Đó là Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 2/10/2015 có quy định về chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị định 116/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người…

Theo đó, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học được Nhà nước đảm bảo chi phí ăn, ở, học tập. Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ gạo 9 tháng/năm. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là người DTTS đáp ứng được các điều kiện thụ hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, hưởng 9 tháng/năm, được hỗ trợ tiền nhà ở. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở, 9 tháng/năm. Nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy mô, mạng lưới trường lớp vùng DTTS được củng cố và phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học.

Để triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, giai đoạn 2018  - 2021, Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phối hợp triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả thiết thực, trong đó, tiêu biểu là Ủy ban Dân tộc và Bộ GDĐT đã tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới ở vùng DTTS.

Đồng thời, phối hợp rà soát, đánh giá các chính sách GDĐT vùng DTTS nhằm phát hiện những vấn đề bất cập, đề xuất xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Số liệu của Ủy ban Dân tộc cho thấy, đến nay, toàn vùng DTTS và miền núi có 5.766 trường mầm non; 100% trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Tất cả các tỉnh vùng DTTS đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh đã đạt chuẩn mức độ 3; 100% tỉnh và huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99,35%, trung học cơ sở là 92,27%, trung học phổ thông là 63,03%. Tỷ lệ học sinh từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 89,46%.

Có 1.459 học viên đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu của khóa tập huấn và đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn giảng dạy kiến thức dân tộc; tổ chức 115 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc tại 40 tỉnh, thành phố...

Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, Ủy ban Dân tộc và Bộ GDĐT đã tích cực phối hợp xây dựng Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; rà soát, tích hợp các chính sách phát triển giáo dục dân tộc vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Những kết quả đạt được đã đặt nền móng vững chắc cho hoạt động phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban Dân tộc và Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường phối hợp chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vùng DTTS và miền núi; phối hợp chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc dạy học tiếng nói, chữ viết DTTS trong trường phổ thông và dạy học tiếng DTTS đối với cán bộ công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS.

Đồng thời, phối hợp trong việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh chính sách dân tộc trong lĩnh vực GDĐT vùng DTTS miền núi từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025; tăng cường phối hợp về công tác thi đua, khen thưởng, thông tin, tuyên truyền nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước...

Cũng theo Ủy ban Dân tộc, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng chất lượng GDĐT ở vùng DTTS và miền núi đang còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Do vậy, trong dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, đối với lĩnh vực GDĐT, theo Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương sẽ quy hoạch phát triển hợp lý các trường phổ thông dân tộc nội trú, đẩy mạnh phát triển mạng lưới trường phổ thông dân tộc bán trú.

Đổi mới căn bản phương thức cử tuyển học sinh DTTS học đại học theo hướng: Học sinh DTTS rất ít người, học sinh nhóm DTTS có tỷ lệ tốt nghiệp đại học/dân số dưới 1% phải trải qua học dự bị đại học hệ 1 năm hoặc 2 năm để đạt mặt bằng kiến thức chung trước khi học đại học, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, làm cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi…

Lê Phương