với nội dung hỗ trợ theo chuỗi giá trị. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cũng không được thông báo rộng rãi để người dân biết và đăng ký tham gia theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP.
Việc triển khai tổ chức thực hiện dự án còn chậm (đến thời điểm kiểm tra các đơn vị tại 4 huyện chưa giải ngân số kinh phí giao năm 2023); thực hiện hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng vào thời điểm cuối năm thời tiết lạnh không thuận lợi cho việc chăn nuôi, trồng trọt.
Mục đích của dự án là hỗ trợ phát triển sản xuất cho cộng đồng, nhưng thực chất lại là các đơn vị hỗ trợ trực tiếp cho các hộ tự chăn nuôi, trồng trọt. Các thành viên trong nhóm hộ không có sự liên kết, trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Ở các tổ sản xuất cộng đồng, bản thân trưởng nhóm và các thành viên đều không có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án, nên khó khăn lúng túng trong việc tìm, lựa chọn các đơn vị cung ứng để ký hợp đồng và việc nghiệm thu, kiểm soát chất lượng các loại giống vật nuôi, vật tư sản xuất đưa vào dự án.
Theo kết luận thanh tra, một trong những nguyên nhân của các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do một bộ phận công chức, viên chức được giao nhiệm vụ chưa tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm; chưa thường xuyên nghiên cứu cập nhật các văn bản hướng dẫn, quy định của cấp trên để tham mưu triển khai thực hiện Chương trình, Dự án.
Công tác phối hợp giữa các phòng, đơn vị có liên quan của UBND huyện và UBND các xã, đơn vị được giao làm chủ đầu tư trong việc hướng dẫn, theo dõi thực hiện Dự án còn chưa thường xuyên; chưa kịp thời phát hiện và tham mưu đề xuất các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở; chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc.
Trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Dự án thuộc về UBND các xã và các đơn vị được được giao làm chủ đầu tư dự án.
Chánh Thanh tra Ủy ban Dân tộc đề nghị UBND các huyện Mai Châu, Đà Bắc kiểm tra, rà soát, bố trí kinh phí hoàn trả nguồn Chương trình đối với số kinh phí năm 2022 do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu và UBND các xã thuộc huyện Đà Bắc thực hiện chi trả nội dung khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng thuộc Tiểu dự án 1, Dự án trước khi có hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt (các đơn vị đã căn cứ vào hồ sơ thiết kế được phê duyệt năm 2023 để chi trả cho nội dung khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng của năm 2022). Báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban Dân tộc trước ngày 15/2/2025.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Kết luận thanh tra của Ủy ban Dân tộc về Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Hòa Bình (Chương trình) cho thấy, các đơn vị được giao thực hiện còn chậm, lúng túng, chủ thể được hỗ trợ còn chưa đúng đối tượng, công tác chi trả còn nhiều sai sót…
Hoàng Nam
(Thanh tra) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tham mưu cấp giấy chứng nhận cho diện tích trên 28.000m2 cho Công ty Cổ phần Điện gió Trà Vinh 1 và rà soát việc sử dụng đối với diện tích gần 5.300m2 đất. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng đất trước khi UBND tỉnh có quyết định cho thuê đất mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Thái Hải
Phạm Duy
Trần Kiên
Thu Huyền
Thu Huyền
Lê Hữu Chính
Văn Thanh
Lê Phương
Văn Thanh
Văn Thanh
Thanh Giang
Văn Thanh
Hoàng Nam
Nhật Minh
Nhật Minh
Trung Hà