Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 19/02/2015 - 15:26
(Thanh tra)- Bao đời ngư phủ phải đối mặt với nhiều bất trắc, hiểm nguy, song với họ, biển là máu thịt, là Tổ quốc thiêng liêng không bao giờ chia cắt được.
Nhiều chương trình cổ vũ, tiếp sức cho ngư dân vươn khơi. Ảnh: Ngọc Phó
“Hồn treo cột buồm…”
Nhớ lại, ngày 18/5/2006, ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… và nhiều nhất là TP Đà Nẵng đang hành nghề câu mực trên khu vực Hoàng Sa thì cơn bão Chan Chu đang tiến sâu vào lãnh hải Trung Quốc, bất ngờ chuyển hướng quay lại, đánh tan tàu thuyền và làm hơn 200 ngư dân mất tích trên biển, trong đó tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng là bị thiệt hại nặng nề về người và của. Cộng với nhiều tai ương thường gặp trên biển cả, nên nhiều phụ nữ làng chài thường than thở rằng “… lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm…”!
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thăm và tặng quà ngư dân Đà Nẵng, tháng 7/2014. Ảnh: Ngọc Phó
Gần đây, khi Biển Đông “dậy sóng”, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… liên tiếp bị “tàu lạ” tấn công bất ngờ trên biển. Rồi việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên thềm lục địa Việt Nam thuộc khu vực huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng), ngư dân lại phải đương đầu với nhiều nỗi lo khác. Trường hợp tàu cá ĐNa 90152 trị giá hàng tỷ đồng, là phương tiện sinh sống chủ yếu của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5/2014, khi đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa, là một ví dụ điển hình.
Biển chưa một phút bình yên, nhưng trên bờ “bão giá” thị trường liên tục nổi lên, làm cho thu nhập và đời sống của ngư dân chồng chất thêm nhiều khó khăn trong mỗi chuyến ra khơi hành nghề, nên đã có không ít trường hợp tìm hướng chuyển đổi ngành nghề. Ngư dân Đoàn Văn Hương (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) than thở: “Giá cả biến động mạnh khiến chúng tôi cũng ngán ngẩm. Một số anh em chuyển qua làm công nhân phụ hồ, lương trung bình tính ra còn cao hơn nhiều so với đi biển. Cứ đà này chắc các tàu phải tới lúc... nằm bờ thôi”.
Số liệu thống kê tàu thuyền đánh bắt hải sản của tỉnh Quảng Ngãi giảm khoảng 10% so với cùng thời điểm năm 2013. Nhiều chủ tàu cho rằng, nếu đi biển phải đắn đo, chắt chiu cho nhiều khoản chi, nhưng không thu được sản phẩm thì cầm chắc lỗ trên tay, vì tiền thu được không đủ chi phí cho xăng dầu.
Tiếp sức cho ngư dân bám biển
TP Đà Nẵng có hơn 1.700 tàu cá và hơn 650 thúng máy đánh bắt hải sản. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Đà Nẵng vốn có đội tàu đánh bắt xa bờ gồm hơn 200 chiếc có công suất từ 60 - 500CV, trung bình mỗi năm đánh bắt 40.000 tấn hải sản. Trước viễn cảnh “sống dở, chết dở” của ngư dân, lãnh đạo TP đã nhanh chóng có những quyết sách giúp ngư dân tháo gỡ vướng mắc, như: Đóng mới tàu đánh bắt xa bờ từ 400 - 600CV được hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, từ 600 - 800CV được vay 800 triệu đồng từ ngân sách TP hoặc bằng nguồn vốn huy động khác.
Vào tháng 4/2014, Đà Nẵng đã hạ thủy tàu hậu cần nghề cá đầu tiên cho ngư dân. Cuối tháng 5/2014, Cty Cổ phần Ứng cứu sự cố tràn dầu và Dịch vụ hàng hải Bảo Duy đã cùng ông Nguyễn Sương (quận Sơn Trà) hạ thủy tàu cá số hiệu Đna 90603 có công suất 1.150CV, trị giá 4,5 tỷ đồng và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá Đna 98001, cũng có công suất 1.150CV, trị giá 5,3 tỷ đồng.
Ðà Nẵng cũng cho lắp đặt thử nghiệm máy dò cá ngang trên 3 tàu đánh bắt xa bờ, trị giá mỗi máy 295 triệu đồng, trong đó TP hỗ trợ một nửa kinh phí.
Trong khuôn khổ Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh” từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Cộng hòa Pháp, cuối năm 2012, Ðà Nẵng lắp thiết bị kết nối vệ tinh VMS cho 51 tàu cá công suất từ 90CV trở lên. Đây là thiết bị hoàn toàn tự động, có khả năng chống va đập cao, thích ứng tốt với điều kiện môi trường biển và nhiệt độ cao, giúp nắm thông tin kịp thời về thời tiết trên biển từ các đài thông tin trong đất liền, có thể phát tín hiệu yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp trong vòng 15 giây khi tàu gặp sự cố, qua đó sẽ xác định chính xác vùng biển để đưa ra các biện pháp xử lý, ứng cứu kịp thời.
Ngày 2/7/2014, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã thăm hỏi, động viên vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa đã nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục đóng tàu mới, vươn khơi bám biển. Chủ tịch Nước cũng tặng quà cho 25 chủ tàu, ngư dân trở về từ ngư trường Hoàng Sa, đại diện cho chủ tàu và ngư dân Đà Nẵng.
Tàu đánh bắt xa bờ đang chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: Ngọc Phó
Tin vui đã đến với bà con ngư dân, đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về “một số chính sách phát triển thủy sản”, đã thực sự là “bà đỡ”, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân; với mục đích hỗ trợ các hoạt động đầu tư nâng cấp, đóng mới các phương tiện đánh bắt cũng như đội ngũ tàu hậu cần nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ hiệu quả.
Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình lên Chính phủ chính sách hỗ trợ "tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển”, cho 3.000 tổ đoàn kết với 15.000 tàu (có công suất 90CV trở lên) và 150 nghìn thuyền viên, với mức hỗ trợ dự kiến là 636,6 tỉ đồng… Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, cả nước đóng mới được gần 2.000 tàu cá các loại, nâng tổng số tàu cá lên hơn 125.000 chiếc.
Tỉnh Quảng Nam đã xét duyệt và giải ngân hỗ trợ cho 164 tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa với tổng kinh phí hơn 26,4 tỷ đồng. Đầu năm 2015, Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân huyện Núi Thành và Thăng Bình vay vốn đóng mới 33 tàu công suất lớn, nằm trong chương trình đóng mới 92 tàu cá.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã quyết định hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân, với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng và thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân, Quỹ Nhân đạo nghề cá, Quỹ Bảo hiểm… để giúp ngư dân. Bằng vốn vay, ngày 7/7/2014, tàu đánh bắt cá Sang FISH 01 của ông Lê Văn Sang (Đà Nẵng) đóng tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đã được hạ thủy. Đây là tàu vỏ sắt đầu tiên của Đà Nẵng, được trang bị hiện đại nhất để ra hành nghề trên ngư trường Hoàng Sa, mở ra thế hệ tàu cá mới.
Sự hỗ trợ, tiếp sức cho ngư dân còn thể hiện tính nhân văn cao cả. Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành cho những ngư dân không may gặp nạn, đến nay đã tiếp nhận được hơn 38 tỉ đồng ủng hộ và đã chi 8,7 tỉ đồng giúp 72 ngư dân đóng mới tàu thuyền, mua ngư lưới cụ; hỗ trợ trang thiết bị liên lạc, bảo hiểm thuyền viên, thân tàu cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với tổng số tiền 20 tỉ đồng.
Hướng về ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp với doanh nghiệp tổ chức chương trình “Lý Sơn - Trái tim Tổ quốc” đã vận động trên 500 triệu đồng ủng hộ ngư dân trên đảo. Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi đã trao gần 1 tỷ đồng cho các chủ tàu bị nạn khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng cũng đã phê duyệt đầu tư dự án trạm tìm kiếm cứu nạn đặt tại huyện đảo Lý Sơn, có tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng, bao gồm đội cứu hộ cứu nạn, 2 tàu công suất trên 3.000CV, 2 canô chuyên dụng, phòng sơ cấp cứu quy mô 20 giường, cùng các trang thiết bị y tế, hệ thống thông tin liên lạc khác…
Niềm vui chừng như vỡ òa giữa những ngày đầu năm mới này trên huyện đảo Lý Sơn, đó là dự án cấp điện từ hệ thống điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện Lý Sơn đi vào hoạt động, đã thực sự xua đi bóng đêm hoặc cảnh đèn dầu đeo đuổi suốt vài chục năm qua và cung cấp nguồn năng lượng cho đông đảo ngư dân sửa chữa tàu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ hải sản…
Mùa Xuân mới lại tràn về, ngoài kia biển như bừng sáng lên, ngư dân đang kỳ vọng về cảnh “thuận buồm xuôi gió” trong mùa vụ mới.
Ngọc Phó
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng