Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 20/07/2021 - 06:38
(Thanh tra)- Thông báo kết quả kiểm toán số 485 ngày 29/12/2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (D.A), do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) làm chủ đầu tư, đã chỉ ra hàng loạt sai phạm.
Liệu đến năm 2022, D.A có hoàn thành đưa vào sử dụng? Ảnh: TQ
Kết quả kiểm toán cho thấy, quá trình lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị tư vấn, MRB và UBND TP Hà Nội và các cơ quan có liên quan đã xác định tổng mức đầu tư (TMĐT) chưa phù hợp, dẫn đến bỏ qua tiêu chí công trình quan trọng quốc gia (TMĐT D.A sau khi tính toán khắc phục các sai sót lên đến 11.874 tỷ đồng).
Thời gian thực hiện D.A kéo dài, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật 9 gói thầu chính (do tư vấn Systra thực hiện) chậm được phê duyệt (từ 13 đến 48 tháng). Dự toán 9 gói thầu do tư vấn Systra thực hiện chậm được phê duyệt so với hợp đồng từ 12 đến 61 tháng, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chưa tốt, còn nhiều tồn tại làm tăng giá trị dự toán 108.900 triệu đồng.
Công tác lựa chọn nhà thầu, tại gói thầu CP-08, thời gian sơ tuyển lựa chọn nhà thầu chậm 5 tháng. Quá trình chuẩn bị đấu thầu chậm 3,5 năm so với kế hoạch đấu thầu.
Chủ đầu tư chưa giám sát chặt chẽ việc sử dụng các nhà thầu phụ tham gia thực hiện D.A; chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu khi chưa giải phóng mặt bằng theo tiến độ, dẫn đến nhà thầu yêu cầu bồi thường chi phí phát sinh; chủ đầu tư chấp thuận cho nhà thầu thay đổi xuất xứ một số vật liệu, thiết bị mà chưa xem xét và thực hiện các thủ tục thay đổi theo quy định của hợp đồng (gói thầu CP-01, CP-02, CP-07)…
Tiến độ D.A chậm, Quyết định phê duyệt D.A số 1970/QĐ-UBND ngày 27/4/2009, dự kiến khởi công năm 2009, hoàn thành năm 2015. Tiến độ thực hiện D.A được điều chỉnh tại Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 26/7/2019, khởi công năm 2009 dự kiến hoàn thành năm 2022, chậm 7 năm so với kế hoạch ban đầu. Các gói thầu chính cơ bản đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 36 - 76 tháng.
Chất lượng công trình một số gói thầu không bảo đảm như: Gói thầu CP-02 tại vị trí lỗ mở trên thân xà mũ có xuất hiện vết nứt chạy từ đỉnh lỗ mở lên phía trên mặt xà mũ tại các nhà ga số 1, 2 và số 3.
Gói thầu số CP-04, thiết kế vật liệu khe co giãn bản cọc đỡ ray không phù hợp với môi trường Việt Nam; gói thầu CP-08, một số kỹ thuật nước ngoài áp dụng thi công, lắp đặt chưa được phê duyệt trước khi thực hiện…
Công tác quản lý chi phí đầu tư, quá trình thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư chấp thuận thay đổi nhà cung cấp, nguồn gốc, xuất xứ nhiều loại vật liệu nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của hợp đồng, đặc biệt là không xem xét, đàm phán lại giá các hạng mục thay đổi để bảo đảm quyền lợi cho chủ đầu tư và tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Công tác điều chỉnh giá hợp đồng chưa được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định của hợp đồng. Một số công việc đang tạm thanh toán, chưa xác định lại đơn giá do thay đổi thiết kế, thanh toán không đúng điều khoản hợp đồng. Tư vấn Systra chưa thực hiện đầy đủ một số nhiệm vụ được quy định tại hợp đồng, nhưng MRB đã nghiệm thu hoàn thành và thanh toán cho nhà tư vấn (hợp đồng trọn gói tư vấn thực hiện D.A).
Công tác nghiệm thu thanh toán được KTNN chỉ ra nhiều sai phạm. Thời gian thực hiện hợp đồng đã kết thúc năm 2014, nhưng phần khối lượng đã nghiệm thu chưa thanh toán khoảng 21.254 triệu đồng (gói thầu CP-04); nghiệm thu, thanh toán khối lượng thép mối nối chồng của các cấu kiện tại các hạng mục công trình với giá trị 29.538 triệu đồng là chưa đúng quy định.
Nghiệm thu, thanh toán khối lượng hạng mục cung cấp bổ sung bu lông chữ U cho cầu dầm U điển hình và các cầu đặc biệt tại gói thầu CP-01 trị giá 1.787 triệu đồng chưa phù hợp quy định. Nghiệm thu, thanh toán một số hạng mục công việc thuộc các gói thầu khi chưa tuân thủ đầy đủ các điều khoản quy định của hợp đồng.
Công tác chấp hành chế độ tài chính cũng có nhiều vi phạm theo hiệp định vay vốn; phân bổ chi phí quản lý cho D.A các năm 2018, 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 chưa phù hợp với quy định…
Với những sai phạm được chỉ ra tại báo cáo kiểm toán, KTNN yêu cầu MRB điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính của D.A đến ngày 30/6/2020 theo kết luận của KTNN.
Kiến nghị xử lý tài chính trên 113.503 triệu đồng, trong đó: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 80 triệu đồng; giảm trừ thanh toán trên 4.775 triệu đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại trên 108.647 triệu đồng.
Kiến nghị xử lý khác trên 210.342 triệu đồng, trong đó: Giảm chi phí đầu tư trên 133.519 triệu đồng; thu hồi khoản tạm ứng quá hạn trên 13.801 triệu đồng; trình UBND TP Hà Nội xem xét quyết định việc giảm giá trị khối lượng thép mối nối chồng của cấu kiện và khối lượng hạng mục bổ sung bu lông chữ U cho cầu dầm U điển hình và các cầu đặc biệt số tiền trên 31.325 triệu đồng; thương thảo với nhà thầu giảm trừ giá trị hợp đồng trên 31.696 triệu đồng.
Kiến nghị khác: Chưa đủ điều kiện thanh, quyết toán số tiền trên 1.855.075 triệu đồng, trong đó: Thương thảo với nhà thầu để làm cơ sở thanh, quyết toán chi phí đầu tư trên 1.542.249 triệu đồng. Phối hợp với nhà thầu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục làm cơ sở thanh, quyết toán chi phí đầu tư trên 312.825 triệu đồng.
Thực hiện ghi thu - ghi chi số tiền trên 2.140 triệu đồng theo quy định; làm việc với Bộ Tài chính, Sở Tài chính Hà Nội việc thực hiện ghi thu - ghi chi số tiền trên 261.305 triệu đồng.
Hoàn thiện trình tự, thủ tục trong công tác quản lý D.A đầu tư xây dựng.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, sai sót như: Xác định TMĐT trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa phù hợp dẫn đến bỏ qua tiêu chí công trình quan trọng quốc gia; trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi D.A khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư; xác định và trình UBND TP Hà Nội phê duyệt tăng TMĐT của D.A 393 triệu Euro không thuộc trường hợp được điều chỉnh.
Phê duyệt thiết kế kỹ thuật khi tư vấn không đưa ra được các điểm khống chế tại những vị trí giao diện giữa các gói thầu là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện các gói thầu và tiến độ thực hiện D.A; phê duyệt dự toán khi chưa có cơ sở làm rõ các đơn giá đặc biệt và những tồn tại được nêu trong báo cáo kết quả kiểm toán.
Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những sai sót, tồn tại khác đã được chỉ ra trong báo cáo kết quả kiểm toán.
KTNN cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo MRB thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN; chỉ đạo các đơn vị tham mưu rà soát và xem xét, quyết định về thiết kế cơ sở điều chỉnh của D.A; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những sai sót, tồn tại đã được nêu trong báo cáo kiểm toán…
Sau khi KTNN công bố báo cáo kiểm toán, ngày 18/1/2021, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 441/VP-KT về việc thực hiện thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư D.A tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội gửi các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra TP; MRB.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn giao MRB khẩn trương thực hiện các kiến nghị của KTNN tại báo cáo kết quả kiểm toán của KTNN.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra TP tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của KTNN; khắc phục hạn chế đã được KTNN chỉ ra sau kiểm toán, nâng cao năng lực quản lý D.A đầu tư, hoàn thành trước ngày 25/1/2021.
Thế nhưng đến nay, theo ông Lưu Trung Dũng, Chánh Văn phòng MRB, Ban mới thực hiện được một số kiến nghị của KTNN.
Vì sao một D.A lớn với tổng mức đầu hàng chục nghìn tỷ đồng mà có nhiều sai phạm đến vậy? Liệu MRB có đủ năng lực quản lý, điều hành? Đáng chú ý, những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ và KTNN chỉ ra thì chậm được thực hiện? Trách nhiệm của UBND TP Hà Nội đến đâu? Tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?
Báo Thanh tra sẽ trở lại vấn đề để bạn đọc theo dõi.
Trần Quý
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch về việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra số 1522/KL-TTCP ngày 06/7/2023 của Thanh tra Chính phủ và Thông báo số 714-TB/UBKTTW ngày 31/7/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
(Thanh tra) - Ngày 20/11, Công an tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (sinh năm 1991), Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt để điều tra về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cảnh Nhật
17:05 20/11/2024Bùi Bình
07:00 19/11/2024N. Phó - L. Bằng
16:26 18/11/2024Trần Quý
15:27 15/11/2024Lê Hữu Chính
22:01 14/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân