Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 17/08/2016 - 14:21
Sự kiện 3 cán bộ thanh tra giao thông Cần Thơ nhận hối lộ bị bắt quả tang và một thanh tra giao thông của tỉnh Hà Nam nhắn tin gạ tình bà mẹ thất lạc con nhỏ hồi tháng 7 vừa qua khiến dư luận phẫn nộ. Phóng viên báo Tiền Phong vào cuộc tìm hiểu, nhận diện về lực lượng này.
Những thanh tra giao thông Cần Thơ bị bắt vì làm tiền doanh nghiệp.
Bảo kê, tống tiền, ăn chặn, sách nhiễu… là những cụm từ được người dân và doanh nghiệp nhắc nhiều khi nói về một bộ phận thanh tra giao thông ở nhiều địa phương.
Buộc chung chi
Lý Hoàng Minh, Đội phó Thanh tra Giao thông số 3 quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đươc xem là một trong những “hung thần” của lực lượng thanh tra giao thông thành phố, ông này thường tìm nhiều cách “móc túi” doanh nghiệp. Chỉ trong buổi chiều 16/7, Minh đã buộc một loạt doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn có hoạt động vận tải phải đưa tiền. Lúc 15 giờ, Minh nhận tiền của chủ một nhà máy nước đá tại quán café Ami trên đường Nguyễn Văn Linh. Đến 16 giờ, Minh đến nhận tiền của cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) Nam Thành trên đường Nguyễn Văn Cừ. Khoảng một giờ sau, Minh đến nhận tiền của chủ một vựa cá ở chợ Tân An. Sau đó khoảng 20 phút, Minh lại đến một cửa hàng VLXD khác để nhận tiền thì bị Công an TP Cần Thơ ập vào bắt quả tang. Khám xét trong người Minh, Công an thu giữ 17 triệu VND và 100 USD.
Võ Hoàng Anh - Đội trưởng Thanh tra Giao thông số 3 quận Ninh Kiều và Đoàn Vũ Duy - Đội trưởng Thanh tra Giao thông số 11, quận Bình Thủy cũng chuyên ép doanh nghiệp chung chi và đã sa lưới pháp luật. Không chỉ trực tiếp nhận tiền, các thanh tra giao thông này còn thông qua những tên “cò” đi dọa nạt và thu tiền trực tiếp hoặc bắt doanh nghiệp nộp tiền qua tài khoản. Nguyễn Văn Cần, chuyên chạy xe ôm, là một trong số đó. Cần bị bắt cùng ngày với Lý Hoàng Minh. Tổng số tiền cơ quan điều tra thu được từ những thanh tra giao thông này (bao gồm tiền mặt và tiền trong tài khoản) là 3,436 tỷ đồng. Trong đó, số tiền giao nhận qua tài khoản là 3,013 tỷ đồng.
“Có nhiều doanh nghiệp không biết tên Cần là ai, ở đâu mà vẫn phải chuyển tiền vì nếu không chuyển thì xe chạy là bị bắt”-Đại tá Trần Ngọc Hạnh-Giám đốc Công an TP Cần Thơ nói. Ông còn cho biết, số tiền mỗi doanh nghiệp nộp vào các tài khoản hằng tháng 1 - 3 triệu đồng/xe, tùy xe và tùy theo tuyến đường xe lưu thông.
Theo Đại tá Hạnh, hầu như các loại xe có tên tuổi, các loại xe chở VLXD đều có tên trong danh sách nộp tiền hằng tháng. Ngoài ra, còn nhiều chủ xe khác phản ánh khi ngang địa bàn các quận của thành phố Cần Thơ cũng bị thu tiền. Ví dụ, xe đi ngang quận Ninh Kiều thì đóng tiền cho “cò” ở đây, còn đi sang quận Ô Môn thì phải tiếp tục đóng số tiền như vậy nữa, mỗi nơi có giá riêng.
Biết điều mới có cửa sống
Đại tá Hạnh cũng cho biết, có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp trong danh sách thường bị các thanh tra giao thông bắt phải chung chi. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng bị như vậy, rất bức xúc nhưng sợ ảnh hưởng công việc làm ăn nên im lặng chịu đựng. Ông Q., chủ cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng ở quận Ninh Kiều cho biết, “cò” bảo kê vô tới tận cửa hàng đặt vấn đề, thỏa thuận giá cả với thái độ áp đặt mỗi xe mấy triệu đồng/tháng. Dân kinh doanh xe tải cũng như kinh doanh VLXD bức xúc lắm nhưng chẳng ai dám lên tiếng.
Tài xế Hà Phước Minh, lái xe của Công Ty TNHH XD-TM-VT PT kể, cách đây chưa lâu anh chở 1m3 cát bằng xe có trọng tải 815 kg đến nhà một khách hàng ở đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều). Khi xe cát vừa vào đến nơi đã có 2 thanh tra giao thông áp sát theo sau và yêu cầu anh dừng lại để lập biên bản. Họ còn yêu cầu tài xế đưa xe đang chở cát đến trạm cân Cái Sơn Hàng Bàng, cách hiện trường 5 km. Tuy nhiên, sau khi cân xe và cát, một trong hai tiếp nhận điện thoại của ai đó, và chuyển sang phạt vi phạm lốp xe bị mòn chứ không phải lỗi phạt chở quá tải như lúc đầu. Theo tài xế Minh, nếu không được “bảo kê, mua đường”, khi gặp thanh tra giao thông bắt quả tang vi phạm chở quá tải, ngoài việc tài xế bị giam giữ bằng, chủ vật liệu phải nộp phạt mức thấp nhất 2 triệu đồng, lái xe còn phải đi học lại luật giao thông để nhận lại bằng lái. Do vậy, để “an toàn”, chủ doanh nghiệp luôn phải lo chung chi trước mọi chuyện.
Tình trạng doanh nghiệp phải chung chi, “biết điều” với thanh tra giao thông cũng phổ biến tại nhiều địa phương khác. Theo một số chủ doanh nghiệp tại Sóc Trăng, đội ngũ thanh tra giao thông tỉnh này ít vòi vĩnh, nhũng nhiễu doanh nghiệp một cách lộ liễu, trắng trợn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải “biết điều” nếu không muốn bị làm căng. Anh Hoàng, một chủ xe ben kể, anh mua mấy chiếc xe ben để chở thuê kiếm sống. Lúc đầu, làm ăn riêng rẽ một mình nên anh hay bị kiểm tra. Sau đó anh xin đầu quân cho một doanh nghiệp thì hoạt động ít bị kiểm tra hơn.
Theo Nhóm PV (Tiền Phong)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 11/12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) có địa chỉ ở số 49 Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Cty Tây Đô là chủ đầu tư dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại Khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Trần Lê
20:21 11/12/2024(Thanh tra) - Cho rằng người khác trồng ngô chặn lối mòn mình thường đi, người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng đã dùng tay nhổ 25 cây ngô và bị khởi tố về tội “Huỷ hoại tài sản”.
Trung Hà
15:34 11/12/2024Văn Thanh
14:45 11/12/2024Trần Quý
13:02 11/12/2024TK
13:26 10/12/2024PV
11:33 10/12/2024Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình