Vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định thành lập Trường TH, THCS, THPT Hồng Đức, trực thuộc Trường Đại học Hồng Đức. Theo đó, Trường Liên cấp TH, THCS, THPT Hồng Đức nằm trong khuôn viên Trường Đại học Hồng Đức.

Về quy mô hoạt động giáo dục của nhà trường gồm có 36 lớp, trong đó 15 lớp TH, 12 lớp THCS và 9 lớp THPT. Trường là cơ sở giáo dục phổ thông công lập có nhiều cấp học, thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng; chịu sự quản lý Nhà nước của sở giáo dục và đào tạo và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Trường Liên cấp TH, THCS, THPT Hồng Đức được thành lập với mục tiêu là tạo cơ sở thực hành, rèn nghề cho sinh viên các ngành Sư phạm từ giáo dục TH đến THPT của Trường Đại học Hồng Đức nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; khai thác được đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề giỏi và cơ sở vật chất hiện có. 

Ngoài trường TH, THCS, THPT vừa được thành lập, Trường Đại học Hồng Đức còn có trường mầm non thực hành. Như vậy, Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học công lập trực thuộc UBND tỉnh đầu tiên đào tạo từ bậc mầm non đến tiến sĩ. 

Đại học Hồng Đức đào tạo 5 chuyên ngành tiến sĩ, 20 chuyên ngành thạc sĩ, 1 chương trình thạc sĩ liên kết với Đại học Soongsil của Hàn Quốc, 34 ngành đào tạo kỹ sư, cử nhân bậc Đại học và 18 ngành cử nhân bậc cao đẳng. 

Chia sẻ với báo chí về việc này, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước khi ban hành quyết định trên, nhà trường và các sở, ngành đã có đề án và đánh giá tính khả thi khi thành lập trường, việc thành lập trường liên cấp trong Trường Đại học Hồng Đức trước hết là do trường này có thế mạnh đào tạo ngành Sư phạm từ xưa đến nay. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu thực tế khi số lượng học sinh các cấp ngày một tăng, đặc biệt trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, khi trường liên cấp mở ra, sẽ tạo nhiều cơ hội cho các sinh viên ngành Sư phạm trong Trường Đại học Hồng Đức được thực hành, tiếp xúc sớm với công tác giảng dạy.

Cũng theo ông Tùng, thành lập trường liên cấp trong Trường Đại học Hồng Đức hướng tới mục tiêu lâu dài, duy trì và mở rộng quy mô theo nhu cầu của xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đối với quyết định này của UBND tỉnh thì Trường Đại học Hồng Đức sẽ là trường thực hành góp phần vào công tác đào tạo các bậc học cùng với tỉnh, do không tăng thêm biên chế, không tăng thêm công lập nên việc đẩy mạnh xã hội hóa ngoài công lập tại Trường Đại học Hồng Đức cho đến lúc này là điều cần thiết dù là muộn.

Cũng theo Tư lệnh ngành Giáo dục Thanh Hóa cho biết, Đại học Hồng Đức là trường công lập nhưng đã tự chủ được 30% và hướng tới tự chủ hoàn toàn để thu hút học sinh, không chỉ mình của tỉnh Thanh Hóa mà còn của cả nước. Tại đây, trường được thu hút thêm học sinh để giải bài toán thêm trường công nhưng không tăng thêm biên chế, được thu học phí và lại được thêm nguồn tuyển sinh cho chính trường, giải quyết được vấn đề việc làm cho các giáo viên có trình độ có nhu cầu làm thêm để nâng cao thu nhập.

"Trường Đại học Hồng Đức lâu nay là cái nôi sư phạm của cả nước, nhưng lại thiếu thực hành, khi các sinh viên học sư phạm, cần có thực hành, đi thực tập, thực tế ở các trường phải mất rất nhiều chi phí cho sinh viên, rồi nhiều quan hệ khác kéo theo... Do đó việc Trường Đại học Hồng Đức là cơ sở giáo dục phổ thông công lập có nhiều cấp học, thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng; chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định là điều nên làm vào lúc này", ông Trần Văn Thức thẳng thắn nói.

Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, cho biết, trong giai đoạn 2010-2017, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ít nên học sinh khá, giỏi hầu như không đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên. Do đó, Trường Đại học Hồng Đức đã xây dựng “Đề án Đào tạo chất lượng cao”, theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định đào tạo chất lượng cao, sau đó được Bộ Giáo dục và Đào tạo GD&ĐT xác nhận, đề án đào tạo chất lượng cao 4 ngành trình độ đại học (gồm các ngành Sư phạm Toán học, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử).

Đề án được triển khai từ năm 2018 đến 2022, tuy nhiên, từ khi Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực, đã thu hút được nhiều học sinh khá, giỏi đăng ký học các ngành Sư phạm.

Từ đó, nhà trường nhận thấy đề án đào tạo các ngành chất lượng cao này đã hoàn thành sứ mệnh. Vậy nên, từ năm 2023 Trường Đại học Hồng Đức quyết định dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo trình độ đại học chất lượng cao nên việc cần có hướng đi mới cho trường là điều cần thiết.

Với việc thành lập Trường TH, THCS, THPT Hồng Đức thì Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học công lập trực thuộc UBND tỉnh đầu tiên đào tạo từ bậc mầm non đến tiến sỹ.

 

Văn Thanh