Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 13/08/2019 - 06:35
(Thanh tra)- Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Bộ Y tế, khả năng năm 2019, 2020, quỹ BHYT vẫn cân đối được, nhưng cần phải điều chỉnh mức đóng từ năm 2021 trở đi…
Quỹ BHYT đã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh minh hoạ
Tỷ lệ tham gia tăng nhanh
BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT để chăm sóc sức khoẻ, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Những năm qua, để bảo đảm đạt mục tiêu BHYT toàn dân, hệ thống chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện.
Chính phủ cũng ưu tiên, dành ngân sách mua, hỗ trợ mua thẻ BHYT để chăm sóc sức khoẻ người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người nghèo, cận nghèo, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; các đối tượng yếu thế.
Cùng với đó, giảm tỷ lệ đồng chi trả, có chính sách thông tuyến khám chữa bệnh; hỗ trợ chi phí đi lại để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng các dịch vụ y tế…
Nhờ vậy, tỷ lệ tham gia BHYT tăng lên nhanh chóng từ 43,76% (50,07 triệu người) năm 2009 lên 88,5% (83,5 triệu người) năm 2018, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội. Cập nhật đến tháng 6/2019, toàn quốc có 84,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,3% dân số.
Song hành với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng được cải thiện rõ rệt. Và quỹ BHYT đã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Những năm qua đã có hàng triệu bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, chi phí lớn được quỹ BHYT chi trả. Có bệnh nhân ở Vĩnh Long điều trị bệnh về máu trong hơn 2 năm đã được quỹ BHYT chi trả lên tới gần 13 tỷ đồng”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết.
Có thể điều chỉnh mức đóng từ năm 2021
Như vậy, vẫn còn khoảng 11% dân số chưa tham gia BHYT nhưng theo Bộ Y tế, là các đối tượng rất khó tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, mức đóng BHYT 4,5% lương còn thấp so với quy định của Luật.
“Nghị quyết 68 của Quốc hội đã nêu rõ, giảm ngân sách cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện để hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua việc mua, hỗ trợ mua thẻ BHYT. Khi tính tiền lương vào giá đã giảm được ngân sách cấp cho bệnh viện nhưng chưa điều chỉnh được mức đóng BHYT dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT”, Bộ Y tế nêu tại báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội khóa 12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong khi đó, giai đoạn từ năm 2012 đến nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh được thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí nên trong một số năm gần đây đã xảy ra mất cân đối thu, chi quỹ BHYT trong từng năm.
Bộ Y tế cho hay, nếu tính cả số dư từ các năm trước thì đến hết năm 2018, quỹ BHYT còn hơn 32.578 tỷ đồng nên khả năng năm 2019, 2020 vẫn cân đối được. Nhưng cần phải điều chỉnh mức đóng BHYT từ năm 2021 trở đi.
Quỹ BHYT hiện nay mới chỉ thanh toán cho các hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, chưa thanh toán cho một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu hoặc khi cán bộ y tế thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người có thẻ BHYT.
Theo Bộ Y tế, đây cũng là vấn đề lớn cần phải giải quyết. “Nếu làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng, nâng cao sức khoẻ về lâu dài sẽ giảm tình trạng mắc bệnh, giảm chi cho quỹ BHYT”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Tăng cường thanh tra để tránh trục lợi quỹ
Vì vậy, bộ này kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo các nguyên tắc: Chăm sóc sức khoẻ ban đầu do BHYT, người dân và ngân sách Nhà nước cùng chi trả; khám chữa bệnh do BHYT và người dân chi trả; BHYT đối với người lao động phải do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp, ngân sách Nhà nước bảo đảm đối với một số đối tượng chính sách; ngân sách Nhà nước, BHYT bảo đảm chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản; đa dạng các gói BHYT. Quy định việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã và phòng khám bác sỹ gia đình.
Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, theo Bộ Y tế, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về giá dịch vụ và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo nguyên tắc: Xây dựng cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp; quy định giá khám, chữa bệnh BHYT không theo hạng bệnh viện mà theo chất lượng của bệnh viện được đánh giá bởi tổ chức độc lập.
Một vấn đề nữa là cần nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT. “Phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nói.
Theo ông Sơn, trong quản lý khám, chữa bệnh và quản lý hiệu quả BHYT phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT. “Thời gian tới các cấp, các ngành, nhất là ngành BHYT và y tế cần phải quyết tâm, chung sức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT nói chung và bảo đảm duy trì quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT nói riêng”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Trần Kiên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Phương Anh
19:32 13/12/2024(Thanh tra) - Nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Việt Nam và Mỹ sẽ được thử nghiệm lâm sàng thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư RBS2418.
Chính Bình
11:00 13/12/2024Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang