Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 01/03/2017 - 18:38
(Thanh tra)- Ngày 1/3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể để nghe Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và các cơ quan liên quan giải trình về việc triển khai lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Toàn cảnh phiên họp giải trình
1 quý đi khám chữa bệnh 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau
Báo cáo tại phiên họp, người đứng đầu ngành Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 2015, thực hiện quy định thông tuyến BHYT, tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng nhanh chóng; việc cấp thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình nghèo được thực hiện kịp thời...
Còn về thu chi quỹ BHYT, từ năm 2009 - 2015 luôn có kết dư, nhưng năm 2016, ước bội chi 5.130 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tiến lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong khám chữa bệnh, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến.
“Số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế”, Bộ trưởng Tiến nói và khẳng định: “Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng BHYT trong ngắn hạn”.
Bộ trưởng Tiến cho biết, chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần nhiều nơi
Đi kèm với mặt tích cực là một số tồn tại, hạn chế khi thực hiện quy định thông tuyến.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, có tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở khám chữa bệnh như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...
“Người bệnh BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc. Có trường hợp trong quý IV/2016 đi khám chữa bệnh 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau”, bà Minh nói.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, “nhiều trường hợp không bình thường” như 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng hay có trường hợp đi khám, lấy thuốc đến 308 lần ở 23 nơi trong 8 tháng (ở TP Hồ Chí Minh), 197 lần ở 5 nơi (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương).
Bệnh viện xin xuống hạng để được áp cơ chế thông tuyến
Thậm chí, một số bệnh viện tư nhân có xu hướng xin xuống hạng (từ hạng I, II xuống hạng III, hạng IV) để được xếp tương đương với bệnh viện huyện để được áp dụng cơ chế thông tuyến.
“Với tính chất là một “doanh nghiệp” nên các cơ sở này có thể áp dụng các hình thức khác nhau như tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả của người bệnh, hỗ trợ tiền đi lại, đưa đón người bệnh để “thu hút” người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở khám chữa bệnh làm tăng chi phí khám, chữa bệnh
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thông tin thêm, người có thẻ BHYT sử dụng dịch vụ y tế tại trạm y tế đã giảm hẳn (năm 2016 giảm 14,1% so với năm 2015). Trong khi, tuyến huyện tăng 15 triệu lượt so với năm 2015, tương ứng 27,7%, dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở.
“Việc số người khám chữa bệnh ở tuyến huyện tăng theo tôi có hai khả năng, một là do chất lượng khám chữa bệnh tuyến huyện tăng, hai là do cạnh tranh không lành mạnh”, bà Minh nói.
Theo bà Minh, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tạo ra nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Bình luận điều này, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, Bộ Y tế quy định về kiểm soát tình trạng một số cơ sở y tế thực hiện các biện pháp khuyến mại thu hút bệnh nhân theo hướng nếu vi phạm có thể bị dừng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Cùng với đó, đầu tư hỗ trợ y tế xã để việc thông tuyến hiệu quả.
Không lùi quyết tâm thông tuyến
Trong khi đó, theo Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Bộ Y tế cần làm rõ hơn những giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay, nhất là việc đa số tuyến xã “ngồi chơi xơi nước”, “đắp chiếu” trong khi tuyến huyện ngày càng quá tải.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp
Liên quan đến trường hợp bệnh viện tuyến tỉnh lại xin xuống hạng thấp hơn để hưởng thông tuyến, ông Phong lưu ý, đây là nghịch lý “vô tiền khoáng hậu” và không biết hậu quả sắp tới sẽ thế nào.
Nhấn mạnh lỗi chính ở quản lý chứ không phải do người mua bảo hiểm, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, cần đẩy mạnh thông tuyến nhanh nhất, vì quyền lợi của người dân là được khám ở nơi có dịch vụ tốt nhất.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở. Bộ đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến này.
“Đẩy mạnh thông tuyến để người dân được tiếp cận với những nơi có dịch vụ tốt nhất, đây là yêu cầu chính đáng và là điều chúng ta phải trăn trở để hướng đến một ngày dân ta được hưởng như thế”, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, để thực hiện được cần có lộ trình.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân.
“Lần đầu chúng ta thực hiện nên xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc, không ít tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến mà phải đẩy nhanh thông tuyến để sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, để thực hiện thông tuyến tốt cần phải thực hiện tốt việc tin học hóa trong tất cả các bệnh viện; lấy y tế cơ sở, y tế dự phòng làm gốc, tập trung nâng cao năng lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng.
“Nếu làm tốt những vấn đề này thì băn khoăn của người dân và Đại biểu Quốc hội sẽ được giải quyết và giải quyết bền vững”, ông Vũ Đức Đam chốt lại.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Phương Anh
19:32 13/12/2024(Thanh tra) - Nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Việt Nam và Mỹ sẽ được thử nghiệm lâm sàng thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư RBS2418.
Chính Bình
11:00 13/12/2024Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn